BSC đặt mục tiêu top 10 thị phần, nâng vốn gấp 4 lần lên 2.000 tỷ đồng
Chứng khoán BSC cũng dự kiến thay đổi tên gọi để gắn trực tiếp với thương hiệu ngân hàng mẹ là BIDV.
Mới đây, CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC – mã chứng khoán: BSI) đã công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên và kế hoạch kinh doanh năm 2023.
Theo đó, Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 565 tỷ đồng, gấp gần 3,8 lần kết quả thực hiện năm 2022. Công ty cũng đặt mục tiêu lọt top 10 thị phần môi giới cổ phiếu trên sàn HoSE. Ngoài ra, hệ số an toàn tài chính dự kiến tối thiểu 260%.
Về phương án chia cổ tức năm 2022, BSC dự kiến sẽ trình cổ đông kế hoạch cổ tức 10% với cả hai hình thức tiền mặt và cổ phiếu, cùng tỉ lệ 5%. Năm 2023, mức chi cổ tức dự kiến 10% bằng tiền hoặc cổ phiếu. Ủy quyền cho HĐQT xem xét cho ứng trước số cổ tức ở từng thời điểm phù hợp.
Kế hoạch này sẽ được trình cổ đông thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023, diễn ra vào ngày 14/4 tới tại Hà Nội. Ngoài ra, BSC dự kiến tại Đại hội lần này sẽ đưa ra việc đổi tên thành Công ty Cổ phần Chứng khoán BIDV.
Theo BSC, tên giao dịch tiếng Việt hiện tại của công ty chưa gắn đúng với tên đầy đủ của ngân hàng mẹ là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), và tên tiếng Anh “ BIDV Securities Joint Stock Company” chưa sát với tên doanh nghiệp tiếng Việt đã đăng ký.
“Đồng thời, tên gọi tiếng Việt hiện khá dài, gây khó khăn cho khách hàng trong việc ghi nhớ, đồng thời không thuận lợi trong công tác thiết kế bảng hiệu”, tài liệu ĐHĐCĐ của BSC nêu.
Theo đó, BSC trình cổ đông thay tên công ty thành “CTCP Chứng khoán BIDV” và tên viết tắt là BSC. Việc điều chỉnh này sẽ có các ưu điểm như gắn trực tiếp tên giao dịch của BSC với thương hiệu BIDV, thống nhất giữa tên gọi tiếng Việt và tiếng Anh của công ty, và giúp khách hàng dễ nhớ tên thương hiệu do ngắn gọn hơn…
Ngoài ra, ở đại hội lần này, BSC cũng sẽ trình cổ đông thông qua phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Cụ thể, BSC sẽ phát hành thêm 14.984.052 cổ phiếu, trong đó phát hành gần 9,4 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tỉ lệ thực hiện quyền 5% và hơn 5,6 triệu cổ phiếu thưởng, tỉ lệ 3%. Mục đích của đợt phát hành để tăng vốn điều lệ phục vụ nhu cầu phát triển kinh doanh.
Nếu cả hai đợt phát hành đều thành công, vốn điều lệ của BSC sẽ tăng từ hơn 1.878 tỷ đồng lên gần 2.028 tỷ đồng.
Thêm một nội dung nữa, HĐQT của BSC dự kiến trình cổ đông thông qua việc miễn nhiệm thành viên Ban Kiểm soát. Ông Kang Ju Seok – Thành viên Ban Kiểm soát, quốc tịch Hàn Quốc, đã nộp đơn xin từ nhiệm với lý do bận công việc cá nhân nên không thể đảm nhận vị trí trong thời gian tới, ông Kang tham gia Thành viên Ban Kiểm soát từ ngày 18/11/2022.
Về việc bầu bổ sung nhân sự tham gia Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2021 – 2026 được HĐQT dự kiến sẽ thực hiện trực tiếp tại Đại hội.
Về bức tranh tài chính, tại quý IV/2022, BSC đạt doanh thu 247 tỷ đồng, giảm 40% so với cùng kỳ, đáng chú ý là doanh thu hoạt động môi giới giảm 19 tỷ đồng xuống còn hơn 71 tỷ đồng, lãi cho vay và phải thu giảm 21%, cũng ở mức 72 tỷ đồng, doanh thu hoạt động tư vấn giảm 70%, còn 5,3 tỷ đồng. Kết quả, BSC lãi sau thuế của công ty giảm gần 80% so với cùng kỳ 2021 còn 16,2 tỷ đồng.
Năm 2022, doanh thu hoạt động của BSC đạt 1.089 tỷ đồng, giảm hơn 18% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt gần 149 tỷ đồng, giảm 66% so với năm trước. Với kết quả đạt được, công ty mới chỉ thực hiện 32% kế hoạch lợi nhuận năm 2022.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 24/3, cổ phiếu BSI đóng cửa tại mức giảm 1,09% về 18.200 đồng/cổ phiếu, tuy nhiên so với mức đáy hồi tháng 11/2022, cổ phiếu này đã tăng 50% thị giá.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận