BSC: Đánh giá tác động dịch Covid-19 tại Trung Quốc đến thế giới và TTCKVN
Trung Quốc đang trải qua đợt bùng phát dịch Covid-19 tồi tệ nhất kể từ khi thực hiện chiến lược “zero Covid”, các ca nhiễm liên tục gia tăng khiến quốc gia này phải thực hiện nhiều biện pháp phong tỏa, cách ly nghiêm ngặt. Trong đó có nhiều tỉnh/thành phố giữ vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế của Trung Quốc.
Điều này đe dọa làm gián đoạn sản xuất và thương mại tại nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới cũng như đối với toàn cầu. Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, khả năng kiểm soát dịch bệnh tại Trung Quốc đang trở thành vấn đề rất được quan tâm lúc này.
1. Diễn biến dịch bệnh và chiến lược chống dịch Covid-19 của Trung Quốc
Theo số liệu mới nhất từ AFP, 2 khu vực có số ca mắc Covid đáng lo ngại nhất là tỉnh Quảng Đông và tỉnh Cát Lâm. Đây là 2 địa phương có 02 thành phố lớn là: Thâm Quyến (thành phố cảng quan trọng thứ 2 sau Thượng Hải) và Trường Xuân (thủ phủ tỉnh Cát Lâm – trung tâm công nghiệp phía Đông Bắc) – đây đều là những trung tâm sản xuất của nhiều Công ty đa quốc gia hàng đầu thế giới trên các lĩnh vực. Mặt khác thành phố cảng Thanh Đảo (thuộc tỉnh Sơn Đông – một hải cảng quan trọng) cũng đã áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại không cần thiết.
Kể từ khi đại dịch bùng phát, Trung Quốc kiên định theo đuổi chiến lược “zero Covid” với các biện pháp bao gồm: phong tỏa nghiêm ngặt, xét nghiệm diện rộng nhanh chóng… nhằm chấm dứt ngay chuỗi lây nhiễm. Sức mạnh mô hình quản lý này được các cơ quan điều hành Trung Quốc đánh giá cao khi ghi nhận con số tử vong thấp (chưa đến 5,000 ca). Tuy nhiên, tốc độ lây lan nhanh chóng của biến chủng Omicron sẽ là bài kiểm tra thực sự cho chiến lược này.
Năm 2021, tỉnh Quảng Đông (tỉnh có giá trị GDP năm 2021 đạt 1.96 nghìn tỷ USD – đơn vị chiến lược trong quá trình phát triển của nền kinh tế Trung Quốc) có kim ngạch xuất khẩu đạt 795 tỷ USD chiếm 23% tổng lượng xuất khẩu, trong đó riêng thành phố Thâm Quyến xuất khẩu 303 tỷ USD – con số đưa thành phố này trở thành một trong những trung tâm xuất khẩu lớn bên cạnh các quốc gia trong khu vực ASEAN.
Tại Thâm Quyến các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là máy móc và tiêu dùng điện tử (chiếm 85% tổng giá trị xuất khẩu 2021). Thâm Quyến cũng là nơi đặt nhiều nhà máy sản xuất của các công ty như Foxxcon (đơn vị sản xuất cho Apple), Tencent, Huawei, BYD (hãng sản xuất xe điện của Trung Quốc)… Nếu Thâm Quyến bị phong tỏa nghiêm ngặt sẽ tác động ngay đến chuỗi cung ứng toàn cầu đặc biệt là những sản phẩm công nghệ.
Trước tình hình diễn biến dịch bệnh phức tạp, các cơ quan quản lý đã linh hoạt áp dụng các biện pháp như: cho người dân được tự mua bộ xét nghiệm tại hiệu thuốc/trên mạng cũng như chủ động xét nghiệm tại nhà, đồng thời cơ quan y tế Trung Quốc cũng đã phê duyệt 5 loại xét nghiệm nhanh kháng nguyên được sản xuất trong nước.
Tuy nhiên chính quyền Trung Quốc vẫn chưa có ý định từ bỏ chiến lược chống dịch của mình khi Ủy ban kiểm tra kỷ luật TW (cơ quan thuộc Đảng Cộng Sản Trung Quốc) khẳng định sự đúng đắn của chiến lược này, đồng thời mới đây Thủ tướng Lý Khắc Cường cho rằng chiến lược “zero Covid năng động” là cần thiết, chính phủ sẽ cam kết dựa trên cơ sở khoa học để bảo sức khỏe người dân cũng như chuỗi cung ứng toàn cầu, tránh gây gián đoạn cho nền kinh tế.
2. Ảnh hưởng các đợt phong tỏa đến TTCK Trung Quốc:
Đánh giá:
• Thị trường thường có phản ứng khá mạnh với COVID-19 lần đầu nhưng đã nhanh chóng hồi phục sau 1 tháng.
• Hầu hết đều chỉnh trong vòng 1 tuần, có dấu hiệu hồi phục trong 1 tháng.
• Các nhóm ngành hưởng lợi: CNTT, Chăm sóc sức khỏe và Tiêu dùng.
• Đợt điều chỉnh năm 2022 kéo dài liên tiếp trong 3 tháng do có 3 lệnh phong tỏa thành phố theo thứ tự là Yuzhou, An Yang, và Shen Zhen.
3. Tình hình xuất nhập khẩu giữa Việt Nam – Trung Quốc
Các mặt hàng nhập khẩu chính từ Trung Quốc bao gồm Máy móc, thiệt bị, dụng cụ, phụ tùng khác; Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện. Ngoài ra một số ngành khác chiếm tỷ trọng nhỏ hơn có thể kể đến như: sản phẩm liên quan đến ngành dệt may, Sắt thép, Hóa chất, Phân bón,…
Các mặt hàng xuất khẩu chính sang Trung Quốc bao gồm Điện thoại các loại và linh kiện; Máy vi tính và linh kiện. Một số ngành khác chiếm tỷ trọng thấp hơn gồm có: nguyên liệu đầu vào và các sản phẩm dệt may, Sắt thép các loại, Thủy hải sản, các sản phẩm hóa chất…
4. Đánh giá ảnh hưởng của tình trạng phong tỏa tại Trung Quốc đến tới các ngành tại Việt Nam
BSC đánh giá chiến dịch “Zero Covid” tại Trung Quốc có thể tác động đến một số ngành như sau:
4.1. Thép : Trung lập
Quan điểm đối với ngành thép: có tác động trong ngắn hạn nhưng không lớn.
Tình trạng hiện tại ở Trung Quốc: Chính phủ Trung Quốc quyết định hạn chế hoạt động sản xuất kinh doanh tại 13 tỉnh, thành phố để kiểm soát đợt bùng phát Covid 19 mới đây tại nước này, chủ yếu nằm ở phía Đông Bắc Trung Quốc. Top 3 địa phương sản xuất thép lớn nhất của Trung Quốc: Hà Bắc (24%), Giang Tô (11.6%), Sơn Đông (7.7%) nằm trong diện bị ảnh hưởng bởi lockdown.
– Ảnh hưởng trong ngắn hạn:
+ Về phía cung: Ảnh hưởng chủ yếu liên quan đến hoạt động logistics từ nhà máy đến nơi tiêu thụ, trong khi hoạt động sản xuất không bị ảnh hưởng nhiều vì các nhà máy tại Trung Quốc vẫn còn tồn kho nguyên vật liệu để sản xuất.
+ Về phía cầu: Ảnh hưởng lớn do các công trình đang thi công sẽ bị đình trệ. Số lượng hợp đồng giao dịch thép trên sàn hàng hóa có xu hướng giảm so với tháng trước.
Ảnh hưởng Đối với VN:
Trong năm 2021, VN xuất khẩu 1.66 tỷ USD sắt, thép vào Trung Quốc (Tổng cục hải quan). Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là phôi thép và thép xây dựng. Ảnh hưởng đối với ngành thép Việt Nam:
– Ảnh hưởng trong dài hạn:
+ Giá thép có thể giảm do nhu cầu tiêu thụ tại Trung Quốc chậm lại
+ Dư địa tăng thị phần có nhưng tương đối hạn chế: Kể từ khi Trung Quốc quyết định cắt giảm công suất tại các nhà máy công nghệ lạc hậu và do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhu cầu nhập khẩu thép tăng mạnh để bù đắp lượng thiếu hụt. Trung Quốc hầu như tập trung xuất khẩu các sản phẩm thép có giá trị gia tăng cao, dùng trong công nghiệp sản xuất ô tô, thiết bị gia dụng. Ở phân khúc này, lượng xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam không lớn. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu thép sẽ tiếp tục được hưởng lợi nhờ việc cắt giảm công suất của Trung Quốc nhiều hơn ảnh hưởng của việc lockdown lần này.
Tuy nhiên, ảnh hưởng của đợt phong tỏa lần này có thể chỉ trong ngắn hạn (Reuters dự báo đỉnh dịch sẽ đến trong tháng 4 này), và nhu cầu tiêu thụ thép của Trung Quốc sẽ cao trong năm nay do Chính phủ Trung Quốc khuyến khích đầu tư cơ sở hạ tầng, và tuyên bố sẽ hỗ trợ thị trường bất động sản nước này. Do đó, BSC vẫn giữ quan điểm lạc quan về triển vọng xuất khẩu thép sang Trung Quốc trong năm nay.
4.2. Thủy sản: Kém khả quan (VHC, ANV)
BSC cho rằng việc Trung Quốc tiến hành phong tỏa một số thành phố lớn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đối với ngành thủy sản tại Việt Nam do nhu cầu tiêu thụ thủy sản giảm đột ngột . Sản lượng thủy sản tiêu thụ qua kênh nhà hàng, trường học, khách sạn chiếm khoảng 50 – 60% tổng sản lượng tiêu thụ; do đó, khi các kênh này đóng cửa sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu nhập khẩu cá tra và tôm từ Việt Nam.
Năm 2021, Việt Nam xuất khẩu 977 triệu USD kim ngạch thủy sản sang Trung Quốc, chiếm 11% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản tại Việt Nam.
4.3. Dệt may: Trung lập (TNG, MSH)
BSC cho rằng việc Trung Quốc tiến hành phong tỏa sẽ có ảnh hưởng đan xen đối với ngành Dệt may tại Việt Nam.
4.4. Phân bón: Trung lập (DPM, DCM)
Trung Quốc vẫn duy trì chính sách hạn chế xuất khẩu phân bón nhằm đảm bảo nguồn cung nội địa, trong bối cảnh thiếu hụt năng lượng và chi phí nguyên liệu đầu vào (khí, than) tăng cao. Điều này sẽ khiến tình trạng thiếu hụt nguồn cung các loại phân bón đặc biệt là Kali và DAP nghiêm trọng thêm, và đẩy giá các loại phân bón tiếp tục duy trì ở mức cao.
Tại thị trường Việt Nam, hiện một số loại phân bón sản xuất trong nước cũng đang tăng giá mạnh. Giá Urê Cà Mau, Urê Phú Mỹ tăng lên khoảng 18.000 đồng/kg, còn NPK Phú Mỹ cũng tăng lên 16.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, đang có những tín hiệu về việc xuất khẩu phân bón bị hạn chế trong thời gian tới. Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 2, Việt Nam xuất khẩu 128,069 tấn phân bón, tương đương 71.31 triệu USD, giảm 43.4% về lượng, và giảm 58.5% về kim ngạch so với tháng trước đó. Hiện các tỉnh phía Nam Việt Nam đang trong giai đoạn thu hoạch và sẽ bắt đầu vụ mới từ nửa đầu tháng 4. Còn các tỉnh phía Bắc đã vào vụ chăm bón lúa đông xuân nên nhu cầu phân bón tăng. Do đó, nhiều khả năng Chính phủ sẽ đưa ra những biện pháp tạm dừng xuất khẩu, để ưu tiên cho hoạt động sản xuất trong nước và giúp bình ổn giá.
BSC đánh giá, giá phân bón tiếp tục duy trì ở mức cao sẽ là yếu tố tích cực với ngành phân bón, tuy nhiên dư địa tăng trưởng đối với các cổ phiếu ngành phân bón là không nhiều, do mức nền cao của năm ngoái, và các chính sách về hạn chế xuất khẩu có thể được đưa ra trong thời gian tới.
4.5. Hóa chất: Trung lập (DGC)
BSC cho rằng việc Trung Quốc tiến hành phong tỏa sẽ có ảnh hưởng đan xen đối với ngành Hóa chất.
Trong ngắn hạn, việc Trung Quốc phong tỏa các thành phố (tỉnh Thâm Quyến, tỉnh Cát Lâm và huyện ĐôngQuan – Quảng Đông) sẽ ảnh hưởng tiêu cực nhiều hơn đối với nhu cầu các sản phẩm Hóa chất do các thành phố bị phong tỏa – đặc biệt là Thâm Quyến – là thành phố lớn trong việc sản xuất hàng hóa điện tử.
Trong khi đó, nguồn cung hóa chất lại tập trung tại các tỉnh Thành Đô, Vân Nam hiện chưa có kế hoạch phong tỏa. Do đó, trong ngắn hạn, BSC cho rằng giá các sản phẩm Hóa chất tại Trung Quốc có khả năng sẽ bị ảnh hưởng, từ đó, ảnh hưởng đến giá hóa chất trên thế giới (vd: các sản phẩm axit photphoric).
4.6. Cảng biển: Kém khả quan (GMD, VSC)
BSC cho rằng việc Trung Quốc phong tỏa một số thành phố lớn sẽ có tác động tiêu cực đến ngành Cảng biển Việt Nam.
Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng, chiếm đến 25% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam, đồng thời là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam (chiếm 33% kim ngạch nhập khẩu). Vì vậy việc Trung Quốc phong tỏa một số thành phố lớn, các trung tâm sản xuất, thương mại… sẽ làm hạn chế hoạt động giao thương giữa hai nước, từ đó làm sụt giảm sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống Cảng Việt Nam. Tuy nhiên, tác động sẽ tiêu cực hơn đối với nhóm doanh nghiệp Cảng miền Bắc vì tỷ trọng lớn sản lượng thông qua Cảng là phục vụ các tuyến từ/đến các cảng trung chuyến Trung Quốc thay vì phục vụ hàng hóa đi Mỹ, Châu Âu như ở miền Nam. Vì thế, các doanh nghiệp như GMD, VSC, PHP sẽ là các đơn vị chịu ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp.
4.7. Vận tải biển: Khả quan (HAH)
BSC cho rằng việc Trung Quốc phong tỏa một số thành phố lớn sẽ đem lại tác động tích cực đối với ngành Vận tải biển Việt Nam.
Trung Quốc chiếm vai trò quan trọng trong giao thương, thương mại quốc tế, là quốc gia xuất khẩu lớn nhất và nhập khẩu lớn thứ 2 toàn thế giới. Vì thế, việc (1) các hoạt động sản xuất bị hạn chế và (2) công suất hoạt động hệ thống Cảng Trung Quốc giảm sẽ dẫn tới việc kéo dài sự đứt gãy của chuỗi logistics toàn cầu. Tình trạng tắc nghẽn hệ thống cảng và thời gian chờ cập bến kéo dài sẽ dẫn tới việc gia tăng cước phí vận tải toàn cầu, từ đó tác động tích cực đến nhóm doanh nghiệp Vận tải biển Việt Nam.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận