“Brexit cứng” và cơ hội của Việt Nam
Nước Anh đang tiến dần tới Brexit không thỏa thuận (Brexit cứng), điều đó có nghĩa London phải “làm lại từ đầu” trong rất nhiều lĩnh vực, trong đó có thương mại.
Thời hạn 30/10 sắp tới, nhưng đến nay chưa có dấu hiệu nào cho thấy có sự đột phá trong thỏa thuận Brexit giữa Anh và Liên minh Châu Âu (EU).
Thiếu đối tác thương mại
Brexit “cứng” có nghĩa là Anh không có khoảng thời gian 21 tháng “quá độ” ở trong EU, khoảng thời gian này cho phép London đàm phán thỏa thuận thương mại với đối tác thứ 3 và thực hiện các thỏa thuận này khi hết 21 tháng.
Để đạt được một thỏa thuận thương mại, có khi mất hàng chục năm tùy theo tính chất. Do vậy, nếu không có thời gian quá độ, Anh sẽ khó đạt được một thỏa thuận thương mại nào với các đối tác EU. Khi đó, kinh tế Anh sẽ rơi vào một khoảng trống hậu Brexit với những hậu quả khó lường.
Đồng thời, nước Anh sẽ phải quay lại với nguyên tắc thương mại của WTO, nhiều sản phẩm của Anh có thể không được EU chấp thuận vì phải tuân theo quy định kiểm định mới, biên giới Anh và EU bị hẹp lại bởi một loạt thủ tục thông thương.
Điều đó buộc giới chức Anh phải rốt ráo tìm kiếm đối tác thương mại bằng việc ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Cựu Ngoại trưởng Anh, Jeremy Hunt từng khẳng định nước này đang cân nhắc gia nhập CPTPP và ký kết FTA với Nhật Bản sau khi chính thức rời khỏi EU.
Ngài Đại sứ Anh tại Việt Nam - Gareth Ward cũng cho rằng: “Chúng tôi sẽ tập trung tìm kiếm và ký kết các thỏa thuận tự do thương mại song phương. Với Việt Nam, chúng tôi sẽ thảo luận với Việt Nam về việc ký một FTA”.
Cơ hội FTA Việt - Anh
Các nhà bán lẻ Anh cảnh báo, nếu Brexit không thỏa thuận diễn ra, các kệ hàng trong các siêu thị sẽ trống rỗng bởi Anh phụ thuộc vào hàng hóa nhập khẩu từ EU. Theo số liệu thống kê của Quốc hội Anh, năm 2017, số lượng hàng hóa từ EU chiếm 53% tổng lượng hàng nhập khẩu của Anh.
Theo Cục Thống kê Anh, xuất khẩu dịch vụ của Anh sang EU chiếm hơn 36% tổng xuất khẩu của Anh. Như vậy, rõ ràng các chính sách mà Anh hướng đến sẽ gây khó khăn nhiều cho kinh tế nước này giai đoạn hậu Brexit.
Anh luôn ủng hộ thương mại tự do toàn cầu, kết cấu thị trường rất ổn định. Đặc biệt, Anh có hệ thống luật pháp minh bạch, chặt chẽ; công cụ kiểm định, đo lường chuẩn xác nhất trên thế giới.
Trong khi đó, Việt Nam luôn có thặng dư thương mại từ Anh. Mặc dù hàng Việt Nam ở thị trường Anh khá đa dạng nhưng khối lượng lớn nhất tập trung trong nhóm hàng công nghiệp nhẹ là linh kiện điện tử, cáp điện, may mặc, dày dép…
Đặc biệt, Anh đang áp dụng 20% thuế VAT đối với hầu hết hàng hóa và dịch vụ, điều đó khiến cho giá cả tiêu dùng tương đối cao. Nếu thị trường này “mở cửa”, hàng Việt Nam giá rẻ, nhất là nông sản, hoàn toàn có cơ hội chen chân vào.
Nếu Việt Nam tiến tới đàm phán và ký kết một FTA song phương với Anh, sẽ hoàn toàn hợp lý trong bối cảnh nước ta đang chuyển đổi thị trường xuất khẩu từ Trung Quốc sang những nơi ổn định hơn.
Hiển nhiên, hàng xuất khẩu vào thị trường Anh lại chịu sự kiểm soát khá chặt chẽ về các tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn thực phẩm... mà những “rào cản” này thường được áp dụng theo tiêu chí mới nhất của châu Âu và thông thường đó cũng là những tiêu chuẩn cao nhất đang được quốc tế áp dụng.
Vì thế, các doanh nghiệp Việt Nam muốn thâm nhập thị trường Anh, cần tìm hiểu kỹ thị hiếu tiêu dùng, văn hóa của người Anh, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng tốt nhất nhu cầu tiêu dùng của người Anh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận