'Bóng ma lạm phát đình trệ' đang đe dọa kinh tế thế giới?
Tổng Giám đốc Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) Agustin Carstens nhận định, các nguy cơ lạm phát đình trệ đang ngày càng hiện rõ và phủ bóng đen lên triển vọng kinh tế toàn cầu.
Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) kêu gọi các ngân hàng trung ương nhanh chóng hành động để giải quyết vấn đề lạm phát cao.
Giá năng lượng và lương thực tăng cao đồng nghĩa với việc lạm phát ở nhiều nơi hiện là mức nóng nhất trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, cách khắc phục thông thường của việc tăng lãi suất đang làm dấy lên "bóng ma" suy thoái, và thậm chí là "lạm phát đình trệ" theo kiểu những năm 1970, nơi giá cả tăng cùng với tăng trưởng kinh tế thấp hoặc âm.
Agustin Carstens, tổng giám đốc BIS cho biết, các ngân hàng trung ương sẽ cần hành động nhanh chóng và quyết đoán để đảm bảo lạm phát quay trở lại mức thấp và ổn định, đồng thời hạn chế tác động đến tăng trưởng kinh tế.
Nếu để lạm phát cao trở nên dai dẳng, chi phí để đưa lạm phát quay trở lại tầm kiểm soát sẽ cao hơn. Lợi ích lâu dài của việc duy trì sự ổn định cho các hộ gia đình và doanh nghiệp lớn hơn bất kỳ chi phí ngắn hạn nào.
Thị trường thế giới đang phải hứng chịu một trong những đợt bán tháo lớn nhất trong thời gian gần đây khi các ngân hàng trung ương nặng ký như Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) và từ tháng tới là ECB - rời xa mức lãi suất thấp kỷ lục và gần 15 năm áp dụng các biện pháp kích thích kinh tế.
Chứng khoán toàn cầu giảm 20% kể từ tháng 1 và một số nhà phân tích tính toán rằng trái phiếu kho bạc Mỹ, chuẩn mực của các thị trường đi vay thế giới, có thể bị mất giá nhiều nhất trong nửa đầu năm kể từ năm 1788.
Theo báo cáo của BIS, để khôi phục lạm phát về mức thấp và ổn định, các ngân hàng trung ương nên tìm cách giảm thiểu tác động của lạm phát đến các hoạt động kinh tế, từ đó bảo vệ sự ổn định tài chính.
Rất khó để thiết kế một kịch bản “hạ cánh mềm” - giảm lạm phát mà không ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế - và các điều kiện hiện nay đang khiến nhiệm vụ trở nên khó khăn hơn.
Một phần của báo cáo BIS đã được công bố vào tuần trước nói rằng những cú lao dốc không phanh gần đây trên thị trường tiền điện tử là một dấu hiệu cho thấy những mối nguy hiểm đã được cảnh báo từ lâu đối với tiền kỹ thuật số phi tập trung hiện đang thành hiện thực.
Ông Carstens nhấn mạnh trong phát biểu tại cuộc họp báo rằng một cái kết êm thấm càng được mong đợi hơn trong bối cảnh hiện nay vì điều này đồng nghĩa rằng việc siết chặt chính sách tiền tệ có thể chỉ cần thực hiện ở mức nhẹ nhàng hơn.
Tuy nhiên, ngay cả khi không đạt được kịch bản trên thì ưu tiên hàng đầu vẫn phải là kiềm chế lạm phát để ngăn kinh tế thế giới lao dốc.
Khi các nền kinh tế mở cửa trở lại đại dịch COVID-19, các ngân hàng trung ương trên thế giới đều cho rằng tình trạng lạm phát tăng chỉ là ngắn hạn khi các hoạt động kinh tế khôi phục sau thời gian trì trệ vì đại dịch. Tuy nhiên, cuộc xung đột Nga-Ukraine nổ ra hồi tháng Hai đã khiến giá cả hàng hóa tăng mạnh hơn.
BIS cảnh báo nền kinh tế toàn cầu có nguy cơ bước vào một kỷ nguyên lạm phát cao mới. Các nguy cơ lạm phát đình trệ đang ngày càng hiện rõ khi tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng kéo dài sau hai năm đại dịch hoành hành, kết hợp với những tác động của cuộc xung đột tại Ukraine, giá cả hàng hóa leo thang và những bất ổn tài chính đang phủ bóng đen lên triển vọng kinh tế toàn cầu.
BIS cho rằng các nhà hoạch định chính sách phải thúc đẩy cải cách để hỗ trợ tăng trưởng lâu dài và đặt nền móng hình thành chính sách tài khóa và tiền tệ bình thường hơn.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có kế hoạch tăng lãi suất vào tháng 7 và tiếp theo là tháng 9. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vừa thực hiện đợt tăng lãi suất lớn nhất kể từ năm 1994, với mức tăng 0,75%, và cho biết Fed sẵn sàng đưa ra mức tăng như vậy một lần nữa vào tháng Bảy trong một nỗ lực toàn diện để giảm lạm phát.
BIS thành lập năm 1930 tại Basel, thuộc sở hữu chung của 62 ngân hàng trung ương trên thế giới, đại diện cho những quốc gia đang đóng góp tổng cộng 95% tổng GDP toàn cầu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận