Bỗng dưng… mắc nợ
Không mở thẻ ngân hàng nhưng lại trở thành chủ tài khoản của hàng loạt thẻ có dư nợ vay tiêu dùng; hoặc không vay vốn, bỗng dưng nhận được điện thoại đòi nợ… là những “cục nợ” từ trên trời rơi xuống đầu khách hàng.
Lo lắng, mệt mỏi, thậm chí có thể phải mất cả tiền, đó là thực trạng của nhiều khách hàng đang phải đối mặt với sự dễ dãi của một số nhà băng trong nghiệp vụ.
Chị Như Ý (Hà Nội)- một khách hàng chưa từng một lần nào vay vốn ngân hàng, bỗng một ngày nhận được cuộc điện thoại tự xưng là nhân viên của ngân hàng V. thông báo chị có khoản nợ gần 10 triệu đồng đến hạn trả, yêu cầu chị ra ngân hàng để làm thủ tục trả nợ.
Quá bất ngờ, chị gặng hỏi thì được biết đây là khoản vay chị đã ký từ cách đây 6 tháng, và đã quá hạn nên phải thanh toán. Khi chị giải thích mình chưa từng vay vốn và không liên quan gì, đầu dây bên kia tỏ vẻ khó chịu và “ép” chị Ý phải nhận mình đã vay vốn. Bực mình, chị ý dập điện thoại không nghe máy thì lập tức một số điện thoại khác có đầu số tương tự lại gọi đến ép chị ý trả nợ.
Sau nhiều lần giải thích vẫn không được, chị Ý chặn số điện thoại đã gọi nhưng vẫn không yên, vì liên tục có những số điện thoại lạ nháy vào máy chị, bất kỳ thời gian nào trong ngày, kể cả đêm khuya- điều mà chị chưa bao giờ gặp phải. Mệt mỏi vì bị làm phiền, chị Ý phải nhờ tới người quen có quan hệ với phía ngân hàng giải thích, từ đó mới được yên thân
Cũng là một khách hàng tự dưng mắc nợ, anh Nguyễn Văn Quang (nhân vật đã đổi tên) trong một lần làm thủ tục gia hạn thẻ tín dụng mới hay có khoản vay 35 triệu đồng tại Công ty tài chính FE Credit từ cách đây gần 2 năm. Khoản vay này chậm trả nên bị xếp vào diện nợ xấu, khiến anh không thể vay mới hay gia hạn cũng như không được mở thẻ tín dụng mới.
Sau khi làm việc với công ty tài chính, anh được biết có hợp đồng vay đứng tên và chứng minh thư nhân dân (CMND) của anh, nhưng người vay lại là nữ. Tài khoản được giải ngân trùng với họ tên nhưng lại được mở tại một ngân hàng khác và không phải tài khoản của anh.
Hay mới cách đây vài ngày, thị trường tài chính lại xôn xao câu chuyện khách đến ngân hàng mở thẻ, sửng sốt vì loạt tài khoản mang nợ đứng tên mình. Theo đó, do có nhu cầu mở thẻ ngân hàng, ngày 7/5 vừa qua, anh Nguyễn Văn Chung (Hà Nội) tìm đến ngân hàng TMCP T. chi nhánh Mê Linh (Hà Nội), thì được nhân viên ngân hàng cho biết hiện anh đang “đứng tên” tới 4 thẻ tại ngân hàng này.
“Cả 4 thẻ này đều đang có số nợ khoảng 900.000 đồng/thẻ, đều có thông tin đầy đủ từ CMND của tôi, nhưng tất cả chữ ký mẫu của 4 thẻ này đều không đúng chữ ký của tôi; chữ viết và số điện thoại cũng không phải của tôi”, anh Chung cho biết.
Sau khi trao đổi với người có trách nhiệm tại ngân hàng này, anh được biết thêm thông tin là 4 thẻ tín dụng này được mở vào khoảng tháng 1/2017 tại chi nhánh Cửa Nam của ngân hàng. Trong khi đó, anh khẳng định không cho bất kỳ ai mượn CMND lần nào. Được biết, ngày 8/5, đại diện ngân hàng T. chi nhánh Cửa Nam đã liên hệ với anh Chung và thừa nhận sai sót từ phía ngân hàng, đồng thời cam kết sẽ khóa cả 4 thẻ trên trong thời gian sớm nhất.
Chuyện “bỗng dưng mắc nợ” như anh Quang, chị Như Ý, anh Chung từ trước đến giờ không phải là chuyện hiếm. Khách hàng khi lỡ bị mắc nợ từ “trên trời rơi xuống” kiểu này đều có chung một nỗi lo lắng, bất an.
Theo thống kê, việc đánh cắp thông tin cá nhân để mở tài khoản ngân hàng đã từng xảy ra tại một số ngân hàng, nhất là khi thủ tục mở tài khoản ngân hàng ngày càng trở nên dễ dàng. Chỉ cần sơ ý, người có CMND có thể phải gánh nợ thay bởi có thể thẻ được mở là các loại thẻ tín dụng và được cấp hạn mức dư nợ khác nhau.
Thậm chí, có trường hợp vì "chạy" chỉ tiêu mở thẻ của các ngân hàng nên chính cán bộ, nhân viên ngân hàng đã mượn thông tin bạn bè, người thân, khách hàng,… để mở thẻ khiến số lượng tài khoản ảo tăng rất cao, các rủi ro phát sinh sau đó thì không kiểm soát.
Các chuyên gia cho rằng sự dễ dãi này sẽ là mối tiềm ẩn nợ xấu cho các ngân hàng, vô tình tạo điều kiện cho kẻ xấu thực hiện hành vi lừa đảo. Thiết nghĩ, các ngân hàng phải siết lại hoạt động mở thẻ tín dụng của mình, vì khi khách hàng bị giả mạo hồ sơ, mắc nợ, các ngân hàng hay công ty tài chính cũng là nạn nhân vì họ bị chiếm dụng vốn.
Như vậy, không phải chỉ những khách hàng vô can, mất thời gian, công sức và thậm chí bị ảnh hưởng tới kế hoạch cá nhân và công việc, mà ngay cả nhà băng, công ty tài chính cũng là nạn nhân của sự lừa đảo. Nhìn rộng hơn nữa, chủ trương số hóa lĩnh vực ngân hàng cũng sẽ bị ảnh hưởng nhiều nếu những câu chuyện “con sâu làm rầu nồi canh” này còn tiếp diễn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận