'Bong bóng' giá cà phê bắt đầu tan vỡ, sắp tới sẽ ra sao?
Có thể nói “bong bóng” giá cà phê đã bắt đầu vỡ, khi chỉ trong vài ngày từ đầu tháng 5 đến nay, giá cà phê đã mất tới 30.000 đồng/kg.
Trò chuyện với Pháp Luật TP.HCM về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Bình, chuyên gia cà phê nhận định: Chính giới đầu cơ trên sàn hàng hoá thế giới và ngay chính thị trường nội địa của Việt Nam đã thổi phồng thông tin khan hiếm ảo nguồn cung cà phê để đẩy giá kiếm lợi.
Đầu cơ làm giá tạo khan hiếm ảo
- Thị trường cà phê trong những tháng đầu năm mà cụ thể là thời điểm cuối tháng 4, đầu tháng 5-2024 chứng kiến sự biến động rất bất thường. Có thời điểm giá cà phê tăng vọt lên mức đỉnh cao nhất trong lịch sử 135.000 đồng/kg nhưng mấy qua qua bắt đầu rớt về ngưỡng 100.000 đồng/kg. Phải chăng thời gian qua, giá cà phê tăng cao là giá ảo, thưa ông?
+ Ông Nguyễn Quang Bình, chuyên gia cà phê: Phải đánh giá lại nguyên nhân giá cà phê tăng cao trong thời gian qua, ngoài do yếu tố cung cầu thì còn có sự đầu cơ giá tăng nữa. Giới đầu cơ rủ nhau làm giá, tạo sự khan hiếm ảo, tạo ra tấm lý thiếu nguồn cung cà phê trên toàn cầu.
Không chỉ đầu cơ trong nước mà cả trên các sàn hàng hoá nông sản thế giới cũng diễn ra tình trạng này. Khan hiếm ảo tạo ra tâm lý giữ hàng, không muốn bán cà phê ra nên giá càng tăng. Và khi giá ngày nào cũng tăng thì họ lại càng găm giữ. Điều đó chứng tỏ rằng giá cà phê mấy ngày cuối tháng 4 lên đỉnh lịch sử là giá ảo chứ không phải giá thật.
Cụ thể ở thị trường trong nước, có thời điểm giá cà phê tăng mạnh nhưng gần như không có giao dịch diễn ra mà chỉ ở dạng nói miệng, sang tay, "lướt cọc" như giới đầu cơ, cò đất thường giao dịch tạo sốt đất.
Ví dụ, ông A có một lô hàng cà phê 1.000 tấn. Ông A rao bán cho ông B với mức giá 130.000 đồng/kg nhưng ông B chỉ chuyển tiền cọc mà không lấy hàng.
Sau đó, ông B lại rao bán giá 132.000 đồng/kg. Ông C nói mua nhưng cũng chỉ đặt cọc, đẩy giá lên cao hơn nữa, tới ông D, ông E... đều là nhà đầu cơ đẩy lên đỉnh 135.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, thực chất những người mua này đều lướt sóng, đua nhau thổi giá kiếm lời chứ không hề giao dịch mua bán hàng thật, đem hàng đó đi chế biến tiêu thụ.
Thậm chí, có trường hợp giới đầu cơ ôm hàng muốn bán ra nhưng giá cao không ai mua, lại quay sang dụ nông dân mua lại. Đã có trường hợp nông dân mua vào giá cao giờ giá cà phê giảm, tìm cách bán lỗ mà không được.
- Vậy theo ông, giá cà phê đột ngột giảm mạnh từ đầu tháng 5 đến nay là do “bong bóng” đầu cơ bị vỡ?
+ Có thể nói như vậy! Vì giá cà phê tại thị trường trong nước bị đầu cơ làm giá. Giá cà phê thế giới cũng y như vậy, trên hai sàn giao dịch nông sản lớn nhất thế giới là London và New York, đã xuất hiện những nhà đầu cơ, quỹ tài chính đẩy giá mua bán “hàng giấy”. Nghĩa là giới đầu cơ thế giới cũng đua nhau đẩy giá, mua khống, bán khống chứ không dựa trên nguồn cung hàng cà phê thực tế.
Nguồn cung cà phê Brazil, Indonesia đưa ra thị trường, cùng với nguồn hàng của các nhà đầu tư đẩy ra đã khiến giá cà phê giảm mạnh. Ảnh: QH
“Bong bóng” giá cà phê có thể nói đã “vỡ” khi ba nguồn cung thực tế bung hàng ra. Nguồn cung thứ nhất là Brazil từ đầu tháng 5 đã bắt đầu thu hái và bán ra cà phê Robusta. Nguồn cung thứ hai là Indonesia cũng bắt đầu vào vụ thu hoạch.
Và nguồn cung thứ ba chính từ giới đầu cơ, quỹ tài chính đang ôm hàng giờ bán ra. Chính giới đầu cơ trong nước giấu hàng thời gian qua cũng tìm cách bán ra vì lo giá giảm, mất lợi nhuận.
Ba nguồn cung này bung ra thị trường cùng lúc khiến cho giá cà phê trong nước và thế giới đều giảm.
Và chỉ trong 5 ngày đầu tháng 5-2024, giá cà phê đã mất khoảng 30.000 đồng, chứng tỏ giá thời gian qua là ảo, là thị trường có “bong bóng”.
Nguồn cung đảm bảo, giá khó quay lại đỉnh
- Vậy theo ông, kịch bản giá cà phê trong thời gian tới sẽ ra sao, giá cà phê trong nước có thể quay lại đỉnh khi có những thông tin bất lợi về thời tiết ảnh hưởng đến nguồn cung?
+ Phải xác nhận là nguồn cung cà phê thế giới không thiếu. Các nước có nguồn cung cà phê lớn nhất thế giới là Brazil, Việt Nam, Indonesia đều được dự báo bảo đảm nguồn cung, không có biến động nhiều trong năm nay.
Cái thiếu ở đây nằm ở thông tin thị trường, tâm lý lo ngại, giới đầu cơ muốn thổi giá thì họ sẽ tìm cách thổi thông tin. Ví dụ lo nắng nóng dẫn đến tâm lý thị trường cho rằng nguồn cung cà phê sẽ thiếu hụt, tuy nhiên thực tế, hiện mưa đầu mùa một số nơi còn sớm hơn mọi năm!
Thị trường cà phê bị đầu cơ bóp méo không chỉ trên sàn hàng hoá, mà cả trong nước khi giới đầu cơ nhỏ thi nhau thổi giá ảo. Cuối cùng giá giảm, hiện có nơi giá giao dịch chỉ 99.000 đồng/kg.
Vậy khi nào thì giá cà phê về giá thật? Giá thật của hàng hoá đó là thời điểm sau khi nguồn cung bán mạnh ra thị trường, như nông sản thì sau thời điểm thu hoạch. Và sau đó một thời gian nhất định, thị trường tự điều chỉnh cân đối cung cầu lại một ngưỡng giá dao động ổn định thì đó có thể coi là giá thật của mặt hàng đó.
Dự báo kịch bản giá cà phê biến động ra sao thì có hai hướng. Hướng thứ nhất là đỉnh giá cà phê sẽ khó quay về mức đỉnh giá cũ, tức trên 135.000 đồng/kg. Còn hướng thứ hai nếu giá tiếp tục giảm, thì đáy giá sau sẽ không thấp hơn đáy giá trước.
- Trước sự biến động khó lường của giá cà phê trong thời gian qua, làm sao để nông dân và doanh nghiệp có sự liên kết, giữ ổn định nguồn cung phục vụ nội địa lẫn xuất khẩu?
+ Có thể nói sự biến động giá cà phê chưa từng có trong thời gian qua giúp có sự sàng lọc thị trường, sàng lọc những người mua, người bán không uy tín. Người nông dân cũng hiểu được các đơn vị thu mua, và doanh nghiệp cũng nắm được những người bán không đáng tin cậy. Những nhà đầu cơ nhỏ lẻ, tham ôm hàng lúc giá đỉnh sẽ bị thua lỗ.
Cụ thể tuy không bán được hàng với giá đỉnh, nhưng một số doanh nghiệp cà phê Việt Nam đã vượt qua một cơn biến động lớn của thị trường. Giá cà phê có thể giảm nữa nhưng doanh nghiệp kinh doanh lẫn nông dân cần một thị trường ổn định, giá cả đảm bảo lợi ích cho các bên.
Do đó, doanh nghiệp lẫn nông dân không nên nóng vội, tỉnh táo quan sát thị trường. Như doanh nghiệp trước đây mua trước, bán sau mới có lời, thì giờ đây cần tính toán kỹ có thể mua sau, bán trước. Tuy nhiên, cần chú ý là thị trường không thiếu hàng, các doanh nghiệp, nhà nông nên tỉnh táo và liên kết với nhau.
- Xin cảm ơn ông !
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận