24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Trần Bằng An
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Bốn thách thức của ngành giao thông vận tải

Hạ tầng chưa hoàn thiện, quá tải đăng kiểm xe cơ giới, tai nạn giao thông ở mức cao, sát hạch lái xe còn nhiều bất cập, là bốn thách thức của ngành giao thông vận tải hiện nay.

Vốn xây dựng hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu

Những năm gần đây, nhờ được đầu tư cải tạo, xây dựng mới nhiều công trình nên kết cấu hạ tầng giao thông của Việt Nam đã thay đổi đáng kể, đáp ứng nhu cầu của người dân.

Cả nước đã có 29 tuyến cao tốc dài 1.729 km, riêng ba năm qua đã hoàn thành 566 km, bằng 1/2 khối lượng đã triển khai trong gần 20 năm trước đây, góp phần tăng cường năng lực vận tải trên các hành lang kinh tế quan trọng. Ngành giao thông cũng đang triển khai thi công khoảng 1.071 km; gấp rút hoàn thiện thủ tục để khởi công các đường vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội, vành đai 3 TP HCM.

Các ngành đường sắt, hàng không, hàng hải đều có các dự án cải tạo, nâng cấp như cải tạo tuyến đường sắt Hà Nội - TP HCM, rút ngắn thời gian chạy tàu, nâng cấp đường băng Nội Bài, Tân Sơn Nhất. Các cảng biển cơ bản đáp ứng năng lực vận tải, xuất khẩu hàng hóa xuất nhập khẩu của cả nước.

Tuy nhiên, hạ tầng giao thông vẫn chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, chưa đồng bộ các vùng miền, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thời gian qua chưa được đầu tư nhiều dự án cao tốc. Ngoài ra, thủ tục đầu tư còn phức tạp, kéo dài, nguồn vốn chưa đáp ứng đủ nhu cầu, xã hội hóa đầu tư hạ tầng giao thông còn hạn chế.

Bốn thách thức của ngành giao thông vận tải
Cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45. Ảnh: Lê Hoàng

Mục tiêu đến đến năm 2025 cả nước có khoảng 3.000 km và thông tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông. Phấn đấu đến năm 2030 cả nước có khoảng 5.000 km; hoàn thành tuyến đường ven biển dài trên 1.700 km từ Quảng Ninh đến Cà Mau; xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành (giai đoạn 1) và mở rộng cảng hàng không quốc tế Nội Bài, đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Bộ Giao thông Vận tải đã từng bước đồng bộ, hiện đại các giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; phân bổ nguồn vốn hợp lý giữa các vùng, miền và đầu tư trọng tâm, trọng điểm. Bộ cũng huy động nguồn lực trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, đẩy mạnh phân quyền, phân cấp đầu tư cho các địa phương.

Quá tải trong kiểm định xe cơ giới

Từ tháng 10/2022 đến tháng 5, cơ quan công an đã khám xét và khởi tố bắt giam gần 600 lãnh đạo, đăng kiểm viên và nhân viên của các trung tâm đăng kiểm, khiến 106 trong 281 (chiếm 38%) đơn vị đăng kiểm phải dừng hoạt động phục vụ công tác điều tra.

Việc tạm dừng các trung tâm và thiếu hụt đăng kiểm viên dẫn đến ùn ứ phương tiện, làm khủng hoảng của toàn bộ ngành đăng kiểm. Hiện nay, cả nước còn 32 đơn vị chưa đủ điều kiện hoạt động trở lại. Tại Hà Nội hiện có 26/31 đơn vị hoạt động, mới chỉ đáp ứng được 51% nhu cầu kiểm định và TP HCM có 16/19 đơn vị hoạt động, đáp ứng được 52% nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.

Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu các trung tâm đăng kiểm làm việc thêm giờ kể cả thứ bảy và chủ nhật, ngày lễ; khuyến cáo người dân chủ động bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện trước khi đưa xe đăng kiểm và ứng dụng phần mềm để người dân, doanh nghiệp đăng ký lịch đăng kiểm. Các địa phương cũng đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho người dân, phương tiện, không để xảy ra hiện tượng cá nhân lợi dụng nhu cầu đăng kiểm cao để trục lợi và gây rối trật tự công cộng.

Bộ Giao thông Vận tải đã soạn thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 139/2018 quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới, trong đó đã phân cấp quản lý nhà nước đến các địa phương, cho phép cơ sở bảo hành, bảo dưỡng chính hãng của các nhà sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ôtô được cung cấp dịch vụ kiểm định. Quy định này được áp dụng sẽ tăng thêm số đơn vị đăng kiểm, giảm tải cho các trung tâm hiện nay.

Bốn thách thức của ngành giao thông vận tải
Đăng kiểm phương tiện tại Hà Nội. Ảnh: Ngọc Thành

Đồng thời, Bộ đã sửa đổi, bổ sung Thông tư số 16/2021 cho phép tự động gia hạn chu kỳ kiểm định đối với ôtô chở người đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải. Theo đó, chủ phương tiện không phải đưa xe đến trung tâm để thực hiện kiểm định lại, việc này sẽ giải quyết được tình trạng bị ùn tắc phương tiện đăng kiểm trong các tháng tới.

Cùng với đó, ngành đăng kiểm sẽ hoàn thiện phần mềm quản lý kiểm định, đảm bảo tính bảo mật cao, được đồng bộ trực tuyến từ các trung tâm đến hệ thống quản lý dữ liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam, đảm bảo công khai, ngăn ngừa sự can thiệp của bên ngoài làm sai lệch hồ sơ, kết quả kiểm định.

Vi phạm trong đào tạo, sát hạch lái xe

Đầu năm 2023, Bộ Giao thông Vận tải đã thành lập các đoàn kiểm tra toàn diện công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy pháp lái xe của các Sở Giao thông Vận tải trên toàn quốc.

Đoàn kiểm tra đã phát hiện tồn tại trong quản lý của các sở giao thông vận tải, tiềm ẩn nguy cơ tiêu cực như, việc khai thác dữ liệu DAT (giám sát thời gian và quãng đường học) để quản lý đào tạo còn hạn chế, chưa kiểm tra, giám sát khóa học, kỳ thi cấp chứng chỉ; xét duyệt thí sinh đạt điều kiện dự sát hạch khi chưa đối chiếu đầy đủ dữ liệu.

Cùng với đó, đoàn cũng phát hiện hiện tượng thí sinh trao đổi với nhau, sát hạch viên trao đổi với thí sinh tại nhiều địa phương. Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải đã chuyển thông tin nhiều cơ sở đào tạo lái xe nghi ngờ có dấu hiệu tiêu cực đến cơ quan công an địa phương để xác minh, làm rõ.

Bộ Giao thông Vận tải cho biết sẽ rà soát văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn về đào tạo, sát hạch, cấp giấp phép lái xe ôtô để phát hiện những nội dung không còn phù hợp. Đồng thời, Bộ sẽ chấn chỉnh, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe; rà soát các tiêu chuẩn, điều kiện về cơ sở vật chất đối với các cơ sở đào tạo lái xe; có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, chấm dứt tình trạng cấp giấy phép lái xe cho người nghiện ma túy, người không đủ năng lực, hành vi, sức khỏe.

Bốn thách thức của ngành giao thông vận tải
Tai nạn giao thông trên đường Võ Chí Công, tháng 4/2023. Ảnh: Phạm Chiểu

Tai nạn giao thông còn ở mức cao

Từ năm 2011 đến nay, tình hình trật tự an toàn giao thông đã kéo giảm cả ba chỉ tiêu gồm số vụ, số người chết và số người bị thương. Năm 2011, số người chết do tai nạn giao thông là 11.400 người thì đến năm 2020 giảm xuống còn 6.700 người. Trong khi số phương tiện giao thông cơ giới tăng từ 35,8 triệu lên 72 triệu, dân số đã tăng từ 87 triệu (năm 2010) lên 97 triệu (năm 2020).

Tuy nhiên, số vụ, số người chết và bị thương vì tai nạn giao thông vẫn còn ở mức cao, có nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng liên quan đến xe kinh doanh vận tải. Tình trạng xe chở quá tải trọng chạy qua nhiều tỉnh mà không bị phát hiện, xử lý, hiện tượng cơi nới thành, thùng xe có dấu hiệu tái diễn tại một số địa phương.

Người dân vi phạm, coi thường pháp luật khi tham gia giao thông vẫn diễn ra phổ biến. Từ 2009 đến tháng 1/2023, lực lượng chức năng đã xử lý gần 66 triệu trường hợp vi phạm, trong đó một số hành vi vi phạm có nguy cơ cao dẫn đến tai nạn giao thông như vi phạm nồng độ cồn (hơn 1,39 triệu trường hợp), sử dụng chất ma túy với hơn 6.000 trường hợp.

Bộ Giao thông Vận tải đã đưa ra các giải pháp như bảo đảm tiến độ, chất lượng, sớm đưa vào khai thác, vận hành các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, đường bộ cao tốc; tiếp tục xử lý điểm đen, điều chỉnh tổ chức giao thông, hệ thống báo hiệu bảo đảm điều kiện an toàn nhằm kéo giảm tai nạn giao thông.

Bộ cũng sẽ nâng cao chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện giao thông, hoàn thiện tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho phương tiện.

Phiên chất vấn tại Quốc hội sẽ bắt đầu từ sáng 6/6, kéo dài 2,5 ngày với bốn nhóm vấn đề. Nhóm vấn đề thứ tư do Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng trả lời, gồm giải pháp hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, hạn chế tai nạn, giảm ùn tắc tại thành phố lớn; hoạt động kiểm định, tháo gỡ khó khăn, nâng cao chất lượng công tác kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ, đường thủy nội địa.

Ông Thắng cũng trả lời về quản lý hoạt động vận tải, chất lượng phương tiện; công tác đào tạo, sát hạch, cấp, thu hồi và quản lý giấy phép điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy nội địa.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà; bộ trưởng các bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Công an, Quốc phòng cùng tham gia trả lời.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả