Bốn "ông lớn" ngân hàng quốc doanh: Kẻ "dậm chân" tại chỗ, người “khoe” lãi khủng
4 “ông lớn” ngân hàng quốc “hy sinh” khoảng 20.600 tỷ đồng để hỗ trợ khách hàng. Tuy nhiên, nhờ VietinBank lãi “khủng”, tổng lợi nhuận trước thuế mang về của 4 “ông lớn” ngân hàng quốc doanh vẫn tăng trên 1.600 tỷ so với năm 2019.
Tính đến thời điểm hiện tại, 4 "ông lớn" ngân hàng quốc doanh là Vietcombank, BIDV, VietinBank và Agribank đã lần lượt công bố kết quả lợi nhuận năm 2020.
3 "ông lớn" ngân hàng quốc doanh không tăng trưởng lợi nhuận: Vietcombank, BIDV và Agribank
Chia sẻ với truyền thông, Chủ tịch HĐQT Vietcombank Nghiêm Xuân Thành cho biết, lợi nhuận trước thuế riêng lẻ của Vietcombank đạt 22.529 tỷ đồng và lợi nhuận hợp nhất đạt xấp xỉ 23.068 tỷ đồng, tương đương khoảng 1 tỷ USD. Trong cơ cấu lợi nhuận năm 2020, thu nhập thuần từ hoạt động phi tín dụng của Vietcombank chiếm 49,8% thu nhập từ hoạt động kinh doanh, tăng 10,7 điểm % so với năm 2019.
Theo ông Thành, con số lợi nhuận ghi nhận được trong năm 2020 tương đương quy mô như năm 2019, và đây là năm đầu tiên trong vòng 5 năm trở lại đây lợi nhuận của nhà băng này không tăng trưởng.
Nêu lý do lợi nhuận của Vietcombank không tăng trưởng trong năm vừa qua, ông Thành cho biết đó là do ngân hàng đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ khách hàng và doanh nghiệp, đồng thời tăng trích lập dự phòng rủi ro phòng ngừa những ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Cụ thể, Vietcombank đã có 5 đợt giảm lãi suất - nhiều nhất trong hệ thống các tổ chức tín dụng, với số tiền lợi nhuận "hy sinh" là 3.700 tỷ đồng.
Ngân hàng tăng mạnh quỹ dự phòng rủi ro, với tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu đến cuối năm 2020 đạt tới 380% - tức mỗi 100 đồng nợ xấu thì có 380 đồng dự phòng - con số cao nhất trong lịch sử ngành ngân hàng. Trước trích lập dự phòng rủi ro, lợi nhuận của Vietcombank đạt tới 33.000 tỷ đồng – cao nhất hệ thống.
Ngoài ra, Vietcombank năm qua còn đóng góp vào ngân sách nhà nước lên đến 9.000 tỷ đồng, là doanh nghiệp có mức đóng ngân sách cao nhất cả nước.
Nhà băng thứ 2 trong nhóm ngân hàng quốc doanh không tăng trưởng về lợi nhuận đó là BIDV.
Tại Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ công tác Đảng và kế hoạch kinh doanh năm 2021 mới đây, Chủ tịch HĐQT BIDV Phan Đức Tú cho biết, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của BIDV đạt 9.017 tỷ đồng, giảm khoảng 16% so với năm 2019. Lợi nhuận riêng lẻ đạt 8.515 tỷ đồng, giảm 17,3%.
Lãnh đạo BIDV cho hay, sở dĩ lợi nhuận sụt giảm là do ngân hàng đã chủ động giảm thu nhập hơn 6.400 tỷ đồng để thực hiện cơ cấu nợ, hạ lãi suất và miễn giãm lãi, phí để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.
Tính đến 31/12/2020, tổng tài sản BIDV đạt 1,49 triệu tỷ đồng, gấp 1,5 lần năm 2016, tăng trưởng bình quân 10,4%/năm giai đoạn 2016-2020, tiếp tục khẳng định vị thế là ngân hàng thương mại cổ phần có tổng tài sản lớn nhất tại Việt Nam
Tổng dư nợ tín dụng và đầu tư đạt 1,43 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 9% so với năm 2019. Trong đó, dư nợ tín dụng đạt 1,19 triệu tỷ đồng, gấp 1,92 lần năm 2016, tăng trưởng 8,8% so với năm 2019. Con số này, chiếm bình quân 13,5% thị phần tín dụng toàn ngành, đứng đầu thị trường về thị phần tín dụng cũng như về quy mô dư nợ cho vay tổ chức kinh tế và dân cư.
Nhà băng này đặt mục tiêu tổng tài sản cuối kỳ tăng trưởng khoảng 9%, dư nợ tín dụng tăng khoảng 12%, huy động vốn tăng khoảng 12-14,8%, tỷ lệ nợ xấu đảm bảo dưới 1,6% trong năm 2021.
Tương tự, tại cuộc họp tổng kết năm ngày 12/1, Agribank cho biết, do chưa tăng được vốn điều lệ năm vừa qua nên tăng trưởng tín dụng năm 2020 của Agribank vẫn bị hạn chế.
Tính đến hết năm 2020, dư nợ tín dụng của Agribank tăng trưởng khoảng 8% so với hồi đầu năm.
Cùng với việc giảm khoảng 5.500 tỷ lợi nhuận để giảm lãi suất cho khách hàng vì Covid-19, lãi hợp nhất của Agribank năm 2020 giảm gần chục phần trăm so với năm trước, đạt 12.869 tỷ đồng, xếp sau hai "ông lớn" ngân hàng quốc doanh: Vietcombank và VietinBank.
Đến hết 31/12/2020, tổng tài sản của nhà băng này đạt gần 1,57 triệu tỷ đồng, nguồn vốn đạt trên 1,45 triệu tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu 1,89%.
Như vậy, Agribank là một trong ba nhà băng có vốn nhà nước có kết quả kinh doanh không tăng trưởng trong năm 2020. Lãnh đạo nhà băng này cho biết trong năm cũng đã tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, đưa tỷ lệ bao phủ nợ xấu đến hết 2020 ở mức 130%.
Trước đó, trong năm 2019 nhà băng này ghi nhận mức lãi trước thuế cả năm tăng hơn 90%, lên 14.117 tỷ đồng, Agribank trở thành "á quân" lợi nhuận ngân hàng.
VietinBank vẫn lãi "khủng"
VietinBank là nhà băng duy nhất trong 4 "ông lớn" ngân hàng quốc doanh tăng trưởng dương trong năm 2020 và trở thành "á quân" lợi nhuận trong năm 2020 này, chỉ sau Vietcombank nhờ tín dụng và thu nhập ngoài lãi đều tăng trưởng tốt.
Cụ thể, dư nợ tín dụng hợp nhất tăng 7,7% so với năm 2019. Giải ngân cho vay mới 674.310 khách hàng với dư nợ khoảng 357.370 tỷ đồng. Tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên tăng trưởng tốt, trong đó có một số lĩnh vực có mức tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng chung như: nông nghiệp, nông thôn (tăng 16,15%), doanh nghiệp nhỏ và vừa (tăng 13,18%)…
Thu nhập ngoài lãi năm 2020 của VietinBank tăng 35,2% so với năm 2019. Tỷ trọng thu ngoài lãi trên tổng thu nhập hoạt động tăng trưởng tốt từ 16,5% năm 2019 lên gần 20,1% năm 2020.
Trong đó thu thuần dịch vụ tăng gần 12% so với năm 2019. Thu nhập từ kinh doanh ngoại tệ tăng 24% so với năm 2019, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh vốn tăng 70% so năm 2019.
Kết quả, nên lợi nhuận riêng lẻ trước thuế năm 2020 đạt 16.450 tỷ đồng, tăng 43,5% so với năm trước.
Đáng chú ý, con số lợi nhuận này có được sau khi VietinBank đã cắt giảm gần 5.000 tỷ đồng lợi nhuận từ việc giảm lãi suất cho vay, phí… để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 và thực hiện phương án đảm bảo hoạt động liên tục của ngân hàng trong suốt giai đoạn dịch bệnh.
Năm 2021, VietinBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 10% - 20%, tương đương mức lợi nhuận tối thiểu 18.100 tỷ đồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận