Bốn lý do khiến Metro Số 1 gần 10 năm lận đận
Chậm giải ngân vốn, nhiều sự cố kỹ thuật phát sinh, khó khăn nhân sự, Covid-19 là những nguyên nhân khiến Metro Số 1 chậm trễ sau 10 năm khởi công.
Mới đây, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi phê duyệt 1.670 tỷ đồng để nối lại dịch vụ tư vấn cho tuyến Metro Số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). Với quyết định này, tư vấn NJPT cùng Ban quản lý đường sắt đô thị (MAUR - chủ đầu tư) sẽ thực hiện các nhiệm vụ gần như cuối cùng của metro như đào tạo lái tàu, nhân viên điều độ, trưởng ga, hệ thống công nghệ thông tin... để chạy thử, tiến tới khai thác thương mại. Trước đó, dự án chậm trễ nhiều năm và phát sinh nhiều chi phí, từ cuối năm 2020, đơn vị tư vấn ngưng một số dịch vụ với dự án.
Metro Số 1 khởi công tháng 8/2012, dự kiến đưa vào khai thác sau 6 năm. Tuyến dài gần 20 km, khi triển khai được kỳ vọng mở ra phương thức vận chuyển mới với khối lượng lớn, giải quyết nhu cầu đi lại của người dân từ khu trung tâm đến cửa ngõ phía Đông TP HCM. Công trình cũng là cơ sở phát triển các tuyến metro khác, góp phần giảm ùn tắc, kết nối đô thị dọc tuyến...
Tuy nhiên, quá trình triển khai, dự án liên tục gặp khó khăn về nguồn vốn, khiến công trình lâm vào cảnh "giật gấu vá vai" thời gian dài. Để duy trì dự án, TP HCM nhiều lần tạm ứng ngân sách thanh toán cho nhà thầu, nhân viên... Đỉnh điểm, cuối năm 2018, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam đã gửi văn bản đến lãnh đạo TP HCM cảnh báo nguy cơ dự án phải ngừng thi công.
Nguyên nhân chậm giải ngân vốn do vướng mắc điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án chưa được thông qua nên vốn ODA từ Trung ương không bố trí đủ. Thời điểm thành phố duyệt năm 2007, dự án có tổng vốn hơn 17.000 tỷ đồng, thuộc nhóm A, không phải trình Quốc hội phê duyệt chủ trương.
Hai năm sau, dự án được tư vấn tính toán lại tổng mức đầu tư khoảng 47.300 tỷ đồng, trong đó vốn vay Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) hơn 41.800 tỷ đồng, còn lại từ ngân sách thành phố. Năm 2011, Thủ tướng cho phép UBND thành phố phê duyệt điều chỉnh dự án. Nhưng lúc này, các chính sách thay đổi, dự án phải trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư, song khi đó tổng mức đầu tư mới chưa được các cấp thẩm quyền công nhận.
Phải đến cuối năm 2019, Quốc hội mới phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án Metro Số 1, giảm hơn 3.000 tỷ đồng so với trước. Việc duyệt điều chỉnh giúp dự án được gỡ nút thắt kéo dài, bởi đây là cơ sở để Trung ương bố trí vốn ODA mà thành phố vay lại.
Ga trên cao Suối Tiên thuộc tuyến Metro Số 1 năm 2020. Ảnh: Quỳnh Trần
Không chỉ chậm trễ vốn, quá trình thi công Metro Số 1 phát sinh sự cố kỹ thuật, ảnh hưởng tiến độ. Tháng 10/2020, gối cao su dầm cầu cạn trụ P14-10, đoạn gần ga Công nghệ cao (TP Thủ Đức) bị rơi ra ngoài nhưng "không rõ nguyên nhân", sau đó thêm 5 gối khác cũng xê dịch khỏi vị trí. Đến nay các bên liên quan vẫn chưa đưa ra kết luận cuối cùng về nguyên nhân và giải pháp khắc phục.
Trước đó, MAUR cũng bị cho không làm đúng quy định khi điều chỉnh độ dày tường vây đường hầm thuộc gói thầu CP1a (đoạn ngầm từ ga Bến Thành đến Nhà hát thành phố) từ 2 m xuống 1,5 m. UBND thành phố sau đó chỉ đạo chủ đầu tư thuê tư vấn độc lập tính toán lại. Các đơn vị tư vấn của Việt Nam và Nhật Bản đã xác nhận công trình vẫn bảo đảm an toàn, giúp thành phố tiết kiệm 93 tỷ đồng (khoảng 4 triệu USD).
Cùng thời gian trên, nội bộ chủ đầu tư xảy ra khủng hoảng nhân sự. Trưởng ban, phó ban và hàng loạt cán bộ, nhân viên xin thôi việc vì lý do cá nhân, ảnh hưởng tiến độ dự án. Mọi việc chỉ ổn định trở lại sau khi ông Bùi Xuân Cường từ Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM được điều qua làm Trưởng ban MAUR.
Ngoài các khó khăn trên, Covid-19 bùng phát từ năm 2020 cũng khiến dự án bị ảnh hưởng. Chuyên gia nước ngoài không thể qua Việt Nam, quá trình nhập khẩu thiết bị, nguyên vật liệu bị gián đoạn, ảnh hưởng công tác hoàn thiện các nhà ga, vận hành thử nghiệm... Tiến độ đưa các tàu từ Nhật Bản về thành phố cũng chậm trễ 5 tháng. Chưa kể, để phòng chống dịch, năm ngoái TP HCM giãn cách xã hội suốt 4 tháng nên việc thi công gặp nhiều khó khăn.
Hàng loạt vướng mắc khiến Metro Số 1 nhiều lần trễ hẹn và sau 10 năm chờ đợi, người dân TP HCM vẫn chưa được trải nghiệm loại hình vận tải mới. Đến nay, toàn dự án đạt gần 90% khối lượng. Dự kiến đến cuối năm sau Metro Số 1 mới có thể khai thác thương mại nếu mọi việc thuận lợi.
Lộ trình tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên. Đồ họa:Tâm Linh
Đánh giá quá trình đầu tư đường sắt đô thị ở TP HCM, TS Võ Kim Cương, nguyên phó kiến trúc sư trưởng thành phố, cho rằng Metro Số 1 là dự án đường sắt đô thị đầu tiên ở thành phố, thực hiện trong bối cảnh nhiều chính sách, quy định thay đổi, phải nhiều lần điều chỉnh khiến công trình bị chậm tiến độ. Đây là bài học cho các dự án metro khác để tránh lặp lại những nút thắt tương tự, trong đó cần xác định trách nhiệm cũng như thời hạn hoàn thành cụ thể.
Theo ông Cương, dự án Metro Số 1 sắp về đích nhưng vẫn còn vướng mắc trong thủ tục giải ngân nên thành phố cùng các bộ ngành cần tập trung tháo gỡ. "Song song đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án, thành phố cũng cần triển khai các giải pháp như kết nối hệ thống xe buýt, phát triển đô thị... dọc tuyến tuyến để vận hành hiệu quả", ông Cương nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận