Bốn lớp tài sản phòng thủ được ưa thích trong tài chính cá nhân người Việt
Có thể hiểu đơn giản là: kiếm tiền, đầu tư để kiếm tiền chính là đi tấn công, vậy phải có “thủ chắc" thì mới giữ được chiến thắng cuối cùng.
Tiết kiệm ngân hàng: Đây là kênh rất phổ biến mà gần như người Việt nào cũng có bởi tính chất ổn định và ít rủi ro. Khi gửi ngân hàng cần phải lưu ý chia ra gửi làm nhiều sổ ở các ngân hàng khác nhau để tận dụng lãi suất. Đồng thời chia làm nhiều kỳ hạn khác nhau như 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng để có thể chủ động tài chính trong những trường hợp cần đến tiền ngay tức khắc.
Số tiền gửi tuỳ thuộc vào kế hoạch chi tiêu của mỗi gia đình. Lãi suất tiền gửi của mỗi ngân hàng cũng khác nhau, có thời điểm tăng khá cao nhưng trung bình trong thời gian dài thì cũng chỉ ở mức 6-7%.
Ưu điểm của hình thức này là tính thanh khoản cao, kỳ hạn linh hoạt giúp hình thức này phù hợp với các kế hoạch tài chính ngắn hạn hoặc quỹ khẩn cấp.
Vàng: là một kênh phòng thủ tài chính tốt bởi trên thế giới gần như quốc gia nào cũng dự trự vàng. Với mục tiêu là để phòng thủ tài chính chứ không phải đầu tư thì bạn có thể xem xét mua bất cứ lúc nào với tỷ trọng 5-10% tài sản, tuỳ vào mục tiêu và kế hoạch của mỗi cá nhân. Với vàng, trong kỳ hạn dài 5 năm tỷ suất sinh lời trung bình 6%/năm, 15 năm trung bình sinh lời 7,5%.
Bảo hiểm: Bảo hiểm với sứ mệnh của nó là bảo vệ tiền. Nó chỉ dùng đến khi có những rủi ro, biến cố xảy ra với người tham gia. Nếu chưa có điều kiện, thu nhập còn chưa tốt, chỉ mới đảm bảo được nhu cầu sinh hoạt thiết yếu, chưa có nhiều khoản tích luỹ, tiết kiệm thì bắt buộc phải tham gia BHYT theo chính sách an sinh xã hội của nhà nước. Cao cấp hơn 1 chút đó là bảo hiểm sức khoẻ tham gia hàng năm và có thể tái tục, còn có điều kiện và xác định một kế hoạch tài chính dài hạn thì tham gia bảo hiểm nhân thọ.
Khi không may xảy ra những rủi ro, biến cố về sức khoẻ, về việc mất đi thu nhập, thì đây chính là lúc bảo hiểm phát huy sứ mệnh của nó. Đó chính là ý nghĩa của kênh phòng thủ tài chính mang tên bảo hiểm.
Tiền mặt: Đây có lẽ là kênh phòng thủ phố biến nhất của con người từ xa xưa, phòng thủ một cách bản năng nhất. Mặc dù với sự phát triển của công nghệ, hiện nay có rất nhiều cách kênh thanh toán không dùng tiền mặt như: internet banking, cổng thanh toán điện tử, thẻ visa…nhưng thói quen dùng tiền mặt của người Việt Nam vẫn còn rất nhiều.
Một khảo sát của World Bank tại Việt Nam cho biết có 65% người lớn gửi, nhận tiền ngoài hệ thống chính thức hoặc trả tiền học phí, tiền hóa đơn bằng tiền mặt.
Vậy nên, trong nhà nên có 1 khoản tiền mặt tuỳ vào từng gia đình để dùng cho những trường hợp khẩn cấp ví dụ như đi cấp cứu…
Trên đây là 4 lớp tài sản phòng thủ tài chính phổ biến, dễ thực hiện, dễ thanh khoản nhất hiện nay. Tuỳ vào từng kế hoạch tài chính của mỗi gia đình, mà chúng ta có cách chia giỏ tài sản phòng thủ phù hợp để đảm bảo rằng, dù có gặp những biến cố, rủi ro nào trong cuộc sống thì thu nhập, tiền của mình vẫn được bảo vệ, mọi kế hoạch của bạn đảm bảo đến đích.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận