Bốn điểm nhấn từ màn trở lại ngoạn mục của ông Trump
Chiến thắng của cựu tổng thống Donald được tạo nên bởi nhiều yếu tố có thể là tiền đề cho những thay đổi sâu sắc trong chính trị Mỹ.
Trong một diễn biến gây chấn động chính trường Mỹ, cựu Tổng thống Donald Trump đã giành chiến thắng trước Phó Tổng thống Kamala Harris trong cuộc bầu cử năm 2024. Đây là lần đầu tiên sau hơn một thế kỷ, một tổng thống Mỹ đắc cử trong các nhiệm kỳ không liên tiếp.
Chiến thắng đáng kinh ngạc này càng đặc biệt hơn khi xét đến những thách thức pháp lý mà ông Trump phải đối mặt suốt thời gian qua. Tổng thống mới đắc cử của Mỹ đã vượt qua nhiều rào cản, bao gồm 2 lần bị luận tội, 4 cáo buộc trong các vụ án hình sự riêng biệt và 1 phán quyết về tội lạm dụng tình dục trong một vụ kiện dân sự. Tuy nhiên, những rắc rối pháp lý này dường như không ảnh hưởng đến sự ủng hộ của cử tri dành cho ông.
Dưới đây là 4 điểm nhấn dẫn đến màn trở lại ngoạn mục của ông Trump ở cuộc bầu cử năm nay.
Cái kết được báo trước
Theo trang tin The Hill, dấu hiệu về chiến thắng của Tổng thống đắc cử Trump xuất hiện ngay từ những phút đầu tiên trong đêm bầu cử, khi ông giành phiếu đại cử tri ở bang Florida.
Dù điều này đã được dự báo trước, nhưng việc ông Trump giành chiến thắng với khoảng cách vượt xa dự đoán của các cuộc thăm dò trước đó dường như báo hiệu một đêm "giông tố" đối với Phó tổng thống Kamala Harris và đảng Dân chủ.
Điều đáng chú ý hơn nữa là nhiều tiểu bang vốn được xem như "thành trì" của đảng Dân chủ như Virginia và New Jersey cũng cho thấy sự cạnh tranh gay gắt giữa hai ứng viên. Trong khi đó, ông Trump đều vươn lên dẫn điểm tại hầu hết các tiểu bang chiến địa.
Đây là một thất bại "khó nuốt trôi" đối với bà Harris đến mức phó tổng thống đã rời sự kiện theo dõi kết quả bầu cử tại Đại học Howard, thủ đô Washington DC mà không nói một lời. Bài phát biểu trước công chúng sau đêm bầu cử của bà phải dời sang ngày 6/11.
"Viện binh" không ai ngờ
Một trong những yếu tố quyết định chiến thắng của Tổng thống đắc cử Donald Trump là sự thay đổi đáng kể trong cơ cấu cử tri.
Trước ngày bầu cử, nhiều phương tiện truyền thông chỉ tập trung phân tích việc liệu ông Trump có thu hút được các đối tượng cử tri da đen, đặc biệt là nam giới da đen, hoặc những cử tri trẻ tuổi hay không. Tuy nhiên, "cú sốc" thực sự nằm ở số lượng cử tri nam gốc Mỹ-Latin ủng hộ ông Trump.
Theo số liệu từ kênh CNN, nếu như Tổng thống đương nhiệm Joe Biden năm 2020 được nhóm cử tri gốc Mỹ-Latin ủng hộ với cách biệt lên tới 23 điểm, thì đến năm 2024, Tổng thống đắc cử Trump đã giành lại ưu thế với nhóm cử tri này với khoảng cách 10 điểm so với đối thủ (54%-44%). Sự thay đổi trên tạo ra một chênh lệch tới 33 điểm so với kết quả năm 2020.
Ngoài ra, Đảng Cộng hòa còn bất ngờ nhận được cú hích từ một nhóm cử tri gần như không bao giờ xuất hiện trong các cuộc thăm dò: người Amish. Theo báo New York Post, sắc dân vốn sống gần như biệt lập với phần còn lại của nước Mỹ đã xuất hiện với "số lượng chưa từng thấy" tại các điểm bầu cử.
Điều này được cho là phản ứng trước vụ đột kích của giới chức nông nghiệp bang Pennsylvania vào một trang trại sữa tươi của người Amish ngày 4/1, sau khi có ghi nhận về các trường hợp trẻ em mắc bệnh liên quan đến các sản phẩm sữa mua tại đó. Cộng đồng sắc dân này xem đây là hành động quá khích của chính quyền và quyết định bỏ phiếu cho ông Trump, người ủng hộ sự can thiệp ít hơn từ chính phủ.
Đảng Dân chủ "hết phép"?
Vấn đề phá thai được kỳ vọng sẽ giúp Phó tổng thống Kamala Harris tạo lợi thế với các nhóm cử tri nữ, đặc biệt sau thời điểm Tòa án tối cao Mỹ bác bỏ đạo luật Roe v. Wade năm 2022. Song trên thực tế, điều này đã không tạo ra tác động như mong đợi.
Bên cạnh đó, dù có khoảng cách giới tính trong việc bỏ phiếu, nhưng mức độ chênh lệch này không đáng kể so với năm 2020. Thực tế, tỷ lệ ủng hộ của cử tri nữ dành cho bà Harris (10 điểm) còn thấp hơn Tổng thống Biden năm 2020 (15 điểm).
Đảng Dân chủ cũng thất bại trong việc cố gắng khắc họa hình ảnh Tổng thống đắc cử Trump như một "mối nguy đối với nền dân chủ", thay vì tập trung mạnh mẽ hơn vào các mối quan tâm của tầng lớp lao động. Những nỗ lực của Phó tổng thống Kamala Harris để vận động cử tri trẻ (thông qua giới showbiz) hoặc những cử tri đảng Cộng hòa bất mãn (thông qua các nhà lập pháp Cộng hòa không ủng hộ ông Trump) đều không còn phát huy hiệu quả.
Thất bại này đặt ra nhiều câu hỏi đối với đảng Dân chủ. Quyết định rút lui khỏi cuộc đua của Tổng thống Biden vào tháng 7/2024, cùng với việc không tổ chức bầu cử sơ bộ cạnh tranh, có thể đã ảnh hưởng đến cơ hội chiến thắng của đảng này. Nhiều người cho rằng một quá trình bầu cử sơ bộ cạnh tranh có thể đã giúp củng cố vị thế của bà Harris hoặc tìm ra một ứng viên phù hợp hơn.
Thời cơ của đảng Cộng hòa
Trong bài phát biểu chiến thắng tại West Palm Beach, bang Florida (Mỹ), Tổng thống đắc cử Trump nhấn mạnh: "Chúng ta đã vượt qua những trở ngại mà không ai nghĩ là có thể" và gọi đây là "chiến thắng tuyệt vời cho người dân Mỹ".
Chiến thắng của ông Trump sẽ càng có ý nghĩa hơn khi ở thời điểm hiện tại, đảng Cộng hòa đều nắm thế thượng phong trong các cuộc đua vào lưỡng viện Quốc hội Mỹ.
Trong đó, cuộc đua tại Thượng viện xem như đã an bài, với những chiến thắng quan trọng từ các ứng viên đảng Cộng hòa ở các bang Montana, Ohio và Tây Virginia để giành lại thế đa số của đảng này.
Trong khi đó, cuộc đua tại Hạ viện vẫn chưa ngã ngũ, khi một số khu vực có thể mất tới vài ngày để công bố kết quả cuối cùng. Song với tình hình hiện tại, giới quan sát nhận định đảng Cộng hòa vẫn có thể giữ được thể đa số mong manh.
Nếu điều đó xảy ra, thì đây sẽ là một chiến thắng thật sự trọn vẹn đối với ông Trump và chính đảng của mình.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận