24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Dung Phạm
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Bơm tiền nhiều nhưng vẫn thiếu tiền - Điều gì đang xảy ra?

Số liệu từ các ngân hàng thương mại Việt Nam trong hơn một tháng qua cho thấy tỷ lệ bán giải chấp các tài sản thế chấp bất động sản, xe cộ... tăng vọt.

Tiền từ siêu nới lỏng định lượng, các gói hỗ trợ, kích thích kinh tế là “bao la”, nhưng nhiều doanh nghiệp, tổ chức, nhà đầu tư (NĐT), cá nhân… vẫn đều than thiếu tiền...

Cho đến nay, tổng số tiền thông qua các gói kích thích, cứu trợ của nhiều quốc gia trên toàn cầu (đã thực hiện và cả cam kết) đã lên tới hàng chục ngàn tỷ USD nhằm giải cứu kinh tế thế giới khỏi nguy cơ suy thoái vì dịch COVID-19. Bên cạnh đó còn hàng loạt biện pháp bổ sung thông qua chính sách tiền tệ, tài khóa khác mà tổng số lượng của nó lớn gấp nhiều lần các đợt giải cứu kinh tế trong các cuộc khủng hoảng trước đây.

Chủ yếu dành tiền trả nợ

Số liệu từ Viện Tài chính quốc tế (IIF) và Bloomberg cho biết nợ toàn thế giới đã lên tới 260 ngàn tỷ USD. Con số này gấp đôi 20 năm trước và có tốc độ tăng ngày càng nhanh. Lý do các NHTW, Chính phủ các nước cần tiền để giải cứu thế giới bằng các cách nới lỏng tiền tệ, hạ lãi suất, bơm tiền, cho vay các loại…nhằm kích thích tiêu dùng và đầu tư. Nhưng điều này khiến Chính phủ, doanh nghiệp đến người dân đều bị mắc nợ. Khủng hoảng dịch bệnh đã làm nhiều người mới thấy rằng họ không giàu như họ nghĩ. Nhiều tài sản của họ như xe, nhà, cổ phần…đều được tài trợ bởi…nợ vay.

Đã có nhiều câu chuyện nhiều người trong giai đoạn dịch bệnh bất ngờ đã không có thu nhập hoặc có rất ít, không đủ trả nợ ngân hàng, phải chuyển sang ở nhà thuê và buộc phải bán nhà, bán xe và các tài sản khác hòng trả được nợ.

Trong tổng số nợ 260 ngàn tỷ USD nói trên, thì đáng lo nhất là nợ công, nợ của các doanh nghiệp phi tài chính và nợ hộ gia đình tăng rất nhanh. Theo Bloomberg và nguồn từ các NHTW như FED, ECB, BoJ thì trong 20 năm qua, nợ công của Mỹ, Châu Âu và Nhật tăng gấp 4-5 lần. Còn nợ của hộ gia đình kể từ trước khủng hoảng 2008 đến nay tăng thêm hơn 30%, trong khi nợ của các doanh nghiệp phi tài chính tăng gần gấp đôi. Nhưng nợ của các doanh nghiệp tài chính chỉ tăng khoảng 10% kể từ sau khủng hoảng 2008. Với cơ cấu và tốc độ tăng nợ này thì nhóm dễ bị tổn thương nhất lại có tốc độ tăng nợ cao nhất.

Như vậy, lượng tiền mới trong các gói khích thích sẽ được dành phần lớn để…trả nợ trước tiên. Các doanh nghiệp, cá nhân cũng cần phải trả nợ, trang trải các chi phí để tồn tại, tránh bị phá sản... Tại Việt Nam cũng xuất hiện tình trạng này. Số liệu của các cơ quan chức năng cho thấy kết thúc quý 1/2020, tín dụng chỉ tăng trưởng 1,3% so với cùng năm trước nhưng đến gần kết thúc tháng 4 thì tín dụng lại tăng trưởng âm khoảng 0,5% - phản ánh rõ cầu tín dụng thấp và các thành phần trong nền kinh tế đang tập trung trả nợ hoặc chỉ cố gắng duy trì.

Tiền không chảy mạnh vào nền kinh tế

Các tài sản đầu cơ lại hút được dòng tiền mạnh nhất ngay sau khi FED và các NHTW kháccông bố các gói kích cầu. Chứng khoán toàn cầu tăng “như chưa bao giờ được tăng". Nhiều thị trường lấy lại phần lớn những gì đã mất và bước vào chu kỳ tăng mạnh. Và chứng khoán Việt Nam cũng tăng như vũ bão trong hơn 1 tháng qua nhưng trừ NĐT cá nhân mua ròng, còn NĐT ngoại bán ròng trong 4 tháng đầu năm với mức cao nhất lịch sử thị trường. Theo sau là các NĐT tổ chức trong nước, các công ty chứng khoán. Trong 4 nhóm NĐT thì 3 nhóm lớn nhất rất kiên định bán ra. Theo đó, xu hướng tăng sẽ khó duy trì lâu.

Các biện pháp kích thích kinh tế mạnh mẽ như thế, nhưng mức độ phòng thủ quá cao, tâm lý đầu cơ trong bối cảnh dịch bệnh đã không làm tiền chảy mạnh được vào nền kinh tế, gây ra nhiều hệ lụy như GDP quý I/2020 của Trung Quốc giảm 6,8% so với cùng kỳ và là lần đầu tiên nước này có quý tăng trưởng âm kể từ năm 1992. GDP quý 1 của Mỹ cũng âm 4,8%; Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ tăng vọt với hơn 30 triệu người phải nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp. Số lượng công ty phá sản tăng theo cấp số nhân ở cấp độ toàn cầu và giá dầu giao sau tháng 5 rớt về mức âm lần đầu tiên trong lịch sử bất chấp OPEC+ nỗ lực cắt giảm. Điều này cho thấy kinh tế yếu kém dẫn đến nhu cầu năng lượng giảm nhanh hơn cả giảm sản lượng.

Nên ứng phó thế nào?

Để tránh vỡ nợ lúc này, điều đầu tiên cần xác định tương đối tổng nợ của từng thành phần kinh tế hiện nay, sau đó mới lên kế hoạch giãn nợ, tạm ngưng trả nợ, giảm lãi hoặc có thể miễn một khoảng thời gian đến khi doanh nghiệp, người dân bắt đầu làm việc có lãi trở lại (NHTM phải kiểm soát được dòng tiền) dưới sự điều tiết của Chính phủ và NHTW kèm các biện pháp phối hợp giúp doanh nghiệp tồn tại được giai đoạn này. Có như thế khi nỗi lo nợ nần tạm lắng, “có thực thì đạo mới vực được”.

Tiếp đó tính toán số tiền thông qua các gói kích cầu, nới lỏng định lượng... cho phù hợp. Như vậy hiệu quả vừa cao hơn mà còn “tính đường lùi” khi mà kinh tế tăng trưởng tốt trở lại có thể hút bớt về giảm nợ, tránh lạm phát quá mức cũng như duy trì việc kinh tế phát triển ổn định, bền vững. Khi đó, các thành phần kinh tế sẽ cùng nhau lao động, hoạt động kinh doanh, tiêu dùng.

Ngoài ra cũng phải tránh dòng tiền đổ vào các tài sản rủi ro như vàng, bất động sản, chứng khoán... mang yếu tố đầu cơ bởi sẽ không tập trung được tiền vào nền kinh tế. Cần phải định hướng cho dòng tiền chảy đúng vào những ngành nghề, lĩnh vực mang lại giá trị bền vững cho kinh tế quốc gia.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả