"Bom nợ" toàn cầu tiếp tục lập kỷ lục
Theo báo cáo mới nhất từ Viện Tài chính Quốc tế (IIF), ở thời điểm cuối quý 1/2024, tổng nợ toàn cầu, bao gồm nợ công, nợ doanh nghiệp và nợ của hộ gia đình, là 315 nghìn tỷ USD – tăng 1,3 nghìn tỷ USD so với quý trước và là một con số kỷ lục.
“Nợ toàn cầu đang tăng nhiều nhất, nhanh nhất và trên diện rộng nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ 2”, báo cáo hàng quý Theo dõi nợ toàn cầu (Global Debt Monitor) vừa được IIF công bố nhận định. “Sự gia tăng này đánh dấu quý tăng thứ hai liên tiếp và chủ yếu bắt nguồn từ các thị trường mới nổi, nơi mức nợ tăng vọt lên con số chưa từng thấy là trên 105 nghìn tỷ USD, tăng thêm 55 nghìn tỷ USD so với một thập kỷ trước”.
Khoảng 2/3 trong tổng nợ 315 nghìn tỷ USD là nợ của các nền kinh tế phát triển, trong đó Nhật Bản và Mỹ góp phần lớn nhất. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ trên GDP của các nền kinh tế này nhìn chung có xu hướng giảm. Tỷ lệ nợ trên GDP được xem là một chỉ số tốt để đo khả năng trả nợ của một quốc gia.
Trong khi đó, các thị trường mới nổi đang có tổng nợ 105 nghìn tỷ USD, nhưng tỷ lệ nợ trên GDP lại tăng lên mức kỷ lục 257%. Do đó, tỷ lệ nợ trên GDP toàn cầu lần đầu tiên tăng lên trong 3 năm qua. Trung Quốc, Ấn Độ và Mexico là các thị trường chiếm tỷ trọng lớn nhất trong số nợ này.
Riêng với Ấn Độ, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) từng cảnh báo rằng khối nợ của quốc gia này có thể vượt quy mô nền kinh tế vào cuối thập kỷ này, trong bối cảnh chính phủ phải chi tiêu số tiền khổng lồ mỗi năm để ứng phó với thảm họa thiên nhiên.
Theo IIF, tình trạng lạm phát dai dẳng, căng thẳng thương mại và địa chính trị leo thang là những nhân tố có thể gây ra rủi ro lớn cho việc trả nợ tại các nền kinh tế, làm gia tăng áp lực chi phí huy động vốn trên toàn cầu.
“Lạm phát dai dẳng ở Mỹ và việc Fed dự kiến trì hoãn hạ lãi suất, đồng USD mạnh… có thể tiếp tục làm gia tăng áp lực nợ công với các nền kinh tế, đặc biệt là nước đang phát triển”, IIF nhận định trong báo cáo. “Dù sức khỏe tài chính của các hộ gia đình có thể làm bệ đỡ trong giai đoạn lãi suất cao lâu hơn trong dài hạn, thâm hụt ngân sách của chính phủ vẫn ở mức cao hơn so với giai đoạn trước đại dịch”.
Trong tổng nợ 315 nghìn tỷ USD của toàn cầu, lượng nợ của hộ gia đình – bao gồm nợ vay thế chấp mua nhà, nợ thẻ tín dụng, nợ sinh viên… – là 59,1 nghìn tỷ USD, tương đương 18,7%. Nợ doanh nghiệp là 164,5 nghìn tỷ USD, tương đương 52,2%, trong đó riêng doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính là 70,4 nghìn tỷ USD. Phần còn lại thuộc về nợ công, tức 91,4 nghìn tỷ USD.
IIF cho rằng những nỗ lực giảm nợ sau đại dịch Covid-19 đã chấm dứt khi các chính phủ bắt đầu giảm thuế và tăng chi tiêu trong năm nay – năm có số lượng cuộc bầu cử nhiều kỷ lục.
Vào tháng trước, IMF cũng kêu gọi các chính phủ trên khắp thế giới kiềm chế việc giảm thuế hoặc tăng chi tiêu với hy vọng giành được phiếu bầu của cử tri trong “năm bầu cử lớn nhất từ trước đến nay”.
“Trong năm bầu cử lớn như năm nay, các chính phủ nên thực hiện các chính sách thắt chặt tài hóa nhằm đảm bảo sức khỏe tài chính quốc gia”, IMF khuyến nghị.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận