menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Cao Đức Giang

Bồi đắp nền tảng phục hồi, hạn chế di hại tương lai

"Cuộc khủng hoảng nào rồi cũng qua đi. Nhưng chúng ta sẽ ra khỏi khủng hoảng trong trạng thái như thế nào, điêu tàn hay với tâm thế đã có một số nền tảng nhất định để phục hồi nền kinh tế. Nếu các chính sách đưa ra chỉ giải quyết các vấn đề ngay trước mắt mà thiếu tầm nhìn cho tương lai thì không những không bồi đắp được các nền tảng để phục hồi mà thậm chí còn có thể tạo ra những hệ lụy khó khắc phục về sau", TS. Vũ Thành Tự Anh nhấn mạnh.

Nền kinh tế đang đi trên dây

Theo các chuyên gia kinh tế, nền kinh tế lúc này như đang đi trên dây: Đi nhanh hoặc đứng lại quá lâu thì nguy cơ ngã là rất cao. Lựa chọn duy nhất lúc này là vẫn phải tiến tới, nhưng cần bước từng bước thật chắc chắn.

Thực tế dù dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp nhưng khi dấu hiệu đỉnh dịch đã xuất hiện, một số nền kinh tế như Tây Ban Nha, Đức, Mỹ… đã bắt đầu quá trình nới lỏng hoặc đang lên lộ trình sớm nới lỏng các thắt chặt nghiêm ngặt về đi lại và hoạt động kinh doanh để mở cửa trở lại nền kinh tế. Theo TS. Yonatan Grad - Chuyên gia dịch tễ học Trường Y tế cộng đồng, Đại học Harvard, khả năng đại dịch này chấm dứt theo cách virus này hoàn toàn tuyệt chủng gần như là không thể xảy ra. Cách ly xã hội một lần dù triệt để đến mấy cũng sẽ không đủ sức để ngăn chặn đại dịch Covid-19. Vì thế, một số quốc gia đang thực hiện "cách ly xã hội theo đợt". Biện pháp này vừa "hạ thấp đường cong lây nhiễm", giảm tải áp lực lên hệ thống y tế, ngăn ngừa tình trạng kiệt quệ về kinh tế và hành vi bởi các biện pháp cách ly xã hội nếu kéo dài sẽ quá sức chịu đựng của nền kinh tế và xã hội.

Theo phân tích của TS. Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright, nền kinh tế Việt Nam chỉ có thể chịu đựng tình trạng ngừng trệ hiện tại khoảng 3 tháng, tối đa là 6 tháng. Lâu hơn thì nhiều DN sẽ phá sản, kéo theo những hệ lụy nghiêm trọng về kinh tế – xã hội. Hiện nay chúng ta kiểm soát tốt tình hình, đã phân tách được nguy cơ dịch bệnh ở các địa phương để từ áp dụng biện pháp phòng, chống dịch phù hợp. Điều này không chỉ giúp tập trung được lực lượng trong đối phó với dịch, mà dưới góc độ kinh tế nó cũng giúp các hoạt động sản xuất, kinh doanh ở những khu vực ít nguy cơ hơn dần trở lại nhịp bình thường. Nói cách khác, đó cũng là một giải pháp để giúp nền kinh tế bật lại sau dịch.

Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân gần đây cho rằng, khi chưa có vắc-xin thì chúng ta không thể bài trừ dịch Covid-19 và phải xác định tinh thần "chung sống" với Covid-19. Theo ông, nếu TP. Hồ Chí Minh tiếp tục giữ được tốc độ lây nhiễm thấp và số người phải điều trị ở bệnh viện không quá 500 người một lúc thì nhiều khả năng đến giữa tháng 5 các trường học có thể mở cửa trở lại, và các DN quay lại sản xuất, kinh doanh vào cuối tháng 5. TP. Hồ Chí Minh cũng là một trong 12 tỉnh, thành phố có "nguy cơ cao" và tiếp tục phải áp dụng cách ly xã hội đầy đủ theo Chỉ thị 16, trước mắt là đến ngày 22/4.

Vừa sản xuất vừa chống dịch

Tại Hà Nội, nơi có số DN chiếm khoảng non nửa tổng số DN cả nước, tình hình cũng đang rất khó khăn. Các DN ở đây cho biết đã thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng vì sản xuất kinh doanh đứt đoạn. Theo bà Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG, đại dịch Covid-19 đã khiến DN này chịu thiệt hại nặng nề trên tất cả lĩnh vực kinh doanh, ước tính thiệt hại ban đầu gần 1.000 tỷ đồng. Đại diện của Vingroup cho biết chỉ riêng hoạt động sản xuất ô tô, xe máy bị ngưng trệ đã khiến DN này lỗ trên 10.000 tỷ đồng; hoạt động du lịch, giải trí lỗ khoảng 3 nghìn tỷ đồng…

Khó khăn ở các DN lớn đã vậy thì khó khăn với các DNNVV (chiếm 97% lượng DN ở Hà Nội) còn mang tính "sinh - tử" hơn. Theo Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Hà Nội Đỗ Quang Hiển, hiện nay các DN đang rất mong mỏi các giải pháp hỗ trợ quyết liệt, các tiêu chí, quy trình hướng dẫn cụ thể đúng, trúng, kịp thời, bởi nếu chậm thì có nguy cơ sụp đổ.

Tuy gặp nhiều khó khăn nhưng đại diện các DN cũng cho rằng, sự quyết liệt của Chính phủ nói chung, chính quyền các địa phương đã tạo niềm tin cho người dân và DN. Nhưng không thể đình trệ mãi nên cần tính đến phương án "vừa sản xuất, vừa phòng chống dịch".

Chủ tịch Tập đoàn BRG kiến nghị, để đảm bảo cung ứng hàng hóa cho người dân và để sản xuất, kinh doanh không đứt đoạn, chính quyền địa phương tạo điều kiện cấp giấy phép lưu thông cho các phương tiện vận chuyển giao nhận hàng hóa đi từ Hà Nội về các địa phương và ngược lại. Chính quyền các tỉnh đang phải tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội cần sớm có hướng dẫn cụ thể và đưa ra các điều kiện, tiêu chuẩn phòng dịch và đảm bảo an toàn để các DN đáp ứng đủ điều kiện và cam kết thực hiện nghiêm có thể sớm bắt tay vào phục hồi dần sản xuất, kinh doanh.

Cho rằng các DN vào thời đểm này rất cần đổi mới công nghệ, sản phẩm, quản trị… ông Đỗ Quang Hiển đề nghị, lãnh đạo địa phương cụ thể là lãnh đạo Hà Nội nên khai thác hết các quỹ hiện nay (như Quỹ xúc tiến thương mại; Quỹ đào tạo...) và ưu tiên bổ sung cho các quỹ này để tăng cường hỗ trợ cho các DN. Đặc biệt Chính phủ cần tính đến giải pháp giảm thuế trong đợt dịch bệnh từ nay cho đến sau khi dịch bệnh kết thúc.

Đồng tình với những kiến nghị này của DN, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ khẳng định, Hà Nội cam kết làm tốt hơn nữa công tác phòng, chống dịch, từ đó tạo tiền đề để bảo vệ cho sản xuất, kinh doanh, phục hồi và phát triển kinh tế. Thành phố cũng cam kết đẩy mạnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh thích ứng với điều kiện giãn cách xã hội. "Có thể nới lỏng một phần tùy theo diễn biến dịch bệnh của cả nước và thành phố", Bí thư Hà Nội nhấn mạnh và cho biết, đã chỉ đạo thành phố giao cho các sở, ngành liên quan nghiên cứu về các tiêu chuẩn, tiêu chí an toàn cho từng loại hình sản xuất, kinh doanh trong điều kiện thích ứng với dịch bệnh hiện nay cũng như về lâu dài.

TS. Vũ Thành Tự Anh cho rằng, hệ thống các chính sách can thiệp của Chính phủ để ứng phó với tác hại của Covid-19 cần đáp ứng 5 mục tiêu: Hạ thấp đường cong nhiễm dịch; Bảo vệ sức khỏe DN; Củng cố niềm tin xã hội; Bồi đắp nền tảng phục hồi; Hạn chế di hại tương lai. Trong đó, đặc biệt cần lưu ý đến tầm quan trọng của mục tiêu "bồi đắp nền tảng phục hồi" và "hạn chế di hại tương lai".

"Cuộc khủng hoảng nào rồi cũng qua đi. Nhưng chúng ta sẽ ra khỏi khủng hoảng trong trạng thái như thế nào, điêu tàn hay với tâm thế đã có một số nền tảng nhất định để phục hồi nền kinh tế. Nếu các chính sách đưa ra chỉ giải quyết các vấn đề ngay trước mắt mà thiếu tầm nhìn cho tương lai thì không những không bồi đắp được các nền tảng để phục hồi mà thậm chí còn có thể tạo ra những hệ lụy khó khắc phục về sau", TS. Vũ Thành Tự Anh nhấn mạnh.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả