Bóc trần chiêu trò đội lái chứng khoán & cách nhận biết cổ phiếu bị lái chuẩn đến 90%
Nhiều khi cổ phiếu có thể lên tới 2x, 3x, 4x thậm chí là rất cao, nhưng sau một thời gian ngắn lại tụt xuống dưới 1x, gây ra thiệt hại vô cùng lớn cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Rất có thể trường hợp này, cổ phiếu đã bị đội lái "đụng tay, đụng chân".
Thao túng giá và làm giá cổ phiếu là những chiêu trò của đội lái chứng khoán và hành động này chưa bao giờ được các nhà đầu tư ủng hộ. Trong bài viết này, dautu.io sẽ chia sẻ cho các F0 biết rõ đội lái chứng khoán là gì, chúng hoạt động ra sau, cách nhận biết cổ phiếu bị lái như thế nào…, để các bạn có thêm những kiến thức nhằm tránh sập bẫy của bọn chúng
Đội lái chứng khoán là gì?
Đội lái chứng khoán là những người có kinh nghiệm đầu tư, nhiều tiền, nhiều quan hệ, thường hay liên kết với các công ty môi giới chứng khoán, rồi thông đồng với nhau để cùng làm giá cổ phiếu nhằm hưởng lợi từ chênh lệch giá.
Đội lái sẽ cùng nhau liên kết, tập trung vào một số mã cổ phiếu nhất định, rồi tạo ra cung cầu ảo bằng cách tự mua, tự bán nhằm mục đích lôi kéo những nhà đầu tư khác cũng tham gia mua bán mã cổ phiếu đó.
Đội lái liên tục đưa ra những thông tin gây nhiễu khiến nhà đầu tư mất phương hướng. Trên bảng giá chứng khoán lúc đó, bạn sẽ thấy tình trạng nhiều cổ phiếu penny bỗng tự nhiên tăng trần liên tục trong nhiều phiên không rõ lý do, làm mọi người ào ào mua theo vì nghĩ đó là cổ phiếu tiềm năng. Nhưng rồi khi ai nấy đang tưởng tượng về một viễn cảnh lơi nhuận màu hồng, thì chúng bắt đầu rơi sàn tự do không kiểm soát được.
Nếu muốn tránh trở thành gà để đội lái chứng khoán dắt mũi, mình khuyên những bạn mới là nên chọn những cổ phiếu top đầu, cổ phiếu lớn thì sẽ đỡ rủi ro hơn. Còn vẫn muốn thử sức đầu cơ thì chỉ nên dành ra khoảng 20% tiền vốn, nhưng vẫn phải hết sức cẩn trọng nhé.
Đội lái chứng khoán siêu kinh điển ở Việt Nam
Nhắc đến đội lái chứng khoán, chắc không thể không kể tới giai đoạn 2010 và nửa đầu năm 2011, thời điểm được coi là năm mà đội lái làm mưa làm gió. Đội lái thường ưa thích những mã cổ phiếu như: AAA, APL, HTV, MKV, DHT, VHG, AMV…
Đơn cử, cổ phiếu của Anphanam (ALP) năm đó, giá tăng trần liên tục từ 12.000 đồng/cổ phiếu lên 31.000 đồng, rồi ngay sau đó lại rơi tự do xuống gần 10.000 đồng, trong khi công ty không có chút thông tin quan trọng nào. Điều này cũng đủ để thấy đội lái chứng khoán ăn đủ và tài tình ra sao.
Hoặc ví dụ cho bạn 2 phi vụ đội lái chứng khoán siêu kinh điển khác, đã bị công an chức năng “sờ gáy”:
Cổ phiếu CDO:
9/3/2015, CDO chào sàn với 4 phiên tăng trần liên tục, gây được sự chú ý của giới đầu tư, giao dịch quanh mốc 20k. Đến năm 2016, cổ phiếu CDO nhanh chóng được đẩy lên 30k. Nhưng đến cuối năm 2016, COD giảm sàn 34 phiên lục, rơi từ 35k/cổ phiếu xuống 3k/cổ phiếu.
Sau khi giảm xuống 3k, CDO lại phục hồi với chuỗi 12 phiên tăng trần liên tiếp, đạt mức giá 6.890 đồng/cp, khiến cổ phiếu này bị nghi ngờ thao túng giá và đã bị điều tra. Sau đó, công an đã quyết định khởi tố ông Nguyên Vân Giang – Giám đốc Công ty TNHH MTV Chứng khoán Ngân hàng Đông Á chi nhánh Hà Nội về tội thao túng giá chứng khoán tại CDO.
Cổ phiếu FTM
Từ tháng 2 – 6/2019, FTM đạt mức đỉnh 25.200 đồng/cổ phiếu, tuy nhiên sau đó, FTM đã trải qua 25 phiên giảm sàn liên tiếp, từ hơn 24.000 đồng/cổ phiếu xuống còn 4.500 đồng. Sau đó họ đã điều tra ra nhiều dấu hiệu bị thao túng giá bởi cổ đông lớn Lê Mạnh Thường (cựu Chủ tịch HĐQT FTM đã từ nhiệm từ tháng 4/2019).
Ngoài ra, còn rất nhiều phi vụ làm lái chứng khoán khác nữa mà chúng mình chưa thể kể hết được. Có những vụ đội lái chứng khoán hành động lộ liễu, dẫn đến lãnh đạo đều phải ngồi tù. Nhưng cũng có nhiều lúc đội lái vô cùng cao tay, không pháp luật nào có thể làm gì được, còn nhà đầu tư nhỏ lẻ vì lao đầu theo lái mà dẫn tới thua lỗ nặng nề.
Các chiêu trò của đội lái chứng khoán
Muốn tránh được bẫy của đội lái chứng khoán, thì bạn phải biết trước về chiêu trò của họ. Cách thức làm giá cổ phiếu của chúng được diễn ra cụ thể như sau:
Bước 1: Chọn cổ phiếu để làm mồi bắt gà
Không phải cổ phiếu nào cũng có thể được chọn làm mồi đâu nhé, mà phải đáp ứng đủ “thiên thời, nhân hòa, địa lợi”. Rồi cổ phiếu nào đang bị đội khác lái rồi thì cũng phải tránh, nếu không là sẽ phản tác dụng, mà cái này chỉ có dân trong nghề mới biết.
Tiêu chí chọn cổ phiếu để lái giá:
Vốn hóa vừa phải, nhỏ cũng được, phù hợp với sức và tiền của đội lái. Lái to thì chọn vốn hóa khá, lái bé thì chọn vốn hóa nhỏ.
Ngành nghề kinh doanh phải hot, phải có khả năng gây lợi nhuận đột biến, có nhiều thông tin hỗ trợ thì mới dễ tung tin tức tung hỏa mù sau này.
Hàng càng nguyên sơ càng tốt, ít người qua tay. Hàng mà qua tay nhiều người khó lái, dễ bị úp sọt, khó liên kết với nhau.
Cổ phiếu mà có lượng cổ phiếu chết trên 50% (nhà nước chi phối) thì lại càng ngon, chứ cổ phiếu loãng quá lại khó lái.
Cổ phiếu phải chưa chia tách, phát hành nhiều lần. Bởi chia tách rồi thì cổ phiếu đông như quân nguyên, có lái lên thì khả năng chết cũng cao.
Giá cổ phiếu càng thấp càng tốt, giá thấp thì dễ đẩy lên cao.
Đáp ứng đủ tiêu chuẩn này, các đội lái chứng khoán bắt đầu giai đoạn gom hàng, gom đủ thì chuẩn bị tinh thần đẩy giá lên cao.
Bước 2: Đẩy giá cổ phiếu lên từ từ
Đội lái rất khôn và hiểu tâm lý nhà đầu tư. Bước đầu của quá trình đẩy giá, họ cũng tạo cho cổ phiếu có 1 đoạn đi ngang cho nhà đầu tư yên tâm. Chứ cổ phiếu mới giảm giá không phanh mà đánh lên ngay, nhìn đồ thị như kiểu chữ V thì chưa hút được nhà đầu tư đâu, người ta nghĩ ngay là “Bulltrap ấy mà, vào là chết đấy“.
Thế nên đội lái chứng khoán cứ ung dung như vậy, miễn là không để giảm sâu. Tại sao lại như vậy? Bởi khi gà nhìn vào thì sẽ có suy nghĩ:
Một số người có chút hiểu biết về PTKT sẽ nhìn thấy và: A, cổ phiếu này chạm đáy rồi, theo dõi tín hiệu thôi.
Những người bán cổ phiếu ở giá xx, kiểu gì cũng đợi nó giảm sâu hơn để mua lại. Nhưng nếu không giảm sâu hơn nữa thì thấy nó tăng tốc sẽ nhanh chóng mua lại luôn.
Và thế là, nhu cầu mua được hình thành.
Tuy nhiên gà cũng chưa mua bán vội lúc này, vì lúc đó cổ phiếu chưa tăng giá, thanh khoản kém. Đến đây thì lại đơn giản, đội lái thuận tay mua bán tạo thanh khoản cho gà nhìn vào và yên tâm (chứ cổ phiếu thanh khoản kém thì gà nào dám mua). Thường thì penny cứ 100k/phiên, midcap khoảng 300k/phiên là ngon. Mà tạo thanh khoản cũng đòi hỏi phải khéo, tạo không được lộ liễu, 1 lệnh bán mà cứ 40k, 50k thì lộ ngay.
Bước 2: Đẩy cổ phiếu tăng giá thần công
Làm gì ở giai đoạn này vậy? Việc đầu tiên là phải tạo 1 phiên eak out (nghĩa là đột phá), cả về giá lẫn khối lượng giao dịch để tạo sự chú ý, khiến mọi con mắt đổ dồn vào nó, như thế mới thu hút được cầu.
– À, thằng cổ phiếu XXX này tăng ghê thế.
Sau đó lái bắt đầu điều chỉnh để tạo đồ thị đẹp, để những chú gà oai oai hiểu biết chút về phân tích kỹ thuật nhảy vào đua lệnh, vét hàng trước khi bị đẩy giá.
Khi tạo 1 phiên eak out, tức là lái đã xác định: mua hết sạch tất cả mọi lệnh bán, bán bao nhiêu mua bấy nhiêu. Lệnh mua giá trần được nhồi vào liên tục, tạo cầu ảo, đám đông thì càng hưng phấn. Chẳng may gặp đứa nào láo nháo bán quăng bom cũng mua bằng hết.
Lúc này, gà nhỏ đã đánh hơi thấy được “mồi ngon”, nên chắc chắn sẽ nhảy vào, đặt lệnh giá trần đu theo. Gà nghĩ rằng: cổ phiếu hot, người ta mua ầm ầm, mình không mua thì thiệt, mai giá còn lên nữa... Nhưng mà đa số là sẽ không mua được trong trường hợp này, bởi lệnh giá trần khủng của lái đặt trước còn chưa khớp xong, thì làm sao đến lượt lệnh của gà.
Mà đòn tâm lý mà, phiên này không mua được thì chắc chắn phiên sau phải mua bằng được.
Cầu ảo này sẽ làm bên bán bị át vía, chùn tay không dám ra hàng mạnh, còn gà thì đua theo đến toát cả mồ hôi.
Chưa kể, cùng với việc đánh giá lên thì đội lái chứng khoán bắt đầu lên các diễn đàn, group tung tin tốt: XX là miếng mồi ngon, giá rẻ, XX giá tăng phi mã…, XX tập đoàn siêu nhân… Đội lái chứng khoán nào giàu, có số má thì còn bắt tay với phóng viên báo điện tử viết hẳn cả mấy bài PR nữa.
Bước 3: Làm sóng khi giá chững lại
Đến giai đoạn giá đã tăng trần được vài ngày, gà cũng không bám theo nữa. Lúc này trong 100% lệnh mua giá trần chắc chỉ có 10% của gà, còn 90% là của lái.
Gà giờ cũng nhiều người khôn, không đua theo bằng mọi giá. Có lẽ gà biết lái vào lệnh lộ liễu quá, nên gà né. Lúc này phải làm gì?
Đơn giản lắm, đội lái cổ phiếu sẽ bắt đầu hủy lệnh mua giá trần từ tài khoản A, B, C, rồi bán ra một ít để cho thị trường sóng sánh một chút, nhìn kịch tính lắm. Nhưng lái khôn, chỉ đẩy giá xuống tham chiếu hoặc dưới tham chiếu 1 đoạn, chứ chắc chắn không đẩy xuống giá sàn, kẻo làm dư luận hoang mang hỏng việc.
Tiếp tục, đội lái sẽ đặt tiếp lệnh mua từ giá tham chiếu đổ lên, đến khi đạt trần thì thôi. Và lúc này đảm bảo rằng lại có cầu mới đu theo.
Đặc biệt, làm sóng phải làm thật nhanh, như vậy sẽ làm gà có tâm lý mua chạy theo bằng được, bời vì sóng kiểu vậy sẽ lo không có cổ phiếu mà bán, không nhanh sẽ bị người khác mua mất. Và thế là gà liên tục đua lệnh, đặt mua thật nhiều.
Bước 4: Tiếp tục điều chỉnh sóng đợt cuối
Sau đợt sóng trên, dự là đến ngày thứ 5 nhu cầu lại cạn, gà lại không đua theo nữa. Lệnh đặt giá trần không hiểu bị gà nào bán nhả cho bung cả trần. Nếu cứ thế này thì tình hình không hay, gà cứ bán thế này thì dễ hỏng kèo quá.
Cầu thì không có, lệnh bán xả ra càng nhiều, gà bay nhảy khắp mọi nơi, làm hôm nay mua khớp mất 10 – 15% giá trần rồi. Đội lái bắt đầu phân vân có lên xả hàng lúc này hay đẩy tiếp?
Dĩ nhiên là không ai xả hết lúc này cả, thoát hàng lúc này đảm bảo cổ phiếu về sàn ngay. Nên lúc này bắt buộc phải điều chỉnh thì mới bền được.
Lái sẽ bắt đầu kiểm tra lại cung cầu xem bên nào mạnh hơn bên nào. Nếu lượng bán mạnh thì không nhồi lệnh mua nữa, mà ghì giá xuống tiếp, để cho giá điều chỉnh nhẹ 2 phiên. Còn nếu cung cầu ngang nhau thì điều chỉnh 1 phiên, rồi lại đẩy giá lên. Vẫn bài cũ, điều chỉnh đẩy giá lên thì kiểu gì cũng có thêm cầu mới, và lúc đó gà cũng bớt sợ hơn nên mua mạnh tay hơn.
Đặc biệt, lái sẽ làm mấy cái lệnh bán lớn bên dưới, để điều chỉnh và mục đích chính là không để cho gà bán tháo.
Bước 5: Bắt, nhốt và hốt gà
Lúc này, đội lái chứng khoán bắt đầu nhắn với ban lãnh đạo công ty, tung tin vịt tin gà, kiểu như: Doanh nghiệp A dự kiến tăng trưởng 50%, rồi mở rộng dự án quy mô này nọ… Kết hợp thêm ít tiền cho báo chí PR thật lực. Gà nghe thấy thế tưởng mối ngon, bắt đầu lao vào mua. Chính lúc này là lúc đội lái tổ chức lùa gà, bắt gà vào nhốt luôn, không nuôi để vỗ béo nữa.
Trích vui 1 đoạn đối thoại của đội lái trong giai đoạn này (nguồn từ f319):
A –Tăng xấp xỉ 60%, bắt đầu xả được rồi anh ơi. So với giá vốn thì lời khoảng 30 – 35%, nên chỉ ăn thế thôi, tham quá dễ vỡ mồm, bởi gà giờ cáo hơn rồi !!!
B – Chú xả hàng khéo một chút kẻo đánh động gà. Tụi gà mà lao ra bán tháo thì chúng ta ngồi ôm bom là chắc chắn.
A – Em hiểu, nhưng khéo là như thế nào ạ?
B – Là phải làm cho gà bên ngoài sốt ruột muốn vào, còn gà bên trong lại không muốn bán ra. Mà muốn thế thì chỉ có cách là làm cho gà tin rằng cổ phiếu còn lên cao nữa.
B – Xả hàng từng chút một, nhưng khi thấy lượng bán yếu dần thì hãy chất lệnh khủng, tối thiểu 500k, lên 1 triệu cũng được, cứ táng thật lực, phải át vía không cho chúng nó bán.
B – Chú còn phải đem quân đi hò hét PR mạnh vào cho anh, bơm thổi bốc vào, XXX siêu khủng sẽ lên 3, 4, 5… lần trong tháng này…. Làm gì thì làm, cứ cho gà lạc vào mê hồn trận là được.
A – Chất hàng kiểu đó, lỡ ai đâm sau lưng mình thì làm sao hả anh?
B – Phải dùng chiêu kích xả, hút xả để tăng tính hấp dẫn, thì gà mới tự chui vào xả. Miễn là lượng bán phải gấp 3 lượng mua. Chứ mua 1 mà bán 1 thì vỡ mồm. Cứ tạo kịch tính hết trần, rồi lại dư trần, bung trần, dư trần… Miễn có cầu là nhồi lệnh bán. Hết cầu lại nhồi lệnh mua ảo của mình. Mấy con gà thấy lệnh mua trần lại đua theo, thì lúc đó chú âm thầm hủy lệnh, rồi xả bán thẳng cổ phiếu vào cầu của gà cho anh.
A – Nếu bơm xả rồi mà vẫn không có cầu mới, gà không chịu chui đầu thì làm sao ạ?
B – Áp dụng kịch bản 2, đó là đặt lệnh đỡ giá bên dưới, sau đó dùng lệnh nhỏ rải lên trước làm mồi, kết hợp với tiết cung, bán từ từ, không được xả mạnh, phải hành động trong nhiều phiên và kéo dài lâu hơn.
A –Thế thị trường bỗng nhiên xấu, đảo chiều đột ngột thì làm thế nào?
B –Lúc đó hủy lệnh mua chứ còn gì nữa. Cứ có cầu là bán, giá nào cũng bán. Bởi chênh 35% giá vốn thì bán giá nào cũng lời. Phải linh động.
A – Lỡ mình xả nhiều quá, rồi cổ phiếu dư sàn cả đống, gà thấy thế cũng chạy theo thì làm sao?
B – Ngốc thế, nằm sàn cả đống thì ai thèm mua, bán cho ai? Với cả phải chặn 1 lệnh mua giá sàn thật to vào, gà thấy thế cũng lon ton đặt mua giá sàn theo, kiểu gì giá cũng lên vài line. Lúc đó hãy hủy lệnh mua giá sàn, rồi tranh thủ xả thật nhanh, đến khi hết cầu. Lúc đó sẽ dư một lượng cổ phiếu giá sàn, thì chú lại mua vợt nó về, rồi lại thêm lệnh mua.., gà lại lao đầu theo nhảy vào bắt đáy. v…v…, Hút xả giá trần thế nào thì hút xả giá sàn cũng thế , cứ thế mà làm thôi.
A – Ok anh. Mai bán hết chứ anh?
B – Không được, phải để lại 20% hàng chứ. Mai bán được trên 70% thì tốt, còn không thì lại làm như anh dặn, tỉa linh hoạt, dần dần.
A – Sao phải để lại 20% hàng?
B – À, khi mình đã xả xong thì cổ phiếu XX phải giảm, chứ ai lại để cho khi mình bán xong mà giá nó lại tăng là thế nào? Hiểu chưa? Dùng số hàng còn lại đó bán trong các phiên kế tiếp, nhằm tạo ra sự hoảng loạn, làm giá XX rơi tự do, và gà cũng sẽ đua nhau đặt bán theo. Phải làm như thế cho đến khi nó về với mức giá cũ, chúng ta cover hàng lại để lấy cái mà trả hàng mượn người ta ban đầu chứ, đúng không?
2 ngày sau…:
A – Alo, thật tuyệt vời, anh đúng là tính toán như thần… Không sai một ly, em bán hết 80% hàng rồi, còn lại 20% thôi.
B – 20% này chú cứ bán nhiệt tình vào cho anh. Nhớ là chỉ bán giá đỏ và giá tham chiếu trở xuống, bán mạnh tay dứt khoát để tạo hoảng loạn. Gà mà biết đội lái đã buông tay thì chỉ biết cắm đầu mà bán thôi.
Và rồi cứ như thế, chắc ai cũng đoán được kết quả rồi. Đội lái chứng khoán cùng nhóm ban lãnh đạo công ty xả hàng kịp thời, ôm cả núi tiền. Nhà đầu tư nhỏ lẻ chạy theo đánh ké, kẻ được kẻ không, nhưng mà mất chắc chắn chiếm tỷ lệ rất lớn. Vì trong trò chơi của đội lái này, tiền chỉ rơi từ túi người này sang túi người khác, mà kết cục túi của đội lái đầy lên, thì có lẽ ai cũng hiểu được là tiền ở đâu rơi vào rồi đấy.
Đội lái chứng khoán cứ tiếp tục làm những ván bài như thế này, lợi nhuận có thể thu được 20 – 30% mỗi tuần. Nhiều biện pháp quản lý cũng đã được đặt ra, nhưng không thể ngăn chặn triệt để và cũng rất khó vẽ ra chế tài để xử phạt. Vì vậy đội lái vẫn hoành hành hàng ngày, còn nhà đầu tư nhỏ lẻ cứ lao theo và trở thành những con cừu béo bở cho chúng.
Dấu hiệu nhận biết cổ phiếu bị lái
Trên thị trường biết bao nhiêu mã cổ phiếu tăng giảm liên tục, vậy làm thế nào để biết được đâu là cổ phiếu bị lái bẩn, cẩn phải tránh?
Dưới đây là 3 yếu tố có thể giúp bạn né được 90% cổ phiếu đang bị đội lái chứng khoán đụng tới, đó là:
Dấu hiệu 1: Hành động mua bán cổ phiếu bất thường của ban lãnh đạo
Bạn hãy thử để ý nhé, ví dụ cổ phiếu rơi về giá rất thấp, 10.000, 5.000 đồng, và rồi ban lãnh đạo đứng ra bán cổ phiếu với mức giá thấp này, có thấy kỳ lạ không?
Giá cổ phiếu thấp thì ban lãnh đạo và cổ đông lớn thi nhau bán ra.
Giá cổ phiếu lên đỉnh thì ban lãnh đạo hay đua nhau mua vào.
Thường thì ban lãnh đạo mua vào, thì cổ phiếu đang tăng sẽ tăng tiếp. Nhưng khi bị lái sờ tay thì giá lại giảm không phanh 60 – 70%.
Giải thích cho việc này là:
Khi họ bán cổ phiếu ở vùng đáy, đảo hàng từ tay họ sang những nhóm cổ đông nhỏ bên ngoài, và bán dưới 5% thì sẽ không phải báo cáo.
Sau đó họ dùng nhóm cổ phiếu bên ngoài thao túng giá, ôm hàng, đẩy lên cao, tung hàng ra bán. Họ mua vào lúc này cũng chỉ để như gà, còn vẫn là cổ phiếu của họ, chuyển từ tay trái sang tay phải mà thôi.
= Khi thấy ban lãnh đạo công ty mua nhiều cổ phiếu đầu cơ thì tốt nhất bạn nên thận trọng. Không hẳn là vì doanh nghiệp có tương lai tốt đâu, mà có khi là cổ phiếu đang bị làm giá thật đấy.
Dấu hiệu 2: Báo báo tài chính của doanh nghiệp không có gì ấn tượng
Có thể nhận biết bằng cách doanh nghiệp có sở hữu nhiều tài sản ảo không, kiểu như: công ty con, cho vay, cọc tiền, đầu tư tài chính…
Những tài sản này không sinh ra tiền, và nó tạo thành cổ phiếu ảo cho người mua. Ví dụ công ty có 100 tỷ, thì có thể bỏ 80 tỷ đi mua dự án ngoài, vậy chỉ còn 20 tỷ là tài sản máy móc sinh ra tiền. Mua cổ phiếu lúc này sẽ bị pha loãng, tính ra đắt hơn giá trị thực rất nhiều.
Công ty như vậy người ta gọi là rỗng ruột, dòng tiền không sinh ra từ hoạt động kinh doanh, chỉ số sinh lời rất yếu. Nếu gặp phải công ty dạng này, mà giá cổ phiếu bị đẩy cao thì hãy tránh xa nhé, vì phần trăm nó bị làm giá rất cao.
Dấu hiệu 3: Công ty không có tin tức gì, nhưng khi cổ phiếu lên giá thì tin tức tung ra dồn dập.
Bình thường vốn là những công ty ít tên tuổi, có lên có xuống bất thình lình cũng ít người quan tâm. Nhưng khi là đối tượng của đội lái chứng khoán, thì chắc chắn rằng khi giá chuẩn bị đánh lên sẽ được tung ra hàng loạt tin tức: dự án tỷ đô, mua công ty này nọ, cổ đông lớn đầu tư….
Đứng trước những tin tức kiểu này, bạn phải xem xét kỹ xem thông tin đưa ra có đúng hay không. Nếu công ty không có tiềm năng gì, báo cáo tài chính nhạt nhẽo thì đảm bảo 100% bị làm giá rõ rệt.
Nếu là nhà đầu tư F0, tốt nhất nên tránh xa cổ phiếu này. Nếu thích thử vận may thì cũng chỉ thử vốn nhỏ thôi, và luôn sẵn sàng nhảy tàu bất cứ khi nào, bán sớm một nhịp. Chứ nếu bạn chần chừ khi lái đã chạy xong thì đảm bảo bạn bị sẽ nuốt trái đắng. Thà ăn non còn hơn là bị lỗ thật nhiều.
Dấu hiệu 4: Giá của cổ phiếu bị đội lên quá cao so với bình thường
Không khó để nhận biết cổ phiếu bị lái, chỉ cần bạn chịu khó bỏ chút thời gian ra tìm hiểu thông tin, doanh nghiệp. Dù thông tin tốt đến mấy thì thường nó chỉ tác động đến giá cổ phiếu trong một khoảng nhất định, thường là 10 – 20%, chứ không thể tăng phi mã gấp mấy lần như vậy.
Chưa kể, những cổ phiếu mới lên sàn, không được nhiều người biết nhưng lại có lượng giao dịch lớn, thì rất có thể trở thành đối tượng bị làm giá của đội lái chứng khoán.
Tóm lại: đầu tư vào thị trường chứng khoán, không cần thiết phải đu theo những cổ phiếu siêu lợi nhuận như thế. Cách tốt nhất vẫn là chọn cổ phiếu tốt, uy tín, chỉ số tốt, thị trường tiềm năng, lãnh đạo minh bạch để đầu tư. Nếu quản lý vốn tốt thì khả năng sinh lời của bạn sẽ không tồi đâu.
Có một số nhà đầu tư có kinh nghiệm, thích mạo hiểm để đua với đội lái. Mức độ thành công vẫn có, nhưng rủi ro đi kèm cũng cao gấp bội. Đặc biệt, đội lái chứng khoán cũng toàn những người có kinh nghiệm, thích lợi dụng đồ thị, công thức, mô hình và vẽ ra những biểu đồ để nhà đầu tư khác nhìn thấy và hành động. Những nhà đầu tư chạy theo phân tích kỹ thuật thì càng dễ mắc phải chiêu trò đội lái chứng khoán này.
Nhà đầu tư nhìn thấy cổ phiếu sụt mạnh vài phiên, cung giảm, trên lý thuyết là có vẻ cổ phiếu đã chạm sàn, rồi cung giảm, lượng cầu lại lên, nên nghĩ rằng cổ phiếu đã chạm đáy và lao đầu vào bắt. Chính lúc này lại là lúc đội lái “ung dung” thoát hàng.
Khách quan mà nói, đội lái chứng khoán cũng có mặt tích cực, đó là tạo bầu không khí sôi động trên thị trường. Những con sóng do đội lái đem đến đã mang một vài cơ hội cho những nhà đầu tư, và cũng giúp cải thiện được tính thanh khoản.
Nhưng không vì thế mà đội lái được đón nhận, bởi sau quá trình tăng giá của những cổ phiếu làm giá thì đâu đó chúng ta thấy được sự mất mát nhiều hơn là được. Vì vậy, việc tìm hiểu về đội lái chứng khoán là gì, và cách nhận biết những chiêu trò của chúng sẽ giúp bạn phần nào tránh được việc bị lái dắt mũi và bòn rút hết ví tiền của bạn
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận