Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Thị trường xuất khẩu của Việt Nam có thêm 2,2 tỷ người tiêu dùng
Theo nhận định của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Hiệp định Đối tác Kinh tế Khu vực (RCEP) đánh dấu mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế của Việt Nam.
Ngày 15/11, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã chính thức được ký kết sau 8 năm đàm phán. Được biết, RCEP là hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới được đề xuất giữa 10 quốc gia thành viên của ASEAN và các đối tác, đối thoại là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.
Đánh giá về tác động của "siêu hiệp định" với nền kinh tế Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho hay, việc ký kết RCEP đánh dấu mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế của Việt Nam và các nước tham gia.
Cụ thể, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, ý nghĩa của hiệp định càng rõ ràng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực cùng với xu hướng bảo hộ mậu dịch đang nổi lên.
"Khi RCEP được 15 thành viên thực thi sẽ tạo nên một thị trường lớn với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, với GDP xấp xỉ 26,2 nghìn tỷ USD, chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu và trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới.
Với các cam kết về mở cửa thị trường trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ và đầu tư và hài hòa hóa quy tắc xuất xứ giữa tất cả các bên tham gia cũng như tăng cường các biện pháp tạo thuận lợi thương mại, việc thiết lập Hiệp định này sẽ tạo cơ hội để phát triển các chuỗi cung ứng mới trong khu vực", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay.
Ngoài ra, cũng theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Hiệp định RCEP sẽ giúp thiết lập thị trường xuất khẩu ổn định lâu dài cho Việt Nam. Trước tình hình thế giới đầy biến động gây ra những xáo trộn về chuỗi cung ứng trong những năm gần đây, việc hình thành một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới theo Hiệp định RCEP sẽ tạo ra một thị trường xuất khẩu ổn định dài hạn cho Việt Nam, qua đó góp phần thực hiện chính sách xây dựng nền sản xuất định hướng xuất khẩu của Việt Nam.
Việc Hiệp định RCEP thực thi sẽ tạo ra khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới
Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập – Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay, các thị trường thuộc Hiệp định RCEP không quá "khó tính", do đó, doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng thế mạnh để xuất khẩu nông sản nhiệt đới, thực phẩm chế biến.
Bên cạnh đó, quy trình về hải quan sẽ được thống nhất, tạo thuận lợi thương mại. Ngoài ra, các thành viên phải xây dựng các quy tắc chung để hạn chế, kiểm soát các hàng rào phi thuế quan cũng như giảm chi phí dưới tác động mở cửa thị trường dịch vụ phục vụ sản xuất.
"Nếu như ở Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Việt Nam khó tận dụng ưu đãi thuế quan đối với sản phẩm dệt may bởi quy tắc xuất xứ nội khối, vì phần lớn nguồn cung nguyên liệu của Việt Nam có xuất xứ từ Trung Quốc, thì khi tham gia RCEP sẽ giảm bớt gánh nặng chi phí nhập khẩu nguyên liệu đầu vào từ những ưu đãi thuế quan", bà Trang phân tích.
Nhận định thêm về Hiệp định RCEP, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng đánh giá, hiệp định nói trên phải tốn rất nhiều năm để đàm phán thương lượng, điều này cho thấy tầm quan trọng và ý nghĩa rất lớn.
Trong bối cảnh thế giới hiện nay bị ảnh hưởng bởi Covid - 19 dẫn đến đứt gãy rất nhiều các chuỗi cung ứng. Việc ký kết hiệp định này cũng sẽ tạo nên một sức bật mới cho sự phát triển thương mại trong khu vực, đặc biệt là giữa các nước tham gia ký kết.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận