Bộ trưởng Tài chính: 'Nhiều nước bị hạ điểm tín nhiệm nhưng Việt Nam được nâng hạng'
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết thời gian qua, tín nhiệm quốc gia Việt Nam được thế giới đánh giá cao, nâng hạng.
Từ ngày 6/11 đến sáng 8/11, Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn các thành viên Chính phủ.
Một số quốc gia bị hạ điểm tín nhiệm
Chất vấn Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ tài Chính Hồ Đức Phớc, đại biểu Trần Văn Tuấn (Bắc Giang) chất vấn: Chính phủ đã đặt ra mục tiêu, nâng cao vị thế và uy của Việt Nam trên trường quốc tế, tạo thuận lợi để đến năm 2030 nâng mức xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam.
Đại biểu Tuấn đề nghị Bộ trưởng cho biết đánh giá của các tổ chức quốc tế về xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam đến nay? Đâu là điểm mạnh trong hệ số tín nhiệm quốc gia? Chính phủ có giải pháp gì để cải thiện mức tín nhiệm quốc gia?
Trả lời đại biểu Tuấn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết thời gian qua tín nhiệm quốc gia Việt nam được thế giới đánh giá cao. Nếu như một số quốc gia bị hạ điểm thì Việt Nam được đánh giá nâng hạng với mức “triển vọng và ổn định”, hay BB+. Điều này tạo niềm tin cho các quỹ tài chính, quỹ đầu tư đổ tiền vào nền kinh tế và thúc đẩy phát triển.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết thêm, vừa qua trong chuyến công tác tại Mỹ có làm việc với các tổ chức (ví dụ Moody's) và họ đều đánh giá cao thị trường tài chính Việt Nam, tin tưởng vào sự năng động phát triển của Việt Nam.
Đặc biệt các tổ chức này có đặt ra các câu hỏi về giải quyết vấn đề nợ tín dụng, nợ xấu tăng cao, nợ trái phiếu quá hạn, giải ngân đầu tư công, quan điểm về xử lý thị trường bất động sản… và đều hài lòng và tin tưởng về những giải pháp đề ra của Việt Nam.
Còn lãng phí lớn trong đầu tư công
Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre) cho biết, thực hiện Nghị quyết số 74 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 53 để triển khai.
Tuy nhiên, cử tri cho rằng hiện nay đầu tư công chưa thật sự tiết kiệm mà thậm chí còn lãng phí rất lớn. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết suy nghĩ như thế nào về nhận định và ý kiến này của cử tri? Với trách nhiệm tham mưu cho Chính phủ trên lĩnh vực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, bộ trưởng có những giải pháp gì để nâng cao hiệu quả, giảm tình trạng lãng phí trong đầu tư công?
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng qua nghiên cứu định mức xây dựng đối với một số công trình giao thông, kiến trúc cho thấy không thấy lãng phí mà nhiều định mức thấp hơn so với chi phí như định mức nhân công.
“Lãng phí đầu tư công không phải ở định mức mà là ở quá trình triển khai như để công trình chậm đưa vào sử dụng, vốn chờ công trình hay công trình chờ vốn... Các định mức đối với công trình xây dựng cơ bản được triển khai nhiều năm, qua nhiều công trình đều bảo đảm chặt chẽ”, Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu rõ.
Về tiết kiệm trong đầu tư công, đăng đàn tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng bày tỏ đồng tình với Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Theo đó, về vấn đề đầu tư công, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thất thoát. Có thể từ khâu lựa chọn dự án, có thể do quy mô của dự án không được xác định rõ ràng, hoàn chỉnh ngay từ đầu; công tác chuẩn bị đầu tư, nếu khảo sát tốt thì quá trình triển khai sẽ nhanh hơn, không bị tăng chi phí.
Ngoài ra, còn nhiều lý do từ các khâu thiết kế, khảo sát thiết kế, tổ chức thực hiện, khiến kéo dài dự án, giảm hiệu quả tiết kiệm trong đầu tư công.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận