24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyễn Phương Ly
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Bộ trưởng Tài chính nêu lý do 'một triệu tỷ đồng ngân quỹ gửi ngân hàng'

Giải ngân đầu tư công chậm nên tiền ngân quỹ buộc phải gửi tại ngân hàng với lãi suất thấp, theo Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc.

Thảo luận tại tổ về kinh tế xã hội ngày 25/5, ông Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch thường trực tỉnh Quảng Trị nêu bất cập về tồn đọng ngân quỹ quốc gia. Theo ông, tồn dư ngân quỹ nhà nước đang gửi ở hệ thống ngân hàng hiện đã vượt hơn một triệu tỷ đồng.

"Đây là một vấn đề nhức nhối khi nước ta còn nghèo, luôn thiếu vốn cho đầu tư phát triển nhưng lại phải đối mặt với một nghịch lý "tiền sẵn trong túi mà không tiêu được", Phó chủ tịch tỉnh Quảng Trị nói.

Ông ví đây là "cục máu đông" gây tắc nghẽn dòng tiền trong nền kinh tế. Bởi tiền thuế, phí của doanh nghiệp và người dân nộp về Kho bạc Nhà nước lại "đắp chiếu" ở Ngân hàng Nhà nước và không quay lại được nền kinh tế do sự tắc nghẽn ở kênh giải ngân đầu tư công.

Chia sẻ bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc thừa nhận thực trạng này. "Do nghẽn giải ngân vốn đầu tư công nên Bộ Tài chính phải gửi tiền ngân quỹ tại Ngân hàng Nhà nước, với lãi suất 0,8% một năm", ông Phớc nói với VnExpress.

Theo ông, nguyên nhân dẫn tới điểm nghẽn này do giải ngân vốn đầu tư công chậm, chủ yếu do khâu chuẩn bị dự án.

Bộ trưởng Tài chính nêu lý do 'một triệu tỷ đồng ngân quỹ gửi ngân hàng'

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc chia sẻ bên hành lang Quốc hội ngày 25/5. Ảnh: Anh Minh

Đầu tư công - vốn được coi là nguồn lực dẫn dắt cho đầu tư tư nhân phát triển - hiện giải ngân rất thấp. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng đạt gần 14,7% kế hoạch năm. Mức này mới đạt gần 15,7% kế hoạch Thủ tướng giao và thấp hơn cùng kỳ 2022 (18,48%).

Theo Luật Đầu tư công, có tiền mới được lập dự án, có dự án mới được bố trí tiền, nhưng khi khâu chuẩn bị dự án bị "tắc" dẫn tới các khâu tiếp theo như giải ngân vốn không thực hiện được, cũng như không phân bổ hết kế hoạch vốn được giao. Điều này dẫn tới thực trạng "vốn chờ dự án đủ thủ tục".

Ông Phớc phân tích thêm, xây dựng cơ bản gồm ba khâu là chuẩn bị đầu tư (lập dự án, thiết kế kỹ thuật, lập dự án, công tác mời thầu, đấu thầu, giải phóng mặt bằng); thực hiện đầu tư và quyết toán.

Khâu vướng mắc nhất trong các dự án đầu tư công hiện nay là chuẩn bị đầu tư. Theo đó, khi dự án được phê duyệt mới đền bù giải phóng mặt bằng, mà khâu này thường chậm nên kéo dài thời gian chuẩn bị đầu tư. Đây cũng là lý do dẫn tới tình trạng "vốn chờ dự án đủ thủ tục", khiến khoản tiền chuẩn bị cho giải ngân, quyết toán bị "nghẽn".

Bối cảnh kinh tế khó khăn, tổng cầu (tiêu dùng xã hội, đầu tư tư nhân) giảm, theo ông cần có giải pháp tăng tổng cầu để kích thích kinh tế. Đầu tư công được giải ngân sẽ thúc đẩy kinh tế xã hội, các ngành nghề được thụ hưởng và dẫn dắt đầu tư tư nhân. "Phải sửa luật, có thể dùng một luật để sửa nhiều luật, trong đó sửa Luật Đầu tư công mới có thể khắc phục tình trạng này", ông Phớc nói.

Cơ chế hiện nay cho phép Kho bạc Nhà nước được tối ưu hóa nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi, song ông Hà Sỹ Đồng đặt vấn đề về sự phối hợp giữa chính sách tài khóa và tiền tệ chưa thực sự tốt.

Tương tự, ông Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân, Ủy ban Tài chính ngân sách nói "rất lo ngại khi tiền trong ngân quỹ có mà không tiêu được do tắc nghẽn giải ngân vốn công".

Góp ý kiến, ông Nguyễn Đại Thắng, Phó trưởng đoàn chuyên trách tỉnh Hưng Yên đề nghị Chính phủ cần có giải pháp căn cơ hơn tháo gỡ khó khăn điểm nghẽn, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong giải ngân vốn đầu tư công và điều chuyển vốn từ nơi chậm giải ngân sang nơi cần vốn, giải ngân tốt hơn.

Còn ông Hoàng Văn Cường cho rằng Chính phủ cần có giải pháp mạnh tay hơn, chẳng hạn điều chuyển, xử lý cán bộ không thực hiện hết chức trách nhiệm vụ. "Nếu chỉ xử lý bằng các biện pháp hành chính sẽ khó giải quyết được thực tế hiện nay, bởi tâm lý e sợ, lo ngại trong thực thi công vụ phá phổ biến", ông nói.

Ngược lại, ông Cường cho rằng cũng cần cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám vượt qua rào cản vì mục tiêu công việc, lợi ích chung để không bị kết vào sai phạm.

"Tôi nghĩ rất cần có nghị quyết của Quốc hội cho phép các cơ quan thực thi công vụ được quyền hành động trong khuôn khổ, để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm", ông chốt lại.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả