Bộ trường Tài chính Mỹ: Sẽ không giải cứu SVB, chỉ hỗ trợ người gửi tiền
Trong ngày 12/03, Bộ trường Tài chính Janet Yellen cho biết Chính phủ Mỹ đang phối hợp chặt chẽ với giới chức ngân hàng để hỗ trợ cho người gửi tiền ở Silicon Valley Bank (SVB), nhưng bác bỏ ý tưởng giải cứu ngân hàng này.
Trao đổi với CBS trong ngày 12/03, vị quan chức Mỹ ra sức trấn an những người gửi tiền vào SVB rằng Chính phủ đang bàn về các chính sách để hạn chế tác động từ vụ sụp đổ của SVB. Công ty Bảo hiểm Ký thác Liên bang Mỹ (FDIC) đã tiếp quản ngân hàng này trong ngày 10/03.
"Để tôi nói rõ là trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009, có những nhà đầu tư và chủ các ngân hàng lớn (có thể gây ra rủi ro lây lan) đã được giải cứu. Sau đó, các cuộc cải tổ đã diễn ra và điều này có nghĩa chúng ta sẽ không làm như thế một lần nữa", bà Yellen nói.
"Tuy nhiên, chúng tôi lo lắng về người gửi tiền và tập trung để giải quyết nhu cầu của họ".
Silicon Valley Bank: Đế chế hơn 40 năm sụp đổ trong 48 giờ
Cơ quan nhà quản lý đã yêu cầu SVB ngừng hoạt động vào ngày 10/3, đồng thời tịch thu các khoản tiền gửi của họ, gây ra vụ sụp đổ lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và lớn thứ hai trong lịch sử giới nhà băng Mỹ.
48 giờ lụi tàn của SVB bắt đầu vào cuối ngày 08/03, khi ngân hàng này gây sốc cho giới đầu tư với thông tin rằng họ cần huy động 2.25 tỷ USD để củng cố bảng cân đối kế toán. Ngay sau đó là sự sụp đổ nhanh chóng của một ngân hàng vốn rất được kính trọng, đã phát triển cùng với các doanh nghiệp công nghệ của mình. Các thành viên của cộng đồng đầu tư mạo hiểm bắt đầu than thở về vai trò của các nhà đầu tư khác trong sự sụp đổ của SVB.
Những gì diễn ra với SVB trong 48 giờ qua chính là hậu quả của đợt tăng lãi suất mạnh nhất 4 thập kỷ qua nhằm ngăn chặn lạm phát của Fed. Tác động có thể lan rộng hơn nữa, với những lo ngại cho rằng giới startup sẽ không có tiền trả lương cho nhân viên trong thời gian tới, các nhà đầu tư mạo hiểm có thể gặp khó trong việc huy động vốn và lĩnh vực ngân hàng vốn đã bị vùi dập có thể phải đối mặt với khủng hoảng sâu rộng hơn.
Nguồn gốc cho sự sụp đổ của SVB bắt nguồn từ sự hỗn loạn do làn sóng tăng lãi suất gây nên. Khi các khách hàng startup rút tiền gửi để duy trì hoạt động trong môi trường IPO và huy động vốn tư nhân bị đóng băng, SVB bắt đầu nhận ra tình trạng thiếu vốn. Ngân hàng này buộc phải bán tất cả trái phiếu sẵn sàng để bán với khoản lỗ 1.8 tỷ USD, SVB cho biết vào cuối ngày 08/03.
Nhu cầu đột ngột về nguồn vốn mới, đặc biệt là sau sự sụp đổ của ngân hàng Silvergate trong lĩnh vực tiền điện tử, đã gây ra làn sóng rút tiền gửi khác vào ngày 09/03. Khi đó, các quỹ đầu tư mạo hiểm đã khuyến nghị những công ty thuộc danh mục đầu tư của họ rút tiền, theo những người có kiến thức về vấn đề này.
Các khách hàng của SVB cho biết giám đốc điều hành Greg Becker đã không tạo được niềm tin khi kêu gọi họ giữ bình tĩnh vào chiều ngày 09/03.
Kết quả, khách hàng đã rút một khoản tiền gửi đáng kinh ngạc là 42 tỷ USD tính đến cuối ngày 09/03, theo một hồ sơ công khai. Cơ quan quản lý cho biết vào cuối ngày hôm đó, SVB có số dư tiền mặt là âm 958 triệu USD, và không thể huy động đủ tài sản thế chấp từ các nguồn khác.
Theo Ryan Falvey, một cựu nhân viên của SVB và hiện là nhà đầu tư fintech tại Restive Ventures, bản chất liên kết chặt chẽ của cộng đồng đầu tư công nghệ chính là lý do dẫn đến sự sụp đổ đột ngột của ngân hàng Mỹ này. “Làn sóng rút vốn khỏi SVB được gây ra bởi chính giới đầu tư mạo hiểm. Nói cách khác, đây là trường hợp gậy ông đập lưng ông”, ông nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận