Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: ‘Sân bay Long Thành chậm triển khai vì phải làm trình tự theo luật’
Tại phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2018-2019 diễn ra hôm nay (22/5), Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đã lý giải về dự án sân bay Long Thanh chậm triển khai dù được bố trí vốn.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, vấn đề hạ tầng giao thông cần phải xem xét lại nhiều vấn đề, đặc biệt là theo quy định của Luật Đầu tư công. Hiện nay, Luật Đầu tư công yêu cầu khi Quốc hội bố trí nguồn vốn rồi mới triển khai các công việc tiếp theo, dẫn tới giao vốn nhưng giải ngân khó.
Ông Thể lấy ví dụ như khi xây dựng sân bay Long Thành, từ khi Quốc hội đồng ý chủ trương bố trí vốn, theo trình tự đầu tư công phải trải qua thi tuyển kiến trúc, lập dự án, chọn nhà đầu tư... mất tới 3 năm.
“Mất 3 năm chỉ lo thủ tục, chưa nói giải phóng mặt bằng, việc bố trí như vậy có hợp lý hay không?", Bộ trưởng Thể nêu câu hỏi.
“Từ vấn đề sân bay Long Thành, nên chăng giữa nhiệm kỳ Quốc hội biểu quyết gói tín dụng cho nhà đầu tư dự án lớn, tức khi bố trí vốn triển khai đấu thầu, xây lắp làm ngay, chứ làm như hiện nay thì không giải ngân được”, tư lệnh ngành giao thông kiến nghị.
Bộ trưởng Giao thông vận tải cho biết cả nhiệm kỳ này, Bộ được giao 2 công trình trọng điểm quốc gia và đây cũng là 2 dự án duy nhất được Quốc hội biểu quyết. Đó là sân bay Long Thành và dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông.
Về tiến độ sân bay Long Thành, Bộ trưởng Thể thông tin đến nay đã bố trí ngân sách cho tỉnh Đồng Nai, đang triển khai kiểm đếm và phê duyệt. Theo đó, trong năm nay sẽ sử dụng một phần ngân sách để tiến hành giải phóng mặt bằng.
Bộ Giao thông vận tải cũng đã thực hiện đấu thầu quốc tế, dự kiến tháng 6 trình Chính phủ, thành lập Hội đồng thẩm định kế hoạch quốc gia. Dự kiến đến tháng 10/2019 sẽ trình dự án tổng thể để Quốc hội xem xét cho ý kiến.
Tuy nhiên, ông Thể cũng cho biết các bước làm thủ tục thực hiện đúng quy định của luật nên không thể triển khai dự án sân bay Long Thành sớm hơn.
Còn dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Bộ trưởng cũng cho biết tháng 10/2018 đã phê duyệt nhà thầu, thống nhất với địa phương về quy mô, tiền giải phóng mặt bằng, phương án giải phóng và Chính phủ cho chủ trương.
Đến nay, 11 dự án thành phần đã có tư vấn thiết kế toàn bộ, 3 dự án sử dụng vốn đầu tư công toàn bộ và đang đấu thầu. Từ tháng 7 sẽ khởi công toàn bộ các gói thầu. Riêng dự án cầu Mỹ Thuận 2 sẽ được chuyển sang đầu năm 2020.
8 dự án còn lại đầu tư theo hình thức PPP sẽ bàn giao mặt bằng cho địa phương và tập trung giải phóng mặt bằng. Bộ Giao thông vận tải cũng đang sơ tuyển nhà đầu tư và tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư với 170 nhà đầu tư tham gia.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận