Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Còn nhiều việc 'phải làm và muốn làm' trong năm 2020
“Trong hơn 2 năm vừa qua, mặc dù cá nhân tôi nỗ lực làm “đầu tàu” thế nhưng mới chỉ ở mức hoàn thành nhiệm vụ Đảng, Quốc hội, Chính phủ giao, còn rất nhiều việc tôi phải làm và muốn làm trong năm 2020”.
Đây là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể trong những ngày cuối năm 2019 về những khó khăn, những vấn đề còn tồn tại và cả những mục tiêu trong năm đầu tiên của thập kỷ mới.
- Năm 2019 là một năm đánh dấu nhiều sự kiện quan trọng của ngành giao thông như việc Quốc hội quyết đầu tư 4,7 tỷ USD xây sân bay Long Thành hay việc phát huy nội lực trong nước làm cao tốc Bắc - Nam. Là người đứng đầu Bộ GTVT, Bộ trưởng nhận định thế nào về những kết quả đã đạt được trong năm vừa qua?
An toàn giao thông là một trong những điểm sáng của năm nay, đạt Nghị quyết của Chính phủ khi cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết, số người bị thương vì tai nạn giao thông năm 2019 giảm trên 5%, là một trong những năm có tỷ lệ giảm đều ở cả 3 lĩnh vực tương đối tốt.
Thêm vào đó, ngày 30/12/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định 100/2019/NĐ-CP thay thế hoàn toàn Nghị định 46/2016/NĐ-CP và có hiệu lực từ 1/1/2020. Nghị định đưa ra quy định mới nhằm hiện thực hóa quy định cấm người đã uống rượu, bia rồi mà còn tham gia giao thông tại Luật phòng chống tác hại của rượu, bia 2019. Người nào chỉ cần uống rượu, bia (dù uống ít) mà điều khiển xe mô tô, xe gắn máy cũng bị xử phạt. Đây cũng là lần đầu tiên quy định xử phạt người uống rượu, bia mà còn lái xe đạp tham gia giao thông.
Có thể thấy, Nghị định 100 đã đạt được sự đồng thuận rất lớn từ người dân, nhất là trong những ngày cuối năm cận Tết Nguyên đán này. Theo số liệu của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, tháng 1/2020 (15/12/2019 - 14/1/2020) toàn quốc xảy ra 1.300 vụ tai nạn giao thông, làm chết 591 người, bị thương 968 người. Con số này so với cùng kỳ năm 2019 đã giảm được 227 vụ tai nạn giao thông (-14,87%), giảm 138 người chết và giảm 169 người bị thương.
Về các dự án trọng điểm, ngành giao thông cũng có 2 dấu ấn quan trọng trong năm 2019.
Ngày 26/11 vừa qua, Quốc hội khoá XIV bấm nút thông qua Nghị quyết về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành (CHK Long Thành) giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư 4,779 tỷ USD. Có thể thấy, việc báo cáo nghiên cứu khả thi được thông qua là bước tiến dài sau nhiều năm chuẩn bị dự án, bởi chủ trương đầu tư đã được Quốc hội thông qua từ năm 2015.
Đặc biệt, năm 2019, một trong những quyết định nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của người dân và doanh nghiệp trong nước là việc Bộ GTVT tiến hành hủy sơ tuyển theo hình thức đấu thầu quốc tế để chuyển sang đấu thầu rộng rãi trong nước nhằm lựa chọn nhà đầu tư 8 dự án đối tác công-tư (PPP) cao tốc Bắc - Nam. Dù vẫn còn nhiều khó khăn liên quan đến vốn tín dụng, nhưng việc đấu thầu trong nước không những tạo điều kiện cho doanh nghiệp nội, còn góp phần thúc đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án.
Mới đây nhất, ngày 17/1 vừa qua Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Nghị định 10 thay thế Nghị định 86/2014 quy định điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô. Nghị định này sẽ tạo khung pháp lý ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực vận tải. Đồng thời, đưa ra khuôn khổ pháp lý để siết chặt hơn hoạt động vận tải, đặc biệt là để ngăn chặn tình trạng “xe dù, bến cóc”.
Đây là Nghị định Bộ GTVT xây dựng nhận được sự quan tâm nhiều nhất từ trước đến nay của người dân và doanh nghiệp. Chúng tôi nhất quán tinh thần xây dựng Nghị định này trên cơ sở nói “không!” với quan điểm “không quản được thì cấm”, hướng đến việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp được làm những gì mà pháp luật không cấm.
Tuyệt đối không để xảy ra sai phạm
- Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Giao thông là mạch máu của tổ chức. Giao thông tốt thì mọi việc dễ dàng. Giao thông xấu thì các việc đình trệ”. Không thể phủ nhận ngành giao thông là một ngành “nóng” và chưa bao giờ thôi nhận được sự quan tâm từ người dân, doanh nghiệp. Bộ trưởng có thể chia sẻ với Báo điện tử Chính phủ những tâm tư trong nửa nhiệm kỳ ngồi ghế “nóng” không?
Ngày 26/10/2017 tôi được Quốc hội tin tưởng phê chuẩn đề xuất của Thủ tướng Chính phủ để tôi nhận nhiệm vụ Bộ trưởng Bộ GTVT. Tôi hiểu đây vừa là vinh dự vừa là trách nhiệm to lớn mà Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân tin tưởng giao cho tôi trong giai đoạn hiện nay. Tôi hiểu rằng giao thông luôn phải đi trước một bước để mở đường, tạo đột phá phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và sự phát triển bền vững của đất nước.
Thực hiện nhiệm vụ này trong điều kiện ngân sách Nhà nước và đầu tư công rất eo hẹp, nợ công đang ở mức cao, nguồn vốn vay ODA và huy động từ xã hội rất khó khăn là thách thức rất lớn cho bản thân tôi và ngành giao thông vận tải. Phải nói rằng, thời gian hơn 2 năm vừa qua với cá nhân tôi và với tập thể cán bộ của Bộ GTVT là giai đoạn khó khăn, các anh em trong ngành đều đang chịu áp lực rất lớn.
Thứ nhất, tôi hiểu rằng nhu cầu phát triển giao thông ở các địa phương rất lớn, địa phương nào cũng đề xuất dự án giao thông từ đường sắt, cao tốc, sân bay… tất cả những đề xuất địa phương nêu đều chính đáng bởi giao thông có phát triển thì mới kéo theo kinh tế phát triển. Nhưng Bộ GTVT gần như không thể chấp thuận bởi ngân sách giai đoạn này đã được phân bổ từ năm 2016. Đề xuất hợp lý, chính đáng nhưng vốn không có, nguồn lực hạn chế nên không thể giúp cho địa phương. Bản thân tôi luôn cảm thấy có lỗi với địa phương, với nhân dân vì điều này.
Thứ hai, giai đoạn 2018-2019 nhiều dự án của ngành giao thông được thanh tra, kiểm tra và nhiều vấn đề phát sinh. Ví dụ như 6 tháng đầu năm 2018 Ủy ban Kiểm tra Trung ương giám sát việc triển khai Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, cuối năm 2018 là kiểm tra về cổ phần hóa các doanh nghiệp thuộc Bộ GTVT. Trong suốt thời gian này toàn bộ các đơn vị của Bộ GTVT phải dồn lực tập trung vào việc phục vụ cho cơ quan điều tra đồng thời vẫn phải triển khai các dự án đang có và các dự án sắp thực hiện.
Hiện tại, như các cơ quan truyền thông đã thông tin, một số cá nhân liên quan đến sai phạm tại cao tốc Quảng Ngãi - Đà Nẵng đã bị khởi tố. Còn những dự án liên quan đến cá nhân ông Đinh Ngọc Hệ (Út Trọc) đều đang được điều tra. Việc kiểm tra, thanh tra hoàn toàn đúng với quy định của pháp luật tuy nhiên đã vô hình chung gây áp lực về khối lượng công việc cũng như tâm lý cho anh em cán bộ bởi chúng tôi 24/24 luôn sẵn sàng cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra.
Thứ ba, hai dự án trọng điểm của ngành giao thông vận tải là cao tốc Bắc - Nam và sân bay Long Thành đều đang trong giai đoạn “chạy nước rút” để khởi công kịp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tôi luôn luôn nhắc nhở anh em cán bộ rằng, cần phải nỗ lực thực hiện để hoàn thành nhiệm vụ Quốc hội, Chính phủ giao, phải làm sao cho đúng quy định pháp luật, tuyệt đối không để xảy ra bất cứ sai phạm gì.
Trong hơn 2 năm vừa qua, mặc dù cá nhân tôi rất nỗ lực làm “đầu tàu” thế nhưng mới chỉ ở mức hoàn thành nhiệm vụ, còn rất nhiều việc tôi phải làm và muốn làm trong năm 2020. Là người đứng đầu ngành giao thông, tôi mong rằng Đảng và Nhà nước tiếp tục dành sự quan tâm thỏa đáng cho ngành giao thông để chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ “giao thông đi trước mở đường” với nhân dân.
Xây dựng cơ bản là trọng tâm
- Bộ trưởng vừa nói năm 2020 còn nhiều việc “phải làm và muốn làm”. Xin Bộ trưởng cho biết những nhiệm vụ trong năm tới là gì?
Có thể nói, năm 2020 là năm có nhiều thuận lợi hơn với ngành giao thông vận tải.
Thứ nhất, Chính phủ tập trung vào khâu điều hành thể chế và xem đây là nhiệm vụ trọng tâm. Nếu thực hiện được, thì hoạt động của các lĩnh vực, trong đó có ngành giao thông sẽ thuận lợi rất nhiều bởi chúng tôi sẽ không còn những dự án “trình tới, trình lui” do vấp phải nhiều "vòng kim cô" của các Luật, Nghị định khác.
Thứ hai, Bộ GTVT sẽ tập trung vào công tác xây dựng cơ bản. Đầu năm 2020, Luật Đầu tư công sửa đổi có hiệu lực ban hành, Chính phủ phân cấp cho các Bộ ngành, địa phương. Năm 2020, Bộ GTVT đăng ký hơn 35.000 tỷ đồng cho công tác xây dựng cơ bản. Hằng tháng, Bộ sẽ kiểm điểm tiến độ, được quyền điều chỉnh nguồn lực cho những dự án có danh mục tiến độ tốt và ngược lại dự án vướng mặt bằng, thủ tục, các vấn đề khách quan sẽ tự điều chỉnh giảm vốn.
Như vậy, công tác điều hành xây dựng cơ bản chắc sẽ tạo bước đột phá lớn để làm sao sử dụng hết vốn, thực hiện các công trình nhanh nhất xây dựng cơ bản. Hiện nay, Bộ GTVT đang phải báo cáo lên Bộ Kế hoạch và Đầu tư sau đó tổng hợp rồi định kỳ báo cáo Thủ tướng ký điều chỉnh vốn nên thủ tục rất chậm.
Thứ ba, hoạt động vận tải sẽ đi vào nề nếp hơn rất nhiều nhờ Nghị định 100/2019/NĐ-CP thay thế hoàn toàn Nghị định 46/2016/NĐ-CP và có hiệu lực từ 1/1/2020 và Nghị định 10 thay thế Nghị định 86/2014 quy định điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô sẽ xử lý nghiêm các vi phạm của tài xế, doanh nghiệp, nhằm mục tiêu tiếp tục kéo giảm những thương vong do tai nạn giao thông gây ra.
Thứ tư, với dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Bộ đã tham mưu, báo cáo Thủ tướng đầu năm 2020 lựa chọn nhà đầu tư, thẩm định phê duyệt đầu tư, phối hợp với tỉnh Đồng Nai thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng để đủ điều kiện 2021 khởi công.
Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Bộ cố gắng hết Quý 1/2020 mở thầu chính thức lựa chọn nhà đầu tư, tháng 5/2020 chọn xong nhà đầu tư. Với những dự án không có nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển, theo Nghị quyết Quốc hội hoặc là sẽ tiếp tục đấu thầu PPP, hoặc sử dụng vốn ngân sách đầu tư xong bán quyền thu phí cho doanh nghiệp để lấy tiền đầu tư các dự án khác hoặc Quốc hội cho chủ trương phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu công trình để thực hiện dự án vì không huy động được vốn xã hội. Ngành giao thông sẽ bám sát kế hoạch, tiến độ các dự án này để sớm đưa công trình về đích theo đúng tiến độ phê duyệt đồng thời chú trọng đến chất lượng công trình.
Thứ năm, Bộ GTVT sẽ có đợt tái cơ cấu nội bộ ngành, công tác điều động luân chuyển để cán bộ trẻ đảm nhiệm chức vụ, lĩnh vực mới của ngành giao thông vận tải tạo điều kiện để đào tạo nguồn lực cho tương lai.
Cảm ơn Bộ trưởng!
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận