Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cam kết hoàn thành 3 dự án cao tốc Bắc - Nam xin chuyển đầu tư công năm 2022
3 dự án chuyển đổi sang đầu tư công sẽ rút ngắn tiến độ được 1 năm so với các dự án triển khai theo hình thức PPP.
Thừa ủy quyền Thủ tướng trình bày Tờ trình trước Quốc hội sáng nay, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể thay mặt Chính phủ kiến nghị Quốc hội, xem xét, quyết định chuyển đổi hình thức đầu tư từ hình thức thức PPP sang đầu tư công sử dụng 100% vốn đầu tư công đối với 3 dự án đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây.
Cùng với đó, điều chỉnh tổng mức đầu tư và nguồn vốn của cả 8 dự án là 100.816 tỷ đồng. Trong đó, vốn NSNN là 78.461 tỷ đồng, gồm: 55.000 tỷ đồng đã bố trí theo Nghị quyết số 52/2017/QH14; phần vốn còn thiếu (23.461 tỷ đồng) giao Chính phủ tổng hợp, báo cáo Quốc hội quyết định theo quy định của Luật Đầu tư công. Vốn huy động ngoài ngân sách là 22.355 tỷ đồng.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng kiến nghị Quốc hội giao Chính phủ tổ chức triển khai thực hiện toàn bộ các dự án thành phần bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật.
“Bảo đảm tiến độ hoàn thành các dự án thành phần đầu tư công sử dụng 100% vốn đầu tư công trong năm 2022, riêng dự án cầu Mỹ Thuận 2 hoàn thành trong năm 2023; hoàn thành các dự án thành phần đầu tư theo hình thức PPP trong năm 2023”, Bộ trưởng Thể nói.
Nếu được Quốc hội giao, Bộ trưởng Bộ GTVT cam kết, Chính phủ sẽ điều hành kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2020 đảm bảo bố trí đủ nhu cầu vốn để triển khai toàn bộ các dự án thành phần của dự án; chịu trách nhiệm bố trí vốn của Kế hoạch đầu tư công trung hạn và kế hoạch vốn hằng năm cho đến khi dự án hoàn thành.
Cùng với đó, xây dựng phương án thu phí để thu hồi vốn Nhà nước tại các dự án thành phần đầu tư công sử dụng 100% vốn đầu tư công, quyết định theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định đối với những nội dung vượt thẩm quyền.
Thẩm tra nội dung trên, đa số ý kiến thành viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cơ bản nhất trí với sự cần thiết phải điều chỉnh như Chính phủ trình.
Cơ quan thẩm tra cũng nêu rõ quan điểm cần tiếp tục thực hiện đầu tư theo phương thức PPP đối với 5 dự án thành phần còn lại để nhất quán trong thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, bảo đảm tính hiệu quả, thành công cho Dự án, đồng thời tạo điều kiện tối đa cơ hội đầu tư, kinh doanh cho khu vực tư nhân, dành ngân sách nhà nước bố trí cho các nhu cầu thiết yếu, cấp bách khác.
Tuy vậy, không phải tất cả các ý kiến đều đồng tình với tờ trình của Chính phủ. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, một số ý kiến tại Ủy ban đề nghị chỉ nên chuyển đổi dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết là dự án không có nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển, đối với các dự án còn lại cần tiếp tục thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo đúng Nghị quyết 52.
Theo các ý kiến này thì, tại kỳ họp thứ 8, Chính phủ đã trình Quốc hội dự án Luật PPP nhằm tạo cơ chế huy động các nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng, nhưng nay lại đề xuất chuyển đổi một số dự án PPP là mâu thuẫn với mục tiêu xây dựng dự án Luật PPP, nhất là việc đề xuất nội dung này tại cùng kỳ họp xem xét thông qua dự án Luật PPP.
Mặt khác, việc lựa chọn dự án Mai Sơn - Quốc Lộ 45 và dự án Phan Thiết - Dầu Giây để chuyển đổi là chưa hợp lý vì 2 dự án này có tiềm năng, khả thi nhất để thực hiện theo hình thức PPP và đến nay đã được một số nhà đầu tư có tiềm lực quan tâm.
“Có ý kiến quan ngại việc điều chỉnh phương thức đầu tư đối với 2 dự án thành phần này sẽ ảnh hưởng tới việc thực hiện được chủ trương huy động các nguồn lực của xã hội để tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trong giai đoạn tới”, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cho biết.
Sau khi nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra, Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận tại tổ về nội dung trên ngay trong sáng 9/6.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận