Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long: Tăng cường phủ vaccine phòng COVID-19 càng nhanh càng tốt
Tiếp tục Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã dẫn cảnh báo và nhận định của Tổ chức Y tế Thế giới, hy vọng đến năm 2023, COVID-19 trở thành bệnh tương tự cúm mùa.
Tiếp tục Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội về việc dự báo diễn biến dịch COVID-19, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã dẫn cảnh báo và nhận định của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hy vọng đến năm 2023, COVID-19 trở thành bệnh tương tự cúm mùa.
Công tác dự báo dịch bệnh còn nhiều tồn tại
Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về đánh giá công tác dự báo diễn biến dịch thời gian qua và dự báo diễn biến dịch tới năm 2022, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, dự báo dịch COVID-19 diễn biến rất khó khăn. Đến nay, hầu hết các nước trên thế giới chưa có dự báo mang tính dài hạn. WHO chỉ đưa ra khuyến cáo chung, đại dịch không thể kết thúc trong năm 2022 mà hy vọng đến năm 2023, COVID-19 trở thành bệnh tương tự cúm mùa.
“Trong khi một số nước đưa ra những dự báo mang tính ngắn hạn bởi đại dịch COVID-19 chưa có trong tiền lệ và liên tục có những biến chủng thay đổi. Trước đây, chủng gốc chỉ có tốc độ lây lan vừa phải. Tuy nhiên, biến chủng Delta có tốc độ lây lan rất nhanh và mạnh nên việc dự báo rất khó khăn”, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, trong báo cáo gửi Trung ương, Bộ Y tế đã thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, chưa đúng, chưa sát thực tế trong dự báo tình hình ở các địa phương cũng như các đơn vị Trung ương. Thời gian tới, Bộ sẽ làm việc với WHO để có thêm kinh nghiệm trong dự báo về tình hình dịch bệnh.
Trong thời gian qua, khi cả nước chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, dịch bệnh có dấu hiệu gia tăng trở lại ở một số địa phương.
Vì vậy Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế và các đơn vị chức năng đã tiếp tục có những chỉ đạo đối với các địa phương nhằm tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch.
Dự báo từ này đến cuối năm, tình hình dịch sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp bởi hiện nay cả nước đã gần như trở lại trạng thái bình thường mới, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khuyến cáo tình trạng xuất hiện tâm lý chủ quan, đặc biệt có một bộ phận người dân đã không áp dụng những biện pháp khuyến cáo của cơ quan y tế, trong đó, quan trọng nhất là thông điệp 5K.
“Cùng với đó còn một số nguyên nhân khác như vấn đề thời tiết, nhất là khí hậu lạnh ở miền Bắc hay thời điểm Tết thường có những hoạt động tập thể đông người, Bộ Y tế hết sức lưu các địa phương phải quan tâm công tác phòng, chống dịch từ nay đến cuối năm và vào đầu năm 2022. Với các địa phương phải tăng cường phủ vaccine phòng COVID-19 càng nhanh càng tốt”, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết.
Kỳ vọng vào việc sẽ sớm có vaccine của Việt Nam
Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội về vấn đề về vaccine và trách nhiệm của Bộ Y tế trong việc triển khai tiêm vaccine, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, trong thời gian qua dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và các bộ, ban, ngành, Chiến lược vaccine đã được triển khai đồng bộ, thành công trên 3 mặt.
Cụ thể, về vấn đề mua, nhập khẩu vaccine, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, đến nay, Việt Nam đã mua, nhập khẩu có các hợp đồng, cam kết, thỏa thuận cung ứng lên tới gần 200 triệu liều vaccine và con số này có thể cao hơn trong thời gian tới. Bên cạnh đó, Việt Nam đã thúc đẩy Chiến lược ngoại giao vaccine. Tất cả các lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã tập trung chỉ đạo và trao đổi, thương thuyết với các nước, các công ty, đơn vị cung ứng vaccine nhằm tăng cường số lượng vaccine nhanh nhất và nhiều nhất.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, chúng ta đã triển khai tự chủ đối với vaccine qua việc nghiên cứu sản xuất, chuyển giao công nghệ… Hiện đã có đơn vị trong nước tự nghiên cứu, sản xuất và có khả năng sẽ được cấp phép trong thời gian tới.
Hiện cũng đã có 2 đơn vị chuyển giao công nghệ: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Vaccine và Sinh phẩm Số 1 (VABIOTECH) và Tập đoàn Vingroup (đã triển khai thử nghiệm giai đoạn 3 và tới đây sẽ trình cấp phép).
Trong chiến lược vaccine, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh Việt Nam đã triển khai chiến dịch tiêm chủng trên quy mô lớn nhất từ trước đến nay và đến thời điểm hiện nay, chúng ta đã tiêm được cho hơn 90 triệu liều vaccine.
Bộ Y tế cho biết, dựa trên Nghị quyết 21/NQ-CP của Chính phủ, việc phân bổ vaccine theo những yếu tố nguy cơ, tình hình dịch và theo địa bàn. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, theo quan điểm chung và chỉ đạo chung của Bộ Y tế, đặc biệt theo Nghị quyết 128/NQ-CP, Bộ Y tế đã có chỉ đạo các địa phương phải đẩy nhanh tốc độ tiêm mũi 1; đồng thời tiêm trả mũi 2.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, lượng vaccine hoàn toàn đảm bảo đủ tiêm 2 mũi cho người dân từ 18 tuổi trở và cũng đảm bảo tiêm đủ 2 mũi cho người từ 12 tuổi trở lên. Còn đối với mũi 3, đến cuối năm nay mới có kế hoạch để tiêm. Trước việc một vài địa phương đưa ra những tuyên bố sẽ tiêm mũi 3, Bộ Y tế đề nghị các địa phương phải theo hướng dẫn chung, để đảm bảo công bằng nhất định đối với việc phân bổ vaccine.
“Tất nhiên, không thể đảm bảo hết được bởi vì có những địa bàn rất nóng, rất căng do dịch bệnh, cần phải cần phải dồn vaccine về cho địa bàn đó”, Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh.
Đối với câu hỏi của đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội) về thời điểm vaccine của Việt Nam sản xuất được phê duyệt và đưa vào sử dụng, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, Việt Nam hiện có hai đơn vị đã tiến hành nghiên cứu chế tạo vaccine và đang trong giai đoạn 3 của thử nghiệm lâm sàng.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, vấn đề cấp phép theo đúng các quy định, quy trình và trên một nguyên tắc là Bộ Y tế chỉ cắt ngắn những thủ tục về mặt hành chính, còn về mặt chuyên môn và về mặt an toàn phải đảm bảo tối đa. Bộ Y tế đã thành lập hai hội đồng, hoạt động tương đối độc lập là Hội đồng về y đức và Hội đồng về cấp phép.
Hiện nay, hai Hội đồng liên tục có những cuộc làm việc đối với các nhà sản xuất để bổ sung, tăng cường dữ liệu, đảm bảo đánh giá về mặt an toàn, hiệu quả để có thể cấp phép.
“Bộ Y tế kỳ vọng vào việc và sẽ sớm có vaccine của Việt Nam để chủ động trong nguồn cung. Về thời gian cụ thể, Bộ chờ đợi đối với việc hoạt động của hai Hội đồng, đồng thời rất tin tưởng đối với việc hoạt động của Hội đồng”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định.
Về cơ sở khoa học và hiệu quả vaccine, Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định vaccine đang được sử dụng hiện nay là an toàn và hiệu quả trong phòng bệnh và giảm ca nặng, hiệu quả về giảm ca nặng đã được chứng minh từ 93-96%./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận