24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Kim Oanh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Kinh tế tăng trưởng cao, kể cả ở một số địa phương chịu ảnh hưởng bão Yagi

Nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng cao trong quý III/2024. Đặc biệt, một số địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão lũ vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Khẳng định xu hướng phục hồi tích cực của nền kinh tế

Sáng 7/10, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương và phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 9/2024, để thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, tìm giải pháp tiếp tục thúc đẩy phát triển.

Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã một lần nữa khẳng định xu hướng phục hồi tích cực của nền kinh tế, dù vừa qua đã chịu những ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3 Yagi vừa qua.

“Tình hình kinh tế - xã hội tháng 9, quý III và 9 tháng tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng, đáng khích lệ”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh và chỉ ra 10 điểm được của kinh tế - xã hội trong 3 quý đầu năm.

Đáng chú ý trong đó, theo Bộ trưởng, là tăng trưởng GDP quý III ước đạt 7,4% so với cùng kỳ, cao hơn 0,7% so với kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP (6,7%), tương đương với kịch bản tăng trưởng cả năm 7% như đã báo cáo tại pshiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6.

Tính chung 9 tháng, tăng trưởng GDP đạt 6,82%. Trong đó, khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 3,2%, công nghiệp và xây dựng tăng 8,19%, dịch vụ tăng 6,95%.

Như vậy, dù gặp khó khăn do bão lũ, nền kinh tế vẫn đạt kết quả tích cực trong quý III và 9 tháng. Đáng chú ý, nhiều địa phương có tốc độ tăng trưởng cao, như Bắc Giang (13,89%), Thanh Hóa (12,46%), Lai Châu (11,63%), Hà Nam (10,89%)… Đặc biệt, một số địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão số 3 vẫn giữ được đà tăng trưởng cao, như Hải Phòng (9,77%), Quảng Ninh (8,02%), Phú Thọ (9,56%), Lào Cai (7,71%), Cao Bằng (7%), Yên Bái (7,15%)…

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Kinh tế tăng trưởng cao, kể cả ở một số địa phương chịu ảnh hưởng bão Yagi

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tiếp tục khẳng định xu thế phục hồi tích cực của nền kinh tế

“Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm; bội chi, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài trong giới hạn cho phép”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Cụ thể, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 9 tháng tăng 3,88% so với cùng kỳ trong bối cảnh đã thực hiện việc tăng lương từ ngày 1/7/2024 và điều chỉnh giá một số dịch vụ. Kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu, nhập khẩu 9 tháng tăng lần lượt 16,3%, 15,4% và 17,3% so với cùng kỳ; xuất siêu ước đạt 20,8 tỷ USD. Các cân đối lớn, an ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm, nhất là tại các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão lụt.

“Các động lực tăng trưởng từ phía cung tiếp tục chuyển biến tích cực. Các động lực tăng trưởng từ phía cầu phục hồi tích cực hơn”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Đây chính là những nhận định đã được Bộ trưởng nhấn mạnh nhiều trong thời gian gần đây. Dễ thấy, là cả sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi nhanh, là động lực dẫn dắt cho tăng trưởng kinh tế. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý III tăng 11,4% so với cùng kỳ, cao nhất từ năm 2019 đến nay; chỉ số tiêu thụ tăng 12,5%, tỷ lệ tồn kho giảm.

Trong khi đó, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội phục hồi qua từng quý, quý III tăng 7% so với cùng kỳ; 9 tháng tăng 6,8%, trong đó đầu tư tư nhân tăng 7,1% (cùng kỳ năm 2023 tăng 2,1%). Thu hút đầu tư tiếp tục là điểm sáng, với tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký trong 9 tháng đạt khoảng 24,8 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ, vốn đầu tư nước ngoài thực hiện khoảng 17,3 tỷ USD, tăng 8,9%...

Vượt khó khăn do bão lũ, quyết tâm đạt tăng trưởng cả năm hơn 7%

Mặc dù đánh giá cao những xu hướng tích cực của nền kinh tế, nhưng Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, nền kinh tế vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Đáng chú ý, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, là các động lực tăng trưởng còn nhiều khó khăn, thách thức, cần quyết liệt hơn nữa để cải thiện, tháo gỡ.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, bão số 3 đã ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp và du lịch tại miền Bắc, gây ngập úng, thiệt hại cho khoảng 384.800 ha lúa, hoa màu, cây ăn quả; khiến 35.000 ha nuôi trồng thủy sản và 11.800 lồng bè bị hư hỏng, cuốn trôi; nhiều cơ sở lưu trú, du lịch bị hư hỏng, phải đóng cửa để sửa chữa, có thể bỏ lỡ mùa khách du lịch cuối năm.

“Cần đẩy mạnh, tiếp tục triển khai hiệu quả, kịp thời các giải pháp hỗ trợ để người dân, doanh nghiệp sớm khôi phục hoạt động sản xuất - kinh doanh, hạn chế tác động tiêu cực đến tăng trưởng quý IV và đầu năm 2025”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng, bên cạnh những khó khăn ở phía cung, thì ở phía cầu, thách thức cũng là không nhỏ, nhất là khi tốc độ phục hồi đầu tư còn chậm; nguồn lực đầu tư của khu vực nhà nước chưa được thúc đẩy, kích hoạt một cách hiệu quả, 9 tháng chỉ tăng 4,1% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2023 tăng 15,9%).

Chưa kể, xuất khẩu dự báo có thể khó khăn hơn trong thời gian tới, nhất là từ đầu năm 2025, do tình hình thế giới khó lường, nhiều rủi ro, đặc biệt là xung đột tại Trung Đông, Ukraine…, việc điều chỉnh chính sách của một số nước lớn, đối tác quan trọng của Việt Nam, kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, tăng trưởng sức mua tại các thị trường Trung Quốc, Mỹ, EU… chậm lại…

“Do đó, thị trường trong nước sẽ là động lực ngày càng quan trọng, cần quan tâm hơn, thúc đẩy và khai thác hiệu quả hơn nữa để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, tăng cường khả năng chống chịu với các thách thức từ bên ngoài”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Vấn đề nằm ở chỗ, hiện nay, sức mua trong nước 9 tháng tăng thấp hơn cùng kỳ năm 2023 và giai đoạn 2015-2019; tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (nếu loại trừ yếu tố giá) chưa có nhiều chuyển biến rõ nét. Việc thực hiện mục tiêu thu hút 18 triệu lượt khách quốc tế năm 2024 còn nhiều khó khăn.

Chưa kể, thị trường bất động sản mặc dù đã có chuyển biến nhưng còn khó khăn; các vấn đề pháp lý tồn đọng của một số doanh nghiệp, dự án đầu tư chưa được giải quyết dứt điểm, dẫn đến nguồn lực đầu tư chưa được khai thác hiệu quả…

Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro, nhất là do các yếu tố bên ngoài. Áp lực lạm phát tiếp tục cần được theo dõi sát, nhất là biến động nguồn cung, giá dầu, hàng hóa thế giới. Tín dụng tăng trưởng chưa cao; khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu; áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp bất động sản lớn…

“Nền kinh tế đã lấy lại được đà tăng trưởng như giai đoạn trước dịch Covid-19, với nhiều điểm sáng, nhất là trong sản xuất công nghiệp, xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trước những biến động rất phức tạp, khó lường từ bên ngoài; trong khi động lực tăng trưởng từ thị trường trong nước chưa được thúc đẩy hiệu quả”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã nói như vậy.

Trong bối cảnh đó, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, các cấp, ngành, địa phương cần phối hợp chặt chẽ, chủ động, hiệu quả hơn nữa, phát huy tinh thần đột phá, đổi mới, sáng tạo để hoàn thành tốt nhất công việc được giao, thúc đẩy nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ hơn, phấn đấu tốc độ tăng trưởng cả năm đạt và vượt 7%.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả