Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Ba động lực tăng trưởng kinh tế đang hồi phục
Đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu - ba động lực quan trọng của nền kinh tế, sau thời gian giảm sâu hiện có xu hướng hồi phục trong tháng 10, theo Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư.
Thông tin này được Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu khi báo cáo Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 10, ngày 4/11.
Ông Dũng cho hay tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10 tăng 7%, tính chung 10 tháng tăng 9,4%. Hơn 15.400 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và 5.600 đơn vị quay lại hoạt động. Lũy kế 10 tháng, số doanh nghiệp hoạt động trở lại tăng 2,9%.
Vốn đầu tư từ ngân sách đạt 65,8% kế hoạch sau 10 tháng, tăng gần 23% so với cùng kỳ. Trong khi đó vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng tăng xấp xỉ 15%. Việt Nam thu hút khoảng 18 tỷ USD vốn FDI đến hết tháng 10, tăng 2,4% so với cùng kỳ 2022.
Ở động lực xuất nhập khẩu cũng ghi nhận chỉ số tăng 5,6% so với cùng kỳ. Cán cân thương mại 10 tháng xuất siêu hơn 24,6 tỷ USD.
Cũng theo số liệu của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, giải ngân đầu tư công ước đạt trên 56,7% kế hoạch Thủ tướng giao và cao hơn 5,5% so với cùng kỳ 2022. Cùng đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục chuyển biến tích cực. Khu vực nông nghiệp, dịch vụ duy trì đà tăng khá.
Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo tại cuộc họp thường kỳ Chính phủ, ngày 3/11. Ảnh: VGP
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chỉ ra sản xuất kinh doanh vẫn đối mặt thách thức về thị trường, dòng tiền và thủ tục hành chính. Thị trường trong nước chưa được thúc đẩy phát triển hiệu quả. Đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn; thiên tai diễn biến khó lường, ảnh hưởng lớn đến các hoạt động kinh tế, xã hội.
Ông cho hay những khó khăn của doanh nghiệp, nền kinh tế đã tác động trực tiếp, làm gia tăng áp lực điều hành kinh tế vĩ mô. Loạt thị trường như bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp chuyển biến tích cực, song vẫn khó khăn và cần theo dõi sát để chủ động tháo gỡ, xử lý kịp thời tình huống phát sinh.
"Khó khăn, thách thức đặt ra còn lớn, phụ thuộc nhiều vào xu hướng, bối cảnh chung toàn cầu, nên khó có thể chuyển biến nhanh, tác động đến tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, và tạo sức ép lớn tới quản lý, điều hành vĩ mô", Bộ trưởng lưu ý.
Tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, qua lấy phiếu tín nhiệm, Quốc hội, cử tri mong muốn và kỳ vọng ở Chính phủ nhiều hơn nữa. Vì vậy, ông đề nghị "quyết tâm rồi phải quyết tâm cao hơn nữa, nỗ lực rồi phải nỗ lực nhiều hơn nữa, cố gắng rồi phải cố gắng hơn nữa" để đạt cao nhất mục tiêu phát triển, tăng trưởng kinh tế năm nay.
Bối cảnh này, lãnh đạo Bộ Kế hoạch & Đầu tư kiến nghị thúc đẩy thực hiện các giải pháp, chính sách về thuế, phí, tiền tệ, thương mại để phục hồi nhanh sản xuất kinh doanh, sản xuất công nghiệp.
"Chúng ta cần tranh thủ tối đa cơ hội, xu hướng phục hồi của các thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là hàng nông, lâm, thủy sản sang các thị trường lớn", ông nói.
Với thị trường trong nước, ông Dũng đề nghị đẩy mạnh tiêu dùng hàng hóa dịp cuối năm và Tết Nguyên đán năm 2024; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển.
Các bộ, ngành xử lý từng bước chắc chắn, tháo gỡ triệt để những tồn tại, hạn chế, vướng mắc kéo dài, nhất là trong phân cấp, phân quyền.
"Các giải pháp, chính sách cần được thực hiện linh hoạt, nhịp nhàng cả ngắn và dài hạn để tạo bứt phá trong nội tại nền kinh tế và tận dụng cơ hội thị trường để thúc đẩy mạnh mẽ 3 động lực tăng trưởng, kinh tế xanh, kinh tế số", Bộ trưởng Dũng chốt lại.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận