Bộ trưởng Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn các vấn đề "nóng" về chứng khoán, trái phiếu
Hoạt động của thị trường vốn, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp là một trong những nội dung được lựa chọn để chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.
Ngày 8-6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 3, từ 8 giờ 40 phút, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc sẽ ngồi "ghế nóng" trả lời chất vất của đại biểu Quốc hội về lĩnh vực tài chính.
Trong buổi sáng, tư lệnh ngành tài chính sẽ trả lời chất vấn đến 11 giờ 30 phút, buổi chiều ông Hồ Đức Phớc tiếp tục trả lời chất vấn đến 14 giờ 30 phút. Sau đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ phát biểu kết thúc chất vấn nhóm vấn đề về tài chính.
Trong lĩnh vực tài chính, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc sẽ tập trung trả lời chất vấn các nội dung: hoạt động của thị trường vốn, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp; giải pháp chấn chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm, đặc biệt là thao túng, làm giá, đưa thông tin xuyên tạc, thiếu kiểm chứng làm ảnh hưởng đến thị trường...
Các đại biểu Quốc hội cũng sẽ chất vấn về tình hình triển khai và giải pháp đẩy nhanh việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Tài chính; công tác quản lý giá, mua sắm công và kiểm soát lạm phát theo Nghị quyết của Quốc hội. Thực trạng, nguyên nhân và giải pháp tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt, thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp và chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần.
Ngoài trách nhiệm trả lời chính của Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, các Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Lê Văn Thành; Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Lao động -Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông, Công an; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Tổng Thanh tra Chính phủ; Tổng Kiểm toán nhà nước cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Trong lĩnh vực tài chính, các bất cập trên thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp sẽ là những vấn đề "nóng" dự kiến được các đại biểu Quốc hội quan tâm, chất vấn người đứng đầu Bộ Tài chính.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính gửi các đại biểu Quốc hội trước phiên chất vấn, thị trường vốn của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng bình quân trên 28,5%/năm giai đoạn 2016-2021, riêng năm 2021 là 33,2%.
Tính đến cuối quý I/2022, quy mô thị trường vốn đạt 134,5%GDP năm 2021, trong đó vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 93,8%GDP, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt 16,4%GDP...
Theo Bộ Tài chính, thông qua thị trường vốn, các chủ thể huy động được khối lượng vốn lớn cho đầu tư phát triển và sản xuất kinh doanh. Tổng mức huy động vốn trên thị trường vốn năm 2021 đạt trên 1,12 triệu tỉ đồng (huy động vốn trái phiếu Chính phủ đạt trên 318 ngàn tỉ đồng; huy động vốn của doanh nghiệp qua phát hành cổ phiếu, cổ phần hóa đạt khoảng 143,5 ngàn tỉ đồng; phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt trên 637 ngàn tỉ đồng).
Trong 5 tháng đầu năm 2022, quy mô huy động vốn trên thị trường trái phiếu (cả Chính phủ và doanh nghiệp) là trên 250 ngàn tỉ đồng, tương đương cùng kỳ năm 2021.
Bộ Tài chính cũng chỉ rõ trên thị trường cổ phiếu, thị trường chứng khoán phái sinh xuất hiện các hiện tượng thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi, nhiều mã chứng khoán được đẩy giá lên cao không gắn với tình hình hoạt động kinh doanh, nghĩa vụ công bố thông tin của một số doanh nghiệp đại chúng, công ty niêm yết, nhà đầu tư còn chưa đảm bảo chất lượng (điển hình là vụ việc của FLC và Louis).
Bên cạnh đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nên phát sinh rủi ro. Một bộ phận nhà đầu tư cá nhân chưa hiểu biết rõ về pháp luật đã gian lận khi xác định trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ; một số tổ chức cung cấp dịch vụ (công ty chứng khoán, công ty kiểm toán, công ty thẩm định giá...) chưa tuân thủ quy định pháp luật...
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận