Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Ổn định thị trường xăng dầu không quá khó
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, giải pháp căn cơ để ổn định thị trường này không quá khó, có điều bao giờ được thực thi đầy đủ thì ông cũng... chịu!
Trong khi đại biểu Quốc hội, chuyên gia và doanh nghiệp đều hết sức sốt ruột với sự bất ổn của thị trường xăng dầu tại phiên giải trình vừa được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức, trao đổi nhanh với phóng viên Báo Đầu tư bên lề, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, giải pháp căn cơ để ổn định thị trường này không quá khó, có điều bao giờ được thực thi đầy đủ thì ông cũng... chịu!
Thưa ông, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, sự biến động của thị trường xăng dầu trong nước hiện nay, như biến động giá, thiếu hụt nguồn cung, đứt gãy chuỗi cung ứng cục bộ…, bên cạnh nguyên nhân khách quan, còn có nguyên nhân chủ quan là các cơ chế, chính sách, quy định quản lý nhà nước chưa phù hợp. Vào tháng 3/2022, cả hai Bộ trưởng Tài chính - Công thương khi trả lời chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều nêu ra nhiều giải pháp để ổn định thị trường. Một năm đã trôi qua mà nay tình hình vẫn thế, phải chăng là phản ứng chính sách quá chậm?
Đúng là đang có những hạn chế trong quản lý nhà nước. Chẳng hạn, trong dự trữ thì toàn bộ xăng dầu dự trữ quốc gia chưa được cất giữ, bảo quản riêng, mà đang bảo quản chung với xăng dầu thương mại của doanh nghiệp. Giải pháp là phải tách bạch được giữa dự trữ quốc gia và dự trữ lưu thông của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (trong phiên chất vấn được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức vào giữa tháng 3/2022 - PV) cũng yêu cầu phải tách ra. Nhưng muốn tách, phải sửa nghị định liên quan thì mới triển khai được, mà sửa nghị định thì cần có thời gian, qua nhiều khâu, quan trọng là Bộ Công thương phải đề xuất.
Thế còn vấn đề giá thì sao? Có phải vì bất cập trong điều hành giá hiện nay mà ông kiên trì quan điểm nên giao cho một bộ quản lý nhà nước về xăng dầu hay không?
Theo quy định của Luật Giá, các giá chuyên ngành do bộ chuyên ngành quản lý, còn Bộ Tài chính thực hiện nhiệm vụ kiểm tra xem việc thực hiện của các bộ có đúng không. Chẳng hạn, giá thiết bị y tế, thuốc men giao về Bộ Y tế, giá điện thì Bộ Công thương quản, giá đất thì Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm.
Giá xăng dầu đúng ra cũng là Bộ Công thương, nhưng trong nghị định (Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu - PV), lại có quy định Bộ Tài chính tính chi phí định mức. Quy định này dẫn đến Bộ Tài chính phải yêu cầu doanh nghiệp đầu mối báo cáo, Bộ Tài chính tính toán rồi thông báo để Bộ Công thương đưa vào công thức tính giá cơ sở. Nếu giao nhiệm vụ tính toán này về Bộ Công thương, sẽ rút ngắn được quy trình.
Vì thế, tôi hoàn toàn đồng tình là chỉ nên giao cho một bộ quản lý nhà nước về xăng dầu, không cần liên bộ.
Đó có thể cũng là một trong các giải pháp căn cơ, nhưng giải pháp căn cơ nhất để ổn định thị trường xăng dầu, theo Bộ trưởng là gì?
Đó là ổn định sản xuất và nhập khẩu để ổn định nguồn cung, đồng thời tiết giảm chi phí trung gian bằng cách tiết giảm khâu trung gian. Có thể giảm bớt hai khâu là thương nhân đầu mối, Việt Nam đang có 34, quá nhiều, trong khi Nhật Bản hiện có 5, Trung Quốc là 4. Thương nhân phân phối khoảng 332 cũng là quá nhiều, thậm chí có thương nhân phân phối 3 không: không kho, không vốn và không cửa hàng.
Hai khâu này có thể giảm được, mỗi trung gian sẽ có một khoản kinh phí phát sinh, nên giá sẽ cao lên, theo chúng tôi, có thể giảm bớt hai khâu nói trên.
Ủy ban Kinh tế nhận xét rằng, phương pháp xác định giá như hiện nay là sử dụng mệnh lệnh hành chính để can thiệp quá sâu vào thị trường, làm sai lệch tín hiệu thị trường, chưa phù hợp với định hướng đã nêu tại Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII. Nhà nước áp đặt cả về chi phí, lợi nhuận của doanh nghiệp, tạo nên công thức giá mang tính “bao cấp”, doanh nghiệp không có động lực để cạnh tranh, tiết giảm chi phí. Doanh nghiệp chỉ bán hàng khi giá tăng, dừng bán hàng khi giá giảm, nhưng có thể “đổ lỗi” cho sự quản lý của cơ quan nhà nước. Ông nghĩ sao về đánh giá này?
Mặt hàng xăng dầu nói là Nhà nước quy định giá, nhưng theo sát giá thị trường và các chi phí đều do doanh nghiệp báo cáo lên, chứ có phải do Bộ tự nghĩ ra đâu.
Hiện nay, yếu thế nhất là cửa hàng bán lẻ, vì Nhà nước không quy định bán lẻ được hưởng chi phí tối thiểu như thế nào, nên phải phụ thuộc vào khâu bên trên. Mà bên trên bảo “tôi khó khăn, tôi lỗ, tôi chỉ cho ông bằng này thôi”, thì đương nhiên là bán lẻ sẽ lỗ. Vì thế, Bộ Tài chính đề xuất, riêng cửa hàng bán lẻ phải được chi phí tối thiểu để không bị lỗ thì hàng mới ra thị trường, phục vụ doanh nghiệp và nhân dân được.
Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị xoá bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu vì đã không đạt được các mục tiêu đề ra. Nguyên tắc trích lập, chi sử dụng Quỹ chưa rõ ràng, dẫn đến tác dụng “ngược” trong một số trường hợp. Việc quản lý Quỹ chưa công khai, minh bạch. Thế nhưng, Bộ Tài chính cho rằng nên giữ, lý do là gì?
Nên giữ quỹ này để giảm sốc cho thị trường, khi giá tăng cao thì chi từ Quỹ ra để bình ổn giá, thị trường không bị đẩy lên. Nhà nước phải điều tiết giá qua công cụ đó chứ không ai lấy khoản đó đi cả, nếu không chi tiêu đến thì nó vẫn nằm đó. Cần giữ Quỹ để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và chống lạm phát.
Vậy xem ra không quá khó để có các giải pháp căn cơ ổn định thị trường, nhưng sao Quốc hội thúc giục cả năm trời, người dân và doanh nghiệp cũng khổ lên khổ xuống vì sự bất ổn của mặt hàng thiết yếu đó, mà giải pháp vẫn chỉ là... giải pháp, thưa ông?
Đúng là không quá khó để có các giải pháp căn cơ ổn định thị trường, nếu sửa được Nghị định số 95/2021/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, thì sẽ giải quyết được các vấn đề đang đặt ra. Bộ Công thương đang soạn thảo Dự thảo Nghị định sửa đổi, Bộ Tài chính cũng góp ý rồi. Còn bao giờ mới thực thi được các giải pháp căn cơ đó, thì tôi... chịu, phải hỏi Bộ trưởng Bộ Công thương.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận