Bộ trưởng Giao thông: 'Nhiều dự án BOT thua lỗ không phải lỗi nhà đầu tư'
Trả lời chất vấn chiều 7/6, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng nói nhiều dự án BOT thua lỗ do thực tế phát sinh, không phải lỗi nhà đầu tư.
Theo Bộ trưởng Giao thông Vận tải, cách đây 10-15 năm, khi nguồn lực có hạn, Bộ đã tạo mọi điều kiện để mời gọi doanh nghiệp tham gia các dự án BOT đầu tư hạ tầng giao thông. Đến khi kinh tế xã hội phát triển, Bộ tiếp tục đầu tư hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng kết nối nên nhiều dự án cũ bị ảnh hưởng.
Ví dụ, khi cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết khánh thành, dự án BOT trên quốc lộ 1A qua Bình Thuận bị giảm tới 83% doanh thu do phương tiện chọn đi cao tốc. Tương tự, khi tuyến tránh Buôn Hồ hoàn thiện, dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 14 đoạn qua Đăk Lăk bị ảnh hưởng.
Bên cạnh đó, một số trạm BOT đã làm xong nhưng không được thu phí do người dân phản đối. "Rất nhiều dự án không phải lỗi do nhà đầu tư, cũng không phải lỗi của nhà nước mà do kinh tế xã hội phát triển, nhu cầu thực tiễn phát sinh, phải mở thêm tuyến này, làm thêm đoạn kia", ông Thắng nói.
Theo Bộ trưởng, hợp đồng BOT và Luật PPP quy định khi một dự án đầu tư BOT của doanh nghiệp vượt quá 125% doanh thu so với dự tính thì nhà đầu tư phải chia sẻ lại cho nhà nước. Ngược lại, nếu như doanh thu xuống dưới 75% theo dự kiến thì nhà nước phải chia sẻ rủi ro. Khi doanh thu quá thấp, nhà nước phải mua lại. Đây là điều khoản, điều kiện trong hợp đồng chứ không phải nhà nước dành đặc quyền, đặc lợi cho doanh nghiệp.
Đại biểu Lê Hoàng Anh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đề nghị Bộ trưởng cho biết khi nào Bộ Giao thông Vận tải hoàn thành xử lý các trạm BOT gặp bất cập?
Bộ trưởng Thắng cho biết đã thành lập các đoàn công tác rà soát dự án BOT. Hiện nay 8 dự án đang có vấn đề đã được Bộ Giao thông Vận tải trình Chính phủ theo hướng nhà nước mua toàn bộ hoặc mua một phần. Trong quá trình xử lý, Bộ phải đàm phán, yêu cầu chủ đầu tư bỏ hết lợi nhuận vốn chủ sở hữu, còn ngân hàng phải giảm, miễn lãi suất để giảm thiểu thiệt hại cho nhà đầu tư.
"Chúng tôi đang làm hết sức mình để tháo gỡ triệt để, bảo vệ các doanh nghiệp đầu tư dự án BOT do điều kiện khách quan bị ảnh hưởng", ông Thắng nói.
Đại biểu Trần Anh Tuấn (Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM) đề nghị Bộ trưởng nêu thực trạng số dự án đã có chủ trương đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), sau đó chuyển qua hình thức đầu tư công làm dự án kéo dài và ảnh hưởng.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết cá nhân ông và ngành giao thông vận tải rất trăn trở bởi từ khi ban hành Luật PPP (năm 2020) đến nay chưa kêu gọi được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào dự án hạ tầng theo hình thức này. Trong khi đó, nhu cầu vốn cho hạ tầng giao thông rất lớn, giai đoạn 2021-2025 cần 462.000 tỷ đồng, đến nay mới bố trí được 66% nhu cầu.
Theo ông, một số dự án thua lỗ thời gian qua là nguyên nhân khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại. Bộ Giao thông Vận tải sẽ đề xuất một số giải pháp thu hút vốn đầu tư PPP, trong đó tạo lòng tin, sự bình đẳng với các doanh nghiệp và điều chỉnh thể chế phù hợp.
Sáng 8/6, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng có thêm 1,5 tiếng trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội, trước khi Phó thủ tướng Lê Minh Khái đăng đàn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận