‘Bộ trưởng’ Elon Musk có thể ‘vừa đá bóng vừa thổi còi’ nhờ một lợi thế được ông Donald Trump cấp phép
Công việc của Elon Musk trong chính phủ Mỹ có thể đem lại lợi ích hàng tỷ USD cho chính Tesla, SpaceX cùng nhiều dự án khác. Liệu điều này có đúng luật?
Mới đây, việc ông Donald Trump công bố sẽ thành lập Bộ hiệu quả chính phủ (DOGE) dưới sự lãnh đạo của tỷ phú Elon Musk và ông Vivek Ramaswamy đã thu hút sự chú ý của dư luận.
Câu hỏi đặt ra là liệu có sự xung đột lợi ích nào không khi Elon Musk vừa là người có ảnh hưởng đến các cơ quan chính phủ, nhưng các công ty của ông thì lại chịu sự giám sát của các cơ quan này.
Liệu điều này có được phép theo quy định và ông Donald Trump sẽ xử lý như thế nào?
Luật xung đột lợi ích
Mặc dù hiện chưa rõ chi tiết về cách thức hoạt động của Bộ DOGE nhưng Elon Musk đã từng nói sẽ "cắt giảm các quy định dư thừa, loại bỏ chi tiêu lãng phí và tái cấu trúc các cơ quan liên bang, lắng nghe lời khuyên và hướng dẫn từ bên ngoài chính phủ".
Điều này khiến các chính trị gia đặt ra nghi vấn liệu Luật xung đột lợi ích chính (Conflict of Interest Law) của bộ luật liên bang có bị xâm phạm.
Cụ thể, luật này cấm các nhân viên chính phủ tham gia những vấn đề mà họ có liên quan lợi ích, ví dụ như có cổ phần trong công ty liên quan. Tuy nhiên luật này không áp dụng cho các nhà thầu hoặc cố vấn bên ngoài những công ty có liên quan đến lợi ích.
Điều này có nghĩa là nếu Bộ DOGE tác động đến lợi ích ngành xe điện của Tesla, hàng không vũ trụ của SpaceX hay những dự án liên quan thì Elon Musk sẽ buộc phải thoái vốn khỏi các doanh nghiệp này nhằm tránh vi phạm luật.
Tất nhiên nếu vai trò của Elon Musk được định hình lại như một cố vấn thay vì một nhân viên chính phủ như "Bộ trưởng" Bộ DOGE thì ông sẽ không cần phải thoái vốn.
Tuy nhiên theo tờ New York Times (NYT), mọi thứ khá phức tạp khi kể cả dưới vai trò cố vấn thì việc Elon Musk quản lý nhân viên hay tác động được đến nhiều bộ ngành cũng có thể khiến vi phạm luật xung đột lợi ích.
Tờ NYT cho hay luật xung đột lợi ích không dựa trên chức danh, thậm chí ngay cả khi Elon Musk không nhận lương từ ngân sách nhưng hành động như một nhân viên chính phủ, ví dụ quản lý hay ảnh hưởng đến các cơ quan thì vẫn sẽ bị buộc tội theo luật này.
"Nếu Elon Musk giả vờ không phải nhân viên chính phủ nhưng lại chạy quanh, hoạt động như một quan chức, giám sát nhân viên, ra lệnh và thực hiện như một người có thẩm quyền là vi phạm luật xung đột lợi ích", luật sư Richard Painter chịu trách nhiệm về mảng này dưới thời Tổng thống George W. Bush cho hay.
Theo Fortune, lợi ích trực tiếp nhất là Elon Musk có thể đảm bảo được các hợp đồng với chính phủ cho SpaceX và Tesla với tổng giá trị ít nhất 15,4 tỷ USD trong vòng 10 năm tới.
Đồng quan điểm, tờ New York Times (NYT) cho hay các công ty của Elon Musk có liên quan rất nhiều đến các dự án công của chính phủ, từ phóng tên lửa, xây dựng vệ tinh cho đến cung cấp dịch vụ viễn thông trong không gian.
Xin được nhắc rằng Tesla đã thu về 1,79 tỷ USD từ việc bán tín chỉ carbon, tức là các hãng xe hơi không bán xe điện hoặc không bán không đủ số lượng xe điện sẽ phải mua tín chỉ từ Tesla để tuân theo quy định chính phủ.
Bên cạnh đó là khoản hỗ trợ 7.500 USD khi mua xe điện của chính phủ mà Tesla chắc chắn sẽ muốn được hưởng lợi nhiều hơn nữa từ chương trình này.
"Tôi sẽ hỗ trợ xe điện. Tôi sẽ làm thế bởi Elon Musk đã ủng hộ tôi rất nhiều", tờ NYT dẫn lại lời ông Donald Trump nói.
Ngoài ra, tờ NYT cho biết Elon Musk hoàn toàn có thể thúc đẩy kế hoạch hỗ trợ 856 triệu USD của chính phủ cho SpaceX để xây dựng hệ thống Internet vệ tinh trên khắp nước Mỹ, vốn đã bị bác bỏ trước đây.
Ban đầu Bộ quốc phòng Mỹ không muốn phụ thuộc vào dịch vụ phóng tên lửa và Internet của Elon Musk nhưng mọi thứ sẽ thay đổi khi tỷ phú Tesla này có mối quan hệ chặt chẽ trong giới chính trị.
"Có nhiều mối quan hệ trong Nhà Trắng là một điều tốt cho cả Tesla lẫn SpaceX", chuyên gia Scott Amey của PGO, cơ quan điều phối các dự án hợp đồng liên bang, thừa nhận.
Thêm nữa, ông chủ SpaceX có thể sẽ thuyết phục Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) chuyển hướng từ tập trung thám hiểm mặt trăng sang sao hỏa, vốn là ước mơ từ lâu của Elon Musk.
Hiện NASA dự kiến chi đến 93 tỷ USD trong khoảng 2012-2025 để thám hiểm mặt trăng và SpaceX có được hợp đồng trị giá 4,4 tỷ USD cho 2 cuộc đổ bộ lên đây. Tuy nhiên Elon Musk vẫn muốn hướng đến sao hỏa như những gì mình từng tuyên bố trước đây.
Bên cạnh những lợi ích về kinh tế thì thứ quan trọng nhất mà Elon Musk còn muốn là sự an toàn trước các cơ quan chức năng cũng như hậu thuẫn của chính phủ trong các dự án của mình.
Hiện Elon Musk cùng các công ty của mình đang phải đối mặt với ít nhất 20 cuộc điều tra từ chính phủ. Trong đó quan trọng nhất là mảng xe điện tự lái khi nhiều vụ tai nạn đã xảy ra, khiến dịch vụ này của Tesla bị ảnh hưởng.
Tiếp đó, những kiện cáo về thương vụ mua lại Twitter cùng lùm xùm về khoản cổ phiếu thưởng tại Tesla cũng sẽ được giải tỏa nhờ canh bạc đúng người của Elon Musk trong mùa bầu cử năm nay.
Rõ ràng Elon Musk sẽ nhận được rất nhiều lợi ích trên ghế "Bộ trưởng". Vậy làm thế nào tỷ phú Elon Musk có thể vẫn làm "Bộ trưởng" mà không cần phải thoái vốn khỏi các công ty của mình?
Câu trả lời nằm ở ông Donald Trump.
Quyền miễn trừ
Theo NYT, về lý thuyết thì ông Donald Trump có thể cấp cho Elon Musk quyền miễn trừ xung đột lợi ích.
Trên thực tế , hầu hết các nhân viên chính phủ đều thoái vốn khỏi các tài sản liên quan đến mảng có lợi ích trong thẩm quyền của họ nhằm tránh sự chỉ trích và vi phạm luật pháp.
Tuy nhiên theo quy định, Tổng thống có thể cấp quyền miễn trừ vi phạm luật xung đột lợi ích này cho nhân viên chính phủ, nghĩa là thẩm quyền của họ có thể tác động đến lợi ích doanh nghiệp hay tài sản của các nhân viên này.
Mặc dù luật sư Painter cho biết điều khoản này cực kỳ nguy hiểm khi có thể kích thích sự tham ô hay những hành vi trục lợi nhưng đồng thời cũng góp phần giúp Tổng thống Mỹ sử dụng được nhân tài phục vụ chính phủ.
Tờ NYT cho hay ông Donald Trump không phải lần đầu tiên đi ra ngoài các tiền lệ và việc cấp quyền miễn trừ xung đột lợi ích cho Elon Musk là điều hoàn toàn có thể xảy ra, qua đó giúp tỷ phú này "vừa đá bóng vừa thổi còi", vừa làm "Bộ trưởng" nhưng vẫn là chủ doanh nghiệp.
Tất nhiên Bộ DOGE có thể đang bị thổi phồng thái quá khi nhiều khả năng Elon Musk sẽ chỉ là cố vấn cung cấp các ý kiến, nghiên cứu và kế hoạch cho ông Donald Trump tham khảo.
Dẫu vậy, việc ông Ramaswamy nói rằng Tổng thống có quyền sa thải đến 75% nhân viên chính phủ khiến Bộ DOGE có sức ảnh hưởng rất lớn. Kế hoạch cắt giảm nhân sự, tinh gọn bộ máy mà Elon Musk đưa ra có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan và chắc chắn tiếng nói của doanh nhân này cũng sẽ có trọng lượng hơn.
Hiện vẫn chưa rõ quy chế hoạt động của Bộ DOGE ra sao, có cần các phiên điều trần công khai hay không, giữ tính minh bạch thế nào. Tuy vậy, nhiều người cho rằng Elon Musk vẫn sẽ hưởng lợi rất lớn khi ngồi trên ghế "Bộ trưởng".
Đây chính là lý do mà tờ Fortune đã bình chọn Elon Musk là doanh nhân quyền lực nhất thế giới, đứng trên cả CEO Jensen Huang của Nvidia, CEO Satya Nadella của Microsoft hay CEO Tim Cook của Apple.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận