Bộ trưởng Công Thương: Mua điện mặt trời mái nhà sẽ cổ súy trục lợi chính sách
Nếu mua điện mặt trời mái nhà (ngoài công suất 2.600MW đã có trong Quy hoạch Điện VIII), Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, sẽ gây ra tình trạng phát triển ồ ạt, khó kiểm soát công suất nguồn. Đặc biệt, điều đó sẽ dẫn tới tình trạng mất cân đối nguồn điện, gây áp lực lên hệ thống truyền tải điện quốc gia, mất an toàn lưới điện.
Hệ thống điện quốc gia không thể chịu được
Tại dự thảo Nghị định về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu, Bộ Công Thương giữ đề xuất loại hình này lắp tại nhà ở, cơ quan công sở để tự dùng và nối lưới quốc gia sẽ không được bán hoặc bán giá 0 đồng. Đề xuất vấp phải nhiều ý kiến trái chiều khi cho rằng, nếu bỏ chi phí lắp đặt nhưng chỉ bán 0 đồng sẽ khó thu hút người dân tham gia, gây lãng phí nguồn điện.
Nêu quan điểm tại Hội thảo tham vấn kỹ thuật điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu chiều 4.5, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, việc khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu nhằm mục đích tự sử dụng, tự cung tự cấp cho nhu cầu của chính mình, giảm bớt mua điện từ hệ thống điện quốc gia, giảm áp lực cho hệ thống điện.
Chính vì mục đích tự sản, tự tiêu, nhằm ổn định chất lượng điện năng, ổn định cung cấp điện cho các tổ chức, cá nhân phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, Bộ Công Thương đã đề xuất với Chính phủ cho phép loại hình này được đấu nối với hệ thống điện quốc gia; miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực; công trình xây dựng có lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu không phải thực hiện điều chỉnh, bổ sung đất năng lượng và công năng theo quy định của pháp luật...
Chính vì phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu được miễn giảm thực hiện một số quy định, tiêu chí khắt khe của pháp luật và có nhiều ưu đãi về chính sách… do đó, sẽ không có hoạt động mua bán điện mặt trời mái nhà, bởi nếu có thì doanh nghiệp, chủ đầu tư sẽ phải tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật hiện hành.
Bộ trưởng Bộ Công Thương chủ trì Hội thảo tham vấn kỹ thuật điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu chiều 4.5.
Trường hợp lên lưới điện quốc gia, dự thảo nghị định nêu ra 2 phương án. Phương án 1 chỉ cho phép 2.600MW, công suất này được ghi rõ trong tổng công suất nguồn điện của toàn hệ thống và phải có đầy đủ các giấy phép và thủ tục pháp lý.
Phương án 2 mở rộng hơn là không giới hạn công suất điện mặt trời mái nhà, nhưng phục vụ tự sản, tự tiêu, do vậy, tùy lựa chọn đối tượng phát điện, nhưng không được mua bán, nếu mua bán là vi phạm.
"Nếu cho phép điện mặt trời mái nhà được thực hiện mua bán thì điều gì sẽ xảy ra?" - ông Nguyễn Hồng Diên đặt vấn đề. Từ góc độ quản lý, ông Diên thấy rằng, sẽ gây ra tình trạng phát triển ồ ạt, khó kiểm soát công suất nguồn, đặc biệt sẽ dẫn tới tình trạng mất cân đối nguồn điện, gây áp lực lên hệ thống truyền tải điện quốc gia, mất an toàn lưới điện.
"Hệ thống điện của chúng ta chỉ đáp ứng được công suất nguồn điện nêu rõ trong Quy hoạch Điện VIII. Còn với chính sách khuyến khích phát điện triển mặt trời tự sản, tự tiêu, sản lượng rất lớn, không có trong Quy hoạch Điện VIII, thì hệ thống sẽ không đáp ứng được. Nếu cho phép mua bán, rủi ro rất lớn" - ông Diên nói, đồng thời cho biết, chính sách khuyến khích điện mặt trời theo giá FIT (Quyết định 13) đã cho thấy những hệ lụy đó khi phát triển ồ ạt.
Cho phép mua bán điện mặt trời mái nhà là cổ súy cho tình trạng trục lợi chính sách?
Theo ông Diên, điện mặt trời phụ thuộc vào bức xạ mặt trời và yếu tố thời tiết, khi không có bức xạ mặt trời (mây, mưa hoặc ban đêm), lưới điện quốc gia vẫn phải bảo đảm cấp đủ điện. Điều này dẫn đến thay đổi, tăng giảm nhanh của hệ thống, khiến nguồn điện chạy nền không ổn định. Do vậy, những nhà đầu tư điện chạy nền (điện than, điện khí, thủy điện…) có chịu hi sinh lợi ích mà họ đáng có không?
Bên cạnh đó, nếu cho phép mua bán điện mặt trời mái nhà (ngoài 2.600MW), Trưởng ngành Công Thương cho rằng, đã cổ súy cho tình trạng trục lợi chính sách, bởi đối tượng này không phải tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành.
"Phát triển điện mặt trời mái nhà không cần có giấy phép hoạt động điện lực, không cần có quy hoạch điện, cũng không cần giấy phép đất đai, nếu vẫn được mua bán điện thì vô hình trung đã cổ súy hoạt động trục lợi chính sách", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận