Bộ trưởng Công an đề xuất phạt tin giả không cần chứng minh hậu quả
Cho rằng hệ luỵ của tin giả gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường chứng khoán, bất động sản... trong đó có những tin giả làm "bay" hàng nghìn tỷ đồng vốn hoá trên thị trường chứng khoán, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang đề xuất xử lý hành vi phát tán tin giả không cần xem xét mức độ, hậu quả.
Tin giả ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế, nhất là thị trường chứng khoán
Chiều 12/11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông (TTTT). Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội đối với nhiều nội dung "nóng" của ngành như quản lý dịch vụ mạng viễn thông, hạ tầng viễn thông, quản lý hoạt động báo chí truyền thông, xử lý thông tin xấu độc, tin giả tràn lan trên mạng xã hội...
Liên quan đến nhóm nội dung xử lý tin xấu độc, tin giả trên mạng, do liên quan đến vấn đề quản lý an ninh mạng, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang đã được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn mời phát biểu, giải trình thêm cùng với Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng.
Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang khẳng định tin giả, tin sai sự thật gây hậu quả khôn lường và đang trở thành mối đe dọa lớn đối với tình hình kinh tế - xã hội, thậm chí đe dọa trực tiếp đến chủ quyền quốc gia và an ninh toàn cầu.
Theo Bộ trưởng, các hành vi vi phạm pháp luật phổ biến trên mạng xã hội hiện nay như: tạo dựng, tán phát, đăng tải, chia sẻ, lưu trữ tin giả, tin sai sự thật; xuyên tạc chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc; xuyên tạc, bôi nhọ, hạ uy tín của các tổ chức, cá nhân.
Các hành vi này gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng tới sức khỏe, đời sống, sinh hoạt của nhân dân, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của các tổ chức, cá nhân… nhằm để câu view, câu like thậm chí trục lợi, lừa đảo.
Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang phát biểu chiều 12/11
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Công an nhận định, hệ lụy của tin giả cũng ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế, đặc biệt với thị trường chứng khoán, bất động sản, tài chính, nhà đất…
"Có những thông tin giả gây thiệt hại vốn hóa nhiều nghìn tỷ đồng trên thị trường chứng khoán", Bộ trưởng Lương Tam Quang nói.
Ngoài ra, theo Bộ trưởng, hiện còn nổi lên một số hành vi đáng chú ý khác như hành vi lập sử dụng hội nhóm tiêu cực tác động gây nhận thức lệch lạc, kích động những hành vi lệch chuẩn, bạo lực, cổ súy những hủ tục, mê tín dị đoan, đồi trụy…
Cùng với đó là hành vi tạo lập hội nhóm để thông tin đối phó, kích động, phản kháng chống đối lại lực lượng chức năng như "Báo chốt 141", "thông chốt kiểm soát nồng độ cồn",...
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cho biết, còn có hành vi tạo lập các hội nhóm để mua bán ngoại tệ, tiền giả, giấy tờ, văn bằng, chứng chỉ giả, mua bán ma túy, vũ khí và vật liệu nổ…
Đề xuất phạt không cần xem xét hậu quả
Bàn về các giải pháp, Bộ trưởng Lương Tam Quang cho biết, phải nắm tình hình, đấu tranh, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật đối với các đối tượng thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng, mạng xã hội.
Trong đó, trách nhiệm pháp lý đối với các đối tượng đưa tin giả, tin sai sự thật theo quy định của pháp luật hiện hành là có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự theo nghị định của Chính phủ và các điều của Bộ Luật Hình sự.
"Tuy nhiên, mức xử phạt hành chính hiện nay chưa đủ sức răn đe (từ 5 đến 10 triệu đồng)", Bộ trưởng nói và thông tin thêm, hiện vẫn thiếu những quy định mang tính định lượng cụ thể để xác định xử lý vi phạm hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi đưa tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng.
Bộ trưởng ví dụ, việc xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác đến mức độ nào thì được coi là nghiêm trọng? Trong khi đó chỉ cần thực hiện hành vi bịa đặt hoặc lan truyền những điều biết rõ là sai sự thật, nhằm xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của người khác thì đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
"Do vậy, tôi kiến nghị xử lý đối với tin giả theo hướng không cần xem xét đến hậu quả xảy ra đối với những hành vi này để đủ sức răn đe", ông Quang nói.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cho rằng, cần đẩy mạnh tuyên truyền định hướng dư luận ý thức cảnh giác của người dân, nhất là những người sử dụng mạng xã hội để tạo ra được "sức đề kháng" đối với tin giả, tin sai sự thật, nhất là những thông tin xuyên tạc, kích động để đấu tranh vạch trần thủ đoạn hoạt động của tội phạm trên không gian mạng, mạng xã hội.
Bộ trưởng thông tin, thời gian qua, Bộ Công an khi hợp tác trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm với các cơ quan thực thi pháp luật của các nước đều thống nhất đấu tranh và hợp tác chia sẻ thông tin, nguyên tắc không để cho bất cứ một tổ chức, cá nhân nào có hành vi đưa thông tin giả, tin sai sự thật, gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, gây ảnh hưởng đến tổ chức, cá nhân của nước khác.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận