Bộ trưởng cảnh báo vẫn không chịu giảm, ai đủ sức ép giá thịt lợn
Bất chấp yêu cầu giảm giá thịt lợn xuống mức hợp lý hơn của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, thịt lợn trong nước vẫn neo giá quá cao. Để hạ nhiệt mặt hàng này, lượng thịt nhập khẩu ồ ạt tràn về, tăng 205%.
Mới đây, tại một hội nghị liên quan đến ngành chăn nuôi lợn ở nước ta, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các doanh nghiệp chăn nuôi lớn hạ giá lợn hơi xuất chuồng xuống mức 70.000 đồng/kg. Bởi, ông cho rằng, mức giá 75.000 đồng/kg như hiện tại thì lãi quá cao, dư địa giảm vẫn còn.
Ông phân tích, 17 tập đoàn, doanh nghiệp lớn ngành chăn nuôi đã dẫn dắt được thị trường thức ăn chăn nuôi, con giống, vậy tại sao không dẫn dắt giá thịt lợn?. Nếu làm được, các doanh nghiệp nhỏ, trang trại,... sẽ hưởng ứng theo. Theo Bộ trưởng, lợi nhuận nên ở mức vừa phải thì mới hài hoa, lợi nhuận quá cao sau này người tiêu dùng chuyển hướng sang các loại gia cầm, hải sản, khiến thịt lợn mất thị trường, lúc đó rất khó lấy lại được.
Trong khi đó, ở các tỉnh Hưng Yên, Yên Bái, Phú Thọ, Ninh Bình, Lào Cai,... giá thịt lợn hơi ở mức 82.000-85.000 đồng/kg.Song, bất chấp lời kêu gọi giảm giá từ Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, giá thịt lợn trong nước vẫn neo ở mức rất cao. Đơn cử, tại Vĩnh Phúc giá lợn hơi xuất buôn tại chuồng đang ở mức 83.000 đồng/kg, tại Phúc Thọ (Hà Nội) giá dao động quanh mốc 84.000 đồng/kg.
Dù có giá thấp hơn khu vực miền Bắc, song tại miền Nam, miền Trung giá lợn hơi cũng neo ở mức 78.000-84.000 đồng/kg.
Một số chủ trang trại cho biết, giá lợn hơi tại chuồng đang có xu hướng giảm nhẹ nhưng vẫn ở mức cao. Trong khi đó tại chợ, người tiêu dùng vẫn phải ăn thịt lợn với giá khá đắt đỏ khi các loại thịt lợn được bán với giá 140.000-180.000 đồng/kg, thậm chí sườn thăn, sườn non giá vẫn 200.000-220.000 đồng/kg.
Đề cập đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, nếu không hạ được giá thịt lợn xuống mức 70.000 đồng/kg thì buộc phải mở cửa tăng nhập khẩu mặt hàng này Mỹ, Canada, Úc, Nga,... thậm chí là cả từ Lào và Campuchia để ổn định cung cầu, giá cả.
Thực tế, theo số liệu từ Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), tính đến ngày 15/3, Việt Nam đã nhập khẩu gần 25.300 tấn thịt lợn và sản phẩm thịt lợn, tăng 205% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, nguồn nhập khẩu từ Canada 29,35%, Đức 19,43%, Ba Lan 11,83%, Brazil 9,98%, Hoa Kỳ 5,53%.
Thời gian tới, ngoài việc đẩy mạnh tái đàn để tăng nguồn cung trong nước, Bộ NN-PTNT cũng đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao chỉ đạo các cơ quan trực thuộc khẩn trương hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm các nguồn hàng hợp lý tại các nước xuất khẩu; đặc biệt trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 lây lan diện rộng, các nước ngừng nhập cảnh có thể ảnh hưởng đến hoạt động thương mại.
Bên cạnh đó, Bộ này cũng đề nghị Bộ Tài chính xem xét, sớm có chính sách giảm thuế nhập khẩu mặt hàng thịt lợn. Đồng thời đề nghị Ngân hàng Nhà nước có chính sách cho các doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn vay vốn kinh doanh với lãi suất ưu đãi.
Nhằm thúc đẩy việc nhập khẩu thịt lợn, mới đây Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã có buổi làm việc với Tập đoàn Miratorg (Nga) - tập đoàn có năng lực sản xuất 500.000 tấn thịt lợn mỗi năm. Lãnh đạo tập đoàn này khẳng định có thể đáp ứng nhu cầu thịt lợn mà Việt Nam đang cần với chất lượng và giá cả cạnh tranh. Dự kiến tuần này, lô hàng thịt lợn Nga đầu tiên sẽ đến Việt Nam.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận