Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc: Không để doanh nghiệp bảo hiểm phá sản
Ngày 25/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về Luật kinh doanh bảo hiểm. Tại đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã làm rõ một số điều đại biểu quan tâm về việc sửa đổi Luật này.
Video Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc làm rõ những vấn đề của đại biểu quan tâm về Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi):
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, hiện nay Luật kinh doanh bảo hiểm được thực hiện dưới chương trình vi mô, như Hội phụ nữ Việt Nam đang triển khai. Tại đây, số lượng người tham gia đông, chủ yếu là người yếu thế. Mức đóng hợp đồng bảo hiểm ở mức thấp. Tuy nhiên, do số lượng người tham gia đông, lực lượng làm không chuyên nghiệp nên hợp đồng khó hiệu quả. Lực lượng tham gia làm tập trung chủ yếu ở cán bộ công chức kiêm nhiệm thực hiện các hình thức khác nhau. Nhưng việc triển khai kinh doanh bảo hiểm này mang lại lợi ích cho người nghèo, người yếu thế rất tốt. Đây là vấn đề mới, lâu nay mới chỉ thí điểm. Để triển khai rộng rãi thì cần tiếp tục nghiên cứu. Cho nên, trong Luật quy định chung từ bảo hiểm vi mô, đặc điểm sản phẩm vi mô, phê chuẩn và cung cấp sản phẩm đặc điểm vi mô cần giao cho Chính phủ để ban hành Nghị định mới. Nếu bây giờ chúng ta đưa quy định cứng vào trong Luật là rất khó triển khai.
“Nếu Luật kinh doanh bảo hiểm được triển khai rộng rãi với một đơn vị thực hiện loại hình bảo hiểm không chuyên nghiệp sau này xảy ra mất mát, đổ vỡ hoặt thiếu hụt sẽ tác hại lớn đến số đông và xã hội”, Bộ trưởng nói.
Về vấn đề ai sẽ chịu chi phí giám định, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, khi có khiếu nại, khởi kiện về tranh chấp hợp đồng bảo hiểm phải theo Điều 161 Bộ luật tố tụng dân sự. Người yêu cầu giám định phải bỏ chi phí.
“Liên quan đến doanh nghiệp bảo hiểm, chúng tôi sẽ hoàn thiện từ ngữ rõ hơn. Loại hình kinh doanh bảo hiểm là loại hình kinh doanh có điều kiện. Kinh doanh bảo hiểm thì doanh nghiệp đủ lớn, quyết định tập thể và phải chuyên nghiệp. Đơn vị phải có điều kiện để tính toán rủi do, dự phòng hiệu quả kinh tế. Đối với quy định hiện nay, bảo hiểm phi nhân thọ thì đơn vị phải có mức vốn tối thiểu là 300 tỷ trở lên, còn bảo hiểm nhân thọ có số vốn là 600 tỷ trở lên”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết thêm.
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ triển khai theo hai hình thức là Công ty trách nhiệm hữu hạn và Công ty cổ phần. Với Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên sẽ đảm bảo quyết định của tập thể chứ không theo ý chí của cá nhân. Đối với các công ty bảo hiểm thì khách hành rất đông, liên quan đến các vấn đề xã hội nên có Hội đồng quản lý, Chủ tịch Hội đồng, Tổng giám đốc, hệ thống quản lý chặt chẽ. Còn với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thì thành viên cá nhân không đủ điều kiện. Khi Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, đến 50% có vốn sẽ buộc phải sang cổ phần. Điều này nhằm đảm bảo năng lực quản lý tốt, chặt chẽ.
Bộ trưởng cũng lưu ý một vấn đề nữa là không để doanh nghiệp bảo hiểm phá sản. Vì điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các vấn đề an ninh, trật tự xã hội.
“Doanh nghiệp bảo hiểm phải đảm bảo giống với ngân hàng thương mại. Trong quá trình quản lý điều hành không thể để doanh nghiệp bảo hiểm phá sản. Để đảm bảo được việc doanh nghiệp bảo hiểm khó phá sản thì chúng tôi cũng đưa ra các điều kiện giống ngân hàng như chuyển giao bắt buộc. Trong hạch toán, chúng tôi đưa ra các vấn đề như: Vay vốn pháp định, nguồn thu bảo hiểm được hạch toán riêng, hợp đồng bảo hiểm quản lý rủi do ngay từ đầu. Trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm phá sản phải chuyển giao bắt buộc thì lấy tiền ở đâu? Nhà nước không bỏ ra chuyển giao bắt buộc mà có quỹ sẽ bù vào chuyển giao bắt buộc để cứu các công ty cổ phần này”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết.
Trước đó, tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) tại Quốc hội.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu 4 lý do cần thiết sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm, cụ thể:
Thứ nhất, ngày 3/6/2017, Hội nghị lần thứ V Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ra Nghị quyết số 11 về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó: “Phát triển cân bằng, đồng bộ thị trường tài chính... Phát triển thị trường bảo hiểm, thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán, tư vấn thuế, thẩm định giá...”.
Thứ hai, ngày 15/1/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 39 về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế. Trong đó, đã nêu nhiệm vụ: “Hoàn thiện các quy định pháp luật về lĩnh vực bảo hiểm. Khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế. Nâng cao năng lực quản lý, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm; thực hiện hiệu quả các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế trong lĩnh vực bảo hiểm”.
Thứ ba, ngày 28/2/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 242 phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 ”xác định" sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm và các văn bản hướng dẫn thi hành theo hướng quản lý, giám sát trên cơ sở rủi ro; xây dựng các tiêu chí giám sát nhằm đẩy mạnh công tác hậu kiểm thông qua thanh tra, kiểm tra”.
Thứ tư, Luật Kinh doanh bảo hiểm ra đời cách đây 20 năm, khi thị trường bảo hiểm còn non trẻ, cơ quan quản lý cũng mới thành lập, quy mô thị trường còn nhỏ, các sản phẩm, kênh phân phối chưa đa dạng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận