Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh: Sức chống chịu của nền kinh tế tăng lên nhờ chủ động hội nhập
Nhờ đẩy mạnh quá trình hội nhập, vị thế và năng lực cạnh tranh của Việt Nam đã được khẳng định. Đặc biệt, tăng sức chống chịu của nền kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 và tạo động lực cho phát triển công nghiệp, nông nghiệp theo hướng bền vững.
Phát biểu phiên họp tại tổ trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV chiều ngày 25/3, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi đánh giá rất cao các báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016-2021 được trình bày tại kỳ họp của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, của Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước...
Có thể nói, về cơ bản các báo đã tổng hợp, đánh giá tương đối sát, đầy đủ và có chất lượng suốt hoạt động trong nhiệm kỳ này của Quốc hội, Chính phủ, Chủ tịch nước cũng như của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, chúng ta cần phải đi sâu và làm rõ, phân tích kỹ hơn nữa về các thành tựu và các mặt tồn tại, nguyên nhân của nó.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết: Các thành tích, thành tựu cơ bản của Chính phủ đã được nêu rất rõ. Những nội dung này đã trải rộng trong tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt, Bộ trưởng đánh giá cao quan điểm của Đảng và chỉ đạo điều hành của Chính phủ rất nhất quán, xuyên suốt về đường lối đổi mới và mở cửa hội nhập. “Đây là nhân tố then chốt giúp chúng ta có điều kiện để tiếp tục phát triển bền vững trong giai đoạn hội nhập sâu rộng và thế giới đang biến động rất nhanh và phức tạp”- Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định.
Tiếp tục cho ý kiến về các nội dung trong báo cáo của Chính phủ, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đặc biệt nhấn mạnh đến việc báo cáo nêu về tính chủ động sáng tạo, nâng cao hiệu quả trong công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế. Hiện nay, vai trò của nước ta trong hội nhập và đối ngoại quốc tế đã thay đổi rất lớn, từ chỗ chỉ tích cực tham gia trong các khuôn khổ hội nhập, cũng như trong các hợp tác quốc tế, thì nay chúng ta đã chủ động dẫn dắt.
“Việt Nam gần như đã thể hiện vai trò dẫn dắt trong ASEAN. Ngoài ra, thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến hàng loạt các hiệp định, từ hiệp định CPTPP, cho đến mới đây là RCEP, Việt Nam đã đạt được việc ký kết các hiệp định này, trong khi rất nhiều nhiệm kỳ chủ tịch ASEAN của các nước khác không thể kết thúc nổi đàm phán” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Sự chủ động dẫn dắt của chúng ta đã mang lại hiệu quả cho chiến lược hội nhập, điều đó cũng khẳng định vị thế, uy tín của Việt Nam trong dàn xếp các hoạt động đàm phán và phối hợp với các nước đối tác. Việc định hướng phát triển theo hướng đa phương hóa và đa dạng hóa, một lần nữa khẳng định tính đúng đắn trong đường lối của Đảng, nhờ đó, kinh tế của chúng ta, đặc biệt là thị trường ngoài nước và xuất nhập khẩu liên tục tăng trưởng và mang tính bền vững, nâng cao được vị thế trong các chuỗi cung ứng quốc tế.
Nêu ví dụ, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, năm 2020, khi dịch Covid-19 xảy ra, tác động rất mạnh đến nền kinh tế trong nước, hầu như các nước đều bị tăng trưởng âm trong xuất nhập khẩu, nhưng chỉ có Việt Nam tại châu Á đạt tăng trưởng dương, kim ngạch xuất khẩu tăng 6,5% so với năm 2019. Chính tốc độ tăng trưởng này đã giúp cho nước ta duy trì được đà sản xuất, giữ vững thị trường cho người nông dân, doanh nghiệp ở các thành phần. Mặc dù, hiện vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng sức chống chịu của nền kinh tế đã tăng lên nhiều nhờ nước ta đã chủ động trong hội nhập.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, công tác thực thi cam kết hội nhập đã được cải thiện và được tổ chức một cách đồng bộ, đảm bảo hiệu quả trong khai thác các cơ chế hội nhập và các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Cụ thể như, CPTPP được ký kết và phê chuẩn đầu năm 2019, nhờ đó trong cả năm 2019 và 2020 đều đã thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu của nước ta lên đến 35-45% tại một số đối tác như Canada, Mexico… Điều đó cho thấy, công tác tổ chức, hỗ trợ doanh nghiệp và khai thác thuận lợi trong thuế quan, cũng như các điều kiện thâm nhập thị trường cho các mặt hàng trong nước được đảm bảo.
Với việc hội nhập thì năng lực cạnh trạnh của nền kinh tế và của doanh nghiệp Việt Nam đã được khẳng định. Sức chống chịu của nền kinh tế, đặc biệt là các sản phẩm của ngành công nghiệp, trong đó công nghiệp chế biến chế tạo cũng như của nông nghiệp đã được tăng lên. Bằng chứng cho thấy, năm 2020, mặc dù kinh tế khó khăn nhưng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản vẫn đạt 41,25 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Đây là con số vô cùng ấn tượng trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, một số các vấn đề tồn tại mà Thủ tướng Chính phủ đã nêu trong báo cáo cần phải làm rõ và phân tích kỹ hơn. Thứ nhất là các vướng mắc bất cập của chính sách pháp luật chưa được sửa đổi kịp thời. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật bộc lộ ra những tồn tại khi thực thi vào cuộc sống. Việc hướng dẫn và ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn bị chậm chễ, ảnh hưởng rất nhiều đến phát triển kinh tế xã hội và đời sống nhân dân. Chưa kể đến nhiều nội dung, quy định của luật pháp đã bộc lộ những bất cập.
Đáng chú ý, một số chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chưa đi vào cuộc sống. Đặc biệt câu chuyện xây dựng cơ chế chính sách, những gói hỗ trợ trong thời gian vừa qua trước tình hình khó khăn do dịch bệnh Covid-19 vẫn chưa đáp ứng được hết yêu cầu của nhân dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nông nghiệp và công nghiệp trong quá trình tái cơ cấu còn chậm và chưa đảm bảo yêu cầu, nhất là đảm bảo sự bền vững theo hướng đáp ứng được yêu cầu của công nghiệp hóa và hiện đại hóa.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh dẫn chứng, hiện còn có nhiều vướng mắc trong hàng loạt chính sách, như Luật Đất đai chậm đổi mới, đây là cản trở trong việc huy động nguồn lực quan trọng phục vụ cho phát triển. Nếu không có đổi mới trong chính sách pháp luật về đất đai thì câu chuyện của kinh tế tập thể và mô hình phát triển của nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, vấn đề căn bản là phải đi vào nguyên nhân sâu xa, đặc biệt là khuôn khổ luật pháp và thể chế để giải quyết triệt để mới có thay đổi trong nhiệm kỳ tới đây.
Ngoài ra, vấn đề phát triển kinh tế vùng chưa thực sự phát triển tương xứng với tiềm năng, liên kết vùng và nội vùng còn bất cập; công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương còn thiếu chặt chẽ. Đây cũng là vấn đề mà trong thời gian tới chúng ta cần phải tổng kết kỹ hơn để đảm bảo cho công tác phối hợp các bộ, ngành, nhất là trong xây dựng pháp luật cũng như phối hợp trong thực thi pháp luật và điều hành về chính sách cần phải được nhìn nhận và tăng cường hơn nữa tính trách nhiệm, kỷ luật hành chính cũng như chất lượng của đội ngũ quản lý, công chức ở các cấp.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận