menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Lan Hoàng Blogstock

Bỏ trần tín dụng: Chưa đến lúc!

Trần tín dụng là câu chuyện không chỉ thu hút sự quan tâm của các ngân hàng, mà còn là trăn trở của cơ quan quản lý.

Bỏ trần tín dụng: Chưa đến lúc!
Tổ chức tín dụng sốt ruột

Câu chuyện đang trở thành tâm điểm của ngành ngân hàng lúc này là nhiều ngân hàng đã “cạn room” tín dụng, đang mong ngóng được nới thêm room để cho vay mới.

Giám đốc nguồn vốn một ngân hàng thương mại cổ phần có trụ sở tại TP.HCM bày tỏ quan điểm: “Trần tín dụng là biện pháp hành chính, chỉ nên thực hiện trong ngắn hạn, chứ không nên kéo dài quá lâu sẽ ảnh hưởng không tốt đến thị trường”.

Được biết, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện việc cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng hàng năm cho từng ngân hàng kể từ năm 2011 đến nay. Trong suốt thời gian đó, Ngân hàng Nhà nước cho biết thường xuyên đánh giá, rà soát, cập nhật việc điều chỉnh tín dụng song song với các biện pháp quản trị vĩ mô khác. Cơ quan này cũng liên tục cập nhật và yêu cầu các tổ chức tín dụng tuân thủ các quy định về hệ số an toàn theo chuẩn quốc tế, nâng cấp từ Basel I lên Basel II và tiến tới Basel III…

Cụ thể hơn, luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Basico chia sẻ, vào năm 2018, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 52/2018/TT-NHNN quy định xếp hạng tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (Thông tư 52). Đây là một văn bản tương đối hoàn chỉnh về hệ thống tiêu chí xác lập để phân loại chất lượng các tổ chức tín dụng.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước phân loại các tổ chức tín dụng làm 5 hạng: A, B, C, D, E; trong đó, hạng A là tốt nhất, hạng E là yếu kém nhất. Các hạng này được xác định trên cơ sở tính điểm, theo thang điểm từ 1 - 5, tương ứng từ tốt nhất cho đến kém nhất.

Cơ sở tính điểm là các tiêu chí: mức độ nhạy cảm đối với rủi ro thị trường, khả năng thanh khoản, kết quả hoạt động kinh doanh, quản trị điều hành và quan trọng nhất là chất lượng tài sản và vốn của mỗi ngân hàng. Quy định tại Thông tư 52 giúp Ngân hàng Nhà nước có thể đánh giá thực chất hơn về tài sản của các ngân hàng.

Ông Hải nêu quan điểm, đúng ra, ngay từ khi Thông tư 52 có hiệu lực, Ngân hàng Nhà nước nên dùng kết quả phân hạng ngân hàng làm căn cứ xác định tỷ lệ giới hạn trần tăng trưởng tín dụng. Việc quản lý như vậy sẽ giúp Thông tư 52 đạt được mục đích tồn tại, đồng thời vừa giúp Ngân hàng Nhà nước kiểm soát tốt chất lượng tín dụng tại các ngân hàng. Ngân hàng nào được xếp hạng tốt có thể được quy định trần tín dụng cởi mở hơn so với ngân hàng trung bình, còn ngân hàng yếu kém có thể áp dụng giới hạn trần tín dụng bằng 0.

Thực tế, kết quả phân hạng tổ chức tín dụng tại Thông tư 52 chưa bao giờ được xác lập thành tiêu chí chính thức và duy nhất cho việc thiết lập trần tín dụng cụ thể của Ngân hàng Nhà nước. Hàng năm, mỗi ngân hàng cổ phần được thông báo một tỷ lệ tăng trưởng tín dụng cụ thể so với năm trước.

“Bỏ trần tín dụng, Ngân hàng Nhà nước vẫn có thể kiểm soát chất lượng tín dụng, rủi ro thanh khoản hệ thống qua hàng loạt tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Ngân hàng Nhà nước cũng còn nguyên các công cụ pháp lý để can thiệp, kiểm soát, giám sát đặc biệt các ngân hàng nguy cơ”, ông Hải nói.

Xung quanh câu chuyện này, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, cho dù đưa tiêu chuẩn quản trị rủi ro vào hoạt động của các ngân hàng thương mại nhưng thực tế cho thấy, tốc độ tăng trưởng tín dụng trong nền kinh tế là rất cao. Cơ quan quản lý chắc chắn thấu hiểu sự sốt ruột của các tổ chức tín dụng khi mục tiêu là huy động vốn trong dân để cho vay nhưng trần tín dụng bị hạn chế, song Ngân hàng Nhà nước có cái khó khi cùng một lúc giữ nhiều trọng trách trong nền kinh tế.

Chưa thể bỏ trần tín dụng

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, tín dụng cũng là một nội dung rất trọng tâm mà Ngân hàng Nhà nước quan tâm trong điều hành. Thực tế, đặc thù của nền kinh tế Việt Nam là vốn đầu tư dựa chủ yếu vào nguồn vốn tín dụng của hệ thống ngân hàng. Hiện nay, dư nợ tín dụng trên GDP của Việt Nam đang ở mức 124% và theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, đây là tỷ lệ gần như cao nhất trên thế giới.

“Nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào tín dụng hệ thống ngân hàng thì mỗi khi có các cú sốc như Covid-19 hay biến động của tình hình kinh tế thế giới, doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn sẽ lập tức ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng. Hệ thống ngân hàng mà mất khả năng chi trả… sẽ hệ lụy đến cả nền kinh tế”, Thống đốc cho biết.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, thực tế áp dụng biện pháp kiểm soát tăng trưởng tín dụng từ năm 2011 đến nay cho thấy đây là một biện pháp rất hiệu quả trong điều hành thị trường tiền tệ.

Trước đây, khi chưa kiểm soát về chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng tăng trưởng tín dụng rất cao, có nhiều năm trên 30%/năm, cá biệt có năm lên đến 53,8%, dẫn tới cuộc đua lãi suất nhằm huy động được nguồn tiền để cho vay.

Theo Thống đốc, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, các ngành nghiên cứu phát triển thị trường vốn. Thị trường vốn phát triển sẽ san sẻ vai trò cung ứng vốn cho cộng đồng doanh nghiệp, cho nền kinh tế với ngành ngân hàng. Theo đó, thị trường vốn sẽ đóng vai trò cung ứng vốn trung và dài hạn chủ yếu cho các doanh nghiệp, còn hệ thống ngân hàng cung ứng dòng vốn ngắn hạn, vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh. Khi ấy, rõ ràng áp lực đối với việc kiểm soát tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước sẽ bớt đi.

tinnhanhchungkhoan.vn

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Lan Hoàng Blogstock

Bấm theo dõi để nhận thêm nội dung bổ ích từ chuyên gia này.

Tìm hiểu thêm về chuyên gia.

Hãy chọn VIP/PRO hàng đầu để nhận kho bài viết chuyên sâu

6 Yêu thích
14 Bình luận 2 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại