24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Chu Thị Thanh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Bỏ trần, quản lý giá vé máy bay cách nào?

Cho rằng trần giá vé máy bay quá thấp đang kìm hãm sự hồi phục, tăng trưởng của ngành hàng không, đại diện các hãng và nhiều chuyên gia kinh tế đồng loạt lên tiếng

Đại diện các hãng hàng không trong nước vừa kiến nghị bỏ giá trần vé máy bay nội địa, để thị trường tự điều tiết.

Giá vé vẫn "đóng khung"

Tại buổi tọa đàm "Khơi thông cơ chế thị trường, tiếp sức hàng không Việt" do Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam tổ chức cuối tuần qua ở Hà Nội, ông Trịnh Ngọc Thành, Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, nhấn mạnh hiện khung giá vé máy bay được quy định bởi Luật Hàng không và có giá trần, giá sàn nhưng thực tế giá sàn bằng 0.

Theo ông Thành, đợt điều chỉnh khung giá vé máy bay gần nhất là tháng 12-2015. Từ đó đến nay, dù các hãng hàng không đều báo cáo giải trình giá thành các yếu tố đầu vào thay đổi thế nào, Cục Hàng không Việt Nam cũng đã có ý kiến nhưng tuyệt nhiên giá vẫn "đóng khung" như cũ.

Ông Nguyễn Mạnh Quân, Tổng Giám đốc Bamboo Airways, nhấn mạnh giá nhiên liệu và tỉ giá, giá dịch vụ đầu vào đều tăng, trong khi giá thành vé máy bay mà cơ quan quản lý nhà nước ban hành đã quá lâu. Giá nhiên liệu bình quân tăng 45%, tỉ giá tăng 68%, giá phục vụ mặt đất ở nước ngoài tăng hơn 200%... Mặt khác, hiện 80% chi phí của các hãng hàng không sử dụng ngoại tệ luôn biến động theo tỉ giá.

"Giá trần vé máy bay từng giữ vai trò rất quan trọng trong lịch sử phát triển của ngành hàng không Việt Nam. Đến nay, vai trò đó đã hoàn thành. Các đường bay có từ 2 hãng hàng không khai thác trở lên nên trả về với cơ chế thị trường" - ông Quân đề xuất.

Bà Hồ Ngọc Yến Phương, Phó Tổng Giám đốc Vietjet Air, bày tỏ lo lắng khi chi phí đầu vào tăng cao, các hãng hàng không phải loay hoay với rất nhiều chi phí phát sinh. Trong khi các hãng hàng không quốc tế tăng giá vé máy bay trên 50% thì thị trường nội địa tuy tăng trưởng mạnh nhưng không vượt ra được ngoài khung giá và cũng vướng khi chưa phụ thu xăng dầu.

"Nếu cơ chế được khơi thông sẽ thúc đẩy hàng không phát triển trong năm 2023, vượt qua 2 năm nặng nề vừa qua để có thể phục hồi" - Phó Tổng Giám đốc Vietjet Air nhấn mạnh.

Các chuyên gia kinh tế, chuyên gia giao thông cũng cho rằng đã đến lúc cơ quan quản lý nên xem xét bỏ giá trần vé máy bay nội địa. Theo TS Lương Hoài Nam, việc áp dụng giá trần tước đi cơ hội khai thác thương mại hiệu quả trong các giai đoạn cao điểm. Một năm chỉ có 2 giai đoạn cao điểm là hè và Tết, thời gian cũng ngắn ngủi. Trong đó, giai đoạn Tết chỉ có cao điểm một chiều, chiều còn lại thường vắng khách.

"Bây giờ, đường bay nào cũng có vài hãng hàng không phục vụ. Một thị trường được quyết định theo nguyên tắc kinh tế thị trường mới là thị trường lành mạnh, bền vững" - TS Lương Hoài Nam nhìn nhận.

Chống độc quyền thao túng giá

Nhiều người tiêu dùng lo lắng nếu bỏ giá trần, vé máy bay sẽ đồng loạt tăng giá. Tổng Giám đốc Bamboo Airways Nguyễn Mạnh Quân nhấn mạnh bỏ giá trần hay nâng giá trần vé máy bay không ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà là đa dạng chính sách giá để cung ứng sản phẩm chất lượng tốt nhất đến khách hàng.

Cho rằng "sớm hay muộn nên bỏ giá trần", GS Trần Thọ Đạt, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, lưu ý cần có công thức điều hành giá và tạo khung dao động để bảo đảm mức độ cạnh tranh bình đẳng, minh bạch, phù hợp lợi ích của người dân. Cơ chế quản lý giá có yếu tố đặc thù thì nên tham khảo kinh nghiệm của các nước để bảo đảm sự phát triển của ngành hàng không Việt Nam bền vững.

Ủng hộ bỏ khung giá trần vé máy bay song ông Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ - cho rằng nhà nước cần có các công cụ để giám sát, điều tiết, chống độc quyền thao túng giá cả làm tổn hại đến lợi ích của người tiêu dùng.

Trong khi đó, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, nhấn mạnh nên có một ủy ban độc lập về quản lý hàng không, trong đó có các thành viên chịu trách nhiệm về pháp lý. Trên cơ sở đó, các hãng đề xuất và điều chỉnh giá vé linh hoạt, nhanh nhạy, kịp thời hơn so với thị trường thế giới để phản ánh đúng, đủ các biến số đầu vào như giá xăng dầu, biến động của tỉ giá. Đơn cử, cơ chế giá xăng dầu đã có sự điều chỉnh giữa liên bộ Tài chính - Công Thương.

TS Lê Đăng Doanh nêu ý kiến: "Vì thế, cơ quan quản lý nhà nước cần xem xét có sự điều chỉnh thích nghi để cơ chế quản lý giá bám sát thị trường, phản ánh diễn biến của thị trường, là công cụ cạnh tranh của các hãng hàng không. Với nỗ lực của nhà nước trong việc thay đổi cơ chế điều chỉnh giá vé máy bay, kỳ vọng thời gian tới, tình hình thị trường hàng không sẽ cải thiện và tiến bộ".

Đừng "ngồi với nhau" thỏa thuận giá

TS Lương Hoài Nam lưu ý các hãng hàng không đừng "ngồi với nhau" thỏa thuận giá vì như thế sẽ vi phạm Luật Cạnh tranh.

Theo TS Lương Hoài Nam, trên thế giới đã có trường hợp các hãng hàng không bắt tay thỏa thuận giá và bị phạt tới 200 triệu USD, còn người trực tiếp tham gia thỏa thuận phải nhận án tù.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả