Bộ TN-MT đóng cửa một phần mỏ than mỡ lớn nhất Đông Nam Á
Thời gian thực hiện đóng cửa một phần mỏ Bắc Làng Cẩm tính đến tháng 7/2022. Kinh phí thực hiện hơn lên tới 20,2 tỷ đồng bằng nguồn kinh phí của Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên.
Sau một thời gian dài khai thác bằng phương pháp lộ thiên gây ra nhiều “tai tiếng,” Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ban hành quyết định đóng cửa một phần mỏ than Bắc Làng Cẩm (thuộc mỏ than Phấn Mễ - mỏ than mỡ lớn nhất khu vực Đông Nam Á) do Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên quản lý tại xã Phục Linh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên cho biết mục đích đóng cửa một phần mỏ than Bắc Làng Cẩm trên nhằm bảo vệ tài nguyên, khoáng sản thuộc phần khoáng sản chưa khai thác; thanh lý tài nguyên thuộc phần diện tích đã khai thác hết trữ lượng; cải tạo, phục hồi môi trường đất đai khu vực đã khai thác.
Theo đó, tổng diện tích khu vực đóng cửa mỏ là gần 186 hécta, trong đó diện tích moong khai thác hơn 92 hécta; diện tích bãi thải hơn 93 hécta.
Thời gian thực hiện đóng cửa mỏ đến tháng 7/2022. Kinh phí thực hiện hơn 20,2 tỷ đồng bằng nguồn kinh phí của Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên.
Toàn bộ diện tích đất sau khi đóng cửa mỏ, Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên sẽ bàn giao cho Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Nguyên quản lý theo quy định.
Để đảm bảo việc đóng cửa mỏ, Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu Công ty Cổ phần gang thép Thái Nguyên có trách nhiệm thực hiện đầy đủ khối lượng của từng hạng mục công việc theo tiến độ của đề án đóng cửa mỏ; bảo đảm an toàn lao động, bảo vệ môi trường, thực hiện đầy đủ công tác quan trắc môi trường trong quá trình thực hiện đóng cửa mỏ theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, Công ty Cổ phần gang thép Thái Nguyên có trách nhiệm quản lý, bảo vệ tài nguyên than mỡ còn lại chưa được huy động khai thác trong phạm vi ranh giới khu vực khai thác đã được cấp phép; thu hồi, quản lý, sử dụng khối lượng than mỡ nằm xem kẹt trong đất đá trong quá trình san gạt, cải tạo hạng mục thi công.
Trên cơ sở đó, Công ty Cổ phần gang thép Thái Nguyên báo cáo Tổng cục Địa chất Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) khi hoàn thành toàn bộ việc đóng cửa mỏ để tổ chức kiểm tra, nghiệm thu kết quả thực hiện.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Nguyên có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị liên quan của tỉnh giám sát quá trình thực hiện công tác đóng cửa mỏ và giám sát việc thu hồi khối lượng than mỡ nằm xen kẹt trong đất, đá trong quá trình san gạt, cải tạo; kịp thời ngăn chặn và xử lý các hiện tượng khai thác, thu hồi và huy động khối lượng than mỡ còn lại (dưới mức âm 230 mét) trong khu vực đóng cửa mỏ.
Trước đó, ngày 21/3/2021, Báo Điện tử VietnamPlus đã có bài viết “Mỏ than Phấn Mễ chưa xong giấy phép: Bộ lệnh dừng, TISCO vẫn khai thác” phản ánh từ năm 2012 đến đầu năm 2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ít nhất 4 lần gửi văn bản yêu cầu mỏ than Phấn Mễ do Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên quản lý, tạm dừng việc hoạt động khai thác để thực hiện thủ tục lập hồ cơ cấp lại giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định của Luật Khoáng sản năm 2010.
Thế nhưng, suốt gần một thập kỷ qua, hoạt động khai thác “vàng đen” tại mỏ than khổng lồ này vẫn vô tư diễn ra, gây thất thoát tài nguyên quốc gia và tốn không ít giấy mực nhưng sau tất cả, “con voi vẫn chui lọt lỗ kim”.
Trên cơ sở đó, từ ngày 10-13/3/2021, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã tổ chức đoàn đi kiểm tra hoạt động sản xuất, khai thác “vàng đen” tại mỏ than Phấn Mễ.
Trong quá trình kiểm tra, đoàn công tác đã làm việc với Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên và mỏ than Phấn Mễ về các nội dung liên quan như: Vấn đề thuế, phí; việc chậm hoàn thiện hồ sơ cấp lại giấy phép khai thác mới, đặc biệt là việc tự ý chuyển đổi hình thức khai thác từ lộ thiên sang khai thác hầm lo khi chưa có giấy phép, chưa được sự cho phép của cơ quan chức năng../.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận