Bỏ tiền tỷ chơi cây, lan: Tình yêu rau muống, củi khô?
Loạt thương vụ bỏ hàng chục tỷ mua cây cảnh, phong lan trong thời gian qua khiến người dân choáng váng.
Giữa tháng 6/2020, ông Phan Văn Toàn (biệt danh Toàn đô-la, TP. Việt Trì - Phú Thọ) đã bỏ ra 28 tỷ đồng mua cây sanh Tiên lão giáng trần từ ông Nguyễn Văn Chí (Thường Tín, TP. Hà Nội).
Sự kiện này đã gây chấn động cả làng cây cảnh Việt Nam. Bởi chỉ 4 tháng trước đó, cây sanh Tiên lão giáng trần được ông Nguyễn Văn Chí mua lại của ông Dương Mười với giá 16 tỷ đồng.
Trao đổi với Đất Việt, ông Toàn đô-la xác nhận bản thân đã theo đuổi cây sanh Tiên lão giáng trần từ lâu và sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn lên tới hàng chục tỷ đồng để đưa cây này về bộ sưu tập "cây khủng" trong vườn của mình.
Trong những năm trở lại đây, việc giao dịch cây cảnh có giá tiền tỷ không còn là lạ trong giới chơi cây của Việt Nam. Những thương vụ bạc tỷ cũng thường xuyên diễn ra với những người chơi phong lan.
Đơn cử như vào đầu tháng 6/2020, một đại gia ở TP. Hà Nội bỏ ra 5 tỷ đồng để mua một giò lan đột biến có 4 ngọn với tổng chiều dài 1,2m. Mỗi nhánh mắt ngủ dài chỉ vài cm của cây lan này cũng được rao bán với giá hàng trăm triệu đồng.
Thậm chí vào năm 2018, giới chơi lan còn xôn xao trước thông tin một thương vụ mua bán lan đột biến có giá lên tới 17 tỷ đồng khiến chấn động cả nước vào thời điểm đó.
Tuy nhiên, một nghệ nhân chơi cây cảnh nổi tiếng ở Nam Định cho rằng, trong những thương vụ mua bán lan thấy có nhiều dấu hiệu "thổi giá" hơn là tại các cuộc giao dịch cây cảnh.
Theo vị này, dòng lan đột biến mới được chơi rộ trong 3 - 4 năm trở lại đây. Còn cây cảnh thì đã có từ lâu đời, thậm chí đã trở thành truyền thống của Việt Nam, nhiều khu vực còn sản sinh ra những làng nghề chuyên về cây cảnh.
"Lan trồng dễ, cũng không khó chăm sóc. Việc nhân giống một cây lan hầu như ai cũng làm được, từ một cây mẹ chỉ sau khoảng 3 - 4 năm là ra hàng chục cây con như rau muống.
Còn với cây cảnh lại khác, có khi cả trăm năm mới tạo ra được một cây có giá. Thậm chí, những cây đó vẫn còn được chỉnh sửa trong hàng chục năm tiếp theo mới hoàn thiện.
Chính vì thế, việc cây cảnh có giá hàng chục tỷ đồng không có gì lạ, còn bỏ tiền tỷ ra mua lan thì chỉ có những người chạy theo phong trào" - vị này cho biết.
Trong khi đó, anh Trần Đức Chiến - chủ một vườn lan ở Lâm Đồng cho rằng, việc bỏ tiền tỷ mua lan đột biến không phải vì chạy theo phong trào mà đó là sự thể hiện tình yêu đích thực với cái đẹp của thiên nhiên.
"Mỗi loại chơi đều có thú vui khác nhau, quan trọng là sở thích của mỗi người. Những người đam mê, yêu thích phong lan thì ở nhiều tầng lớp, chứ không chỉ phục vụ đại gia như cây cảnh.
Chỉ cần bỏ ra vài trăm nghìn đồng cũng có hoa lan để chơi, còn những cây có giá tiền tỷ thì đó thực sự là những cây quý hiếm, có 1 không 2" - anh Chiến bày tỏ.
Theo anh Chiến, thú chơi cây, hoa ngày nay thường gắn liền với lợi ích kinh tế và cái danh chứ không còn thỏa mãn sự đam mê của mỗi con người. Chính vì thế, trong bất cứ lĩnh vực nào cũng có biểu hiện của sự làm giá, quan trọng nhất là sở thích và điều kiện của mỗi người.
"Như tôi không thích cây, đứng trước một cây sanh có giá cả tỷ đồng với một giò lan đột biến thì tôi cũng sẽ chọn lan chứ lấy cây như củi khô về cũng chẳng để làm gì.
Đã là thú chơi thì nó vô vùng, tùy vào quan niệm của mỗi người, không phải vì sở thích của mình mà coi rẻ đam mê của người khác" - ông Chiến bày tỏ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận