Bỏ Tết Ta, nhập Tết Tây dưới góc nhìn của những nhà kinh tế
Như thành lệ, cứ một dịp giáp Tết, đâu đó trên truyền thông – bây giờ là cả mạng xã hội – lại rộ lên những ý kiến đòi bỏ Tết âm lịch (Tết Ta), chuyển hẳn theo Tây lịch, để hội nhập với thế giới.
GS. Võ Tòng Xuân chưa hẳn đã là người đầu tiên đề xuất "bỏ Tết cổ truyền" nhưng quan điểm của ông đã gây bão trên truyền thông.
14 năm kể từ lần ý kiến ấy, cứ mỗi dịp giáp Tết, trên báo chí – bây giờ là cả mạng xã hội – lại rộ lên những ý kiến đòi bỏ Tết âm lịch (Tết Ta). Và ngay lập tức, những quan điểm phản biện lại lên tiếng.
Nhóm ủng hộ bỏ Tết Ta dù thừa nhận tính truyền thống và phong tục Tết tự bao đời nhưng cho rằng văn hóa và thuần phong mỹ tục không chỉ ở cái Tết. Họ nhìn Tết với nhiều góc khuất như đem lại nhiều tai nạn, rượu chè, bài bạc hay đủ thứ thói hư tật xấu.
GS. Võ Tòng Xuân phân tích: người dân Việt Nam đã ăn Tết ta từ sau rằm tháng Chạp (15/12 Âm lịch). Công việc trì trệ, người dân uể oải, đường sá kẹt cứng… Đi đâu, có việc gì, người ta cũng nói “thôi, lo ăn tết đã”. Và người ta ăn tết ít nhất đến tận rằm tháng Giêng, thế là công việc bê trễ, xã hội thì tốt kém.
Tết làm lãng phí nguồn lực?
Dưới góc nhìn của một nhà kinh tế học, TS. Lê Hồng Giang (chuyên gia tài chính tại Australia) cho rằng Tết làm gia tăng yếu tố mùa vụ của nền kinh tế Việt Nam, dẫn đến lãng phí nguồn lực (do năng lực sản xuất bỏ không (capacity idling)) rất lớn.
Về phương diện vĩ mô, việc gia tăng tiêu dùng rất lớn trong dịp Tết luôn tạo sức ép lên mặt bằng giá cả, gây khó khăn cho những chính sách ổn định kinh tế. Dù khó đánh giá chính xác nhưng nhiều khả năng thói quen “ăn Tết” lớn của người Việt cũng làm giảm tổng tiết kiệm của toàn xã hội, ảnh hưởng đến đầu tư và cán cân thanh toán.
“Một khía cạnh vĩ mô khác ít người để ý là mức độ sử dụng (capacity utilization) của nền kinh tế giảm mạnh, thấp hơn công suất tiềm năng trong giai đoạn Tết, gây ra một sự lãng phí nguồn lực rất lớn. Có thể thấy điều này khá rõ qua số liệu thống kê GDP theo quí của Việt Nam. Trong vòng 10 năm lại đây (từ quí 1-2005 đến quí 4-2014), GDP(*) trung bình của quí 1 (quí có Tết) chỉ chiếm khoảng 18% GDP của cả năm”, TS. Giang phân tích trong một bài viết sau Tết Ất Mùi 2015 trên TBKTSG.
Mới nhất, hôm 20/1/2020, trong một dòng trạng thái trên trang cá nhân. ông Giang nhắc lại vấn đề này và bình luận: “Bỏ Tết (ví dụ nhập Tết ta với Tết Tây như Nhật) chưa chắc giải quyết được vấn đề này, nhưng nền kinh tế/xã hội Việt Nam cần một cú hích để (may ra) có thể thay đổi được thói quen "ăn Tết" rất phi kinh tế hiện tại”.
Vị chuyên gia tài chính gốc Việt giàu uy tín này nhìn chuyện thay đổi bộ lịch một cách bình thản. “Nhiều quốc gia đã thay đổi lịch trong quá khứ mà chẳng hề hấn gì (ngay cả âm lịch của Việt Nam/Trung Quốc cũng đã được hiệu chỉnh nhiều lần)”, ông viết và bày tỏ: “Chuyển reference ngày đầu năm từ bộ lịch này sang bộ lịch kia có gì là ghê gớm về khía cạnh văn hóa/truyền thống/tâm linh/nhịp sinh học....”.
Cũng là một nhà kinh tế học nhưng TS. Huỳnh Thế Du của Đại học Fulight lại nghĩ khác.
“Tết tất cả đều dừng lại thì những người phải làm quần quật cả năm mới có dịp ngừng tay. Dịp duy nhất như vậy đối với nhiều người sao lại đòi bỏ đi? Nếu tính tổng phúc lợi của tất cả những người trong xã hội thì Tết có thể tốn kém. Nền kinh tế bị dừng, và những người khá giả hơn (chủ yếu là thị dân) có thể cảm thấy gánh nặng của cái Tết.
Tuy nhiên, bỏ Tết là hy sinh lợi ích của những người khó khăn hơn cho những người khá giả hơn. Điều này không khác gì việc ném những nô lệ hay tù binh để thú dữ xé xác trong đấu trường La Mã thời cổ xưa nhằm vì niềm vui cuồng loạn của những người trên khán đài.
Bây giờ chưa phải lúc để đặt vấn đề bỏ tết vì nhiều người còn cần (đó là chưa kể khía cạnh truyền thống). Có thể đặt vấn đề này sau năm 2045 với điều kiện Việt Nam đã trở thành một quốc gia phát triển”, ông Du viết trong dòng trạng thái vào rạng sáng ngày 19/01/2020 với chủ đề “Xin đừng đặt vấn đề bỏ Tết!”, cũng là cơ sở để TS. Lê Hồng Giang có dòng trạng thái phản biện vào hôm 20/01.
Ông Giang không tán đồng quan điểm Tết có lợi cho người nghèo: “Quan điểm của tôi là bất kể Tết có lợi cho người nghèo hay không, cách tốt nhất giúp họ (nâng cao welfare) là các chính sách/hành động trợ giúp trực tiếp. Chí ít như thế không gây hại cho những người coi Tết là một gánh nặng.”
Nhập Tết Ta vào Tết Tây? Còn khó hơn đội đá vá trời!
TS. Huỳnh Thế Du phân tích khía cạnh hiệu quả kinh tế - lập luận quan trọng nhất của quan điểm nhập Tết. “Kết quả cho thấy, lập luận nhập tết để hiệu quả hơn rất kém thuyết phục”, ông kết luận trong dòng trạng thái trên trang cá nhân hôm 21/1.
Ông Du đưa ra 3 luận điểm để chứng minh. Thứ nhất, không có dấu hiệu cho thấy nhập Tết sẽ hiệu quả hơn trong quan hệ kinh tế với các đối tác của Việt Nam. Lập luận chính của việc nhập tết là để cùng nhịp với các đối tác kinh tế, không bỏ lỡ cơ hội của Việt Nam. Tuy nhiên, nếu lấy thương mại hai chiều và vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài làm thước đo thì kết quả cho thấy ăn tết âm lịch như hiện tại tốt hơn so với việc chuyển.
Đối với các nước Asean, đa phần (kể cả Philippin) những đợt nghỉ chính (2 ngày trở lên) không phải là dịp tết dương lịch, đặc biệt gần một nửa dân số Asean (Indonesia và Malaysia) theo lịch Hồi giáo; và đối với 12% còn lại, rất đông là Hồi giáo và Ấn Độ, đợt nghỉ chính dài ngày cũng không phải là dịp tết dương lịch.
Do vậy, nếu có điều chỉnh lịch nghỉ thì không giải quyết được vấn đề vênh với nhóm các nước đang chiếm hơn 20% khối lượng giao dịch thương mại với Việt Nam.
So sánh hai nhóm chính là các nước ăn tết âm lịch và dương lịch, nếu chuyển thì tỷ phần bị lệch là 43%, bù lại số phần không bị lệch là 35%. Như vậy, tình trạng sẽ tệ đi.
Nhìn vào vốn đầu tư nước ngoài thì tình hình còn tệ hơn. Lũy kế đến hết năm 2019, nhóm nước ăn tết âm chiếm hơn 52%, ASEAN (trừ Singapore) chiếm 7%, các thiên đường thuế (chia cho nhiều nước) chiếm 10%, còn lại là các nước khác.
Hơn thế, nếu nhìn vào các nước theo dương lịch thì dịp nghỉ chính của họ cũng rất khác.
Ví dụ, dịp nghỉ chính của Mỹ là Lễ tạ ơn vào tháng 11 hàng năm. Chính thức chỉ có một ngày, nhưng tổng thời gian thường là 5 ngày (từ thứ tư đến chủ nhật). Dịp giáng sinh và năm mới cũng có nhiều người lấy phép nghỉ cả tuần như ngày tết ở Việt Nam cho dù chính thức chỉ có 2 ngày.
Thứ hai, nhìn trên bình diện toàn cầu sẽ là thảm họa cho nhân loại vì nhu cầu quá cao ở một thời điểm. Giả sử lập luận Việt Nam ăn tết theo dương lịch sẽ gia tăng hiệu quả là đúng cho Việt Nam thì có thể suy luận tương tự đối với các nước khác.
“Nếu cả thế giới cùng ăn tết dài ngày một lần sẽ là thảm họa vì nhu cầu của rất nhiều hàng hóa dịch vụ sẽ tăng cao quá mức. Khả năng trái đất sẽ nổ tung hoặc ngày tận thế sẽ đến nhanh hơn là rất cao”, TS. Du viết một cách hóm hỉnh và lấy ví dụ: Trong những ngày tết, các hãng hàng không của Việt Nam có thể thuê tạm máy bay của Campuchia hay Indonesia để tăng cường cho các chuyến bay trong nước. Nếu các nước cùng ăn tết giống nhau thì việc thuê lại là không thể.
Vị giảng viên của FUV cho rằng, sự đa dạng trong các ngày nghỉ của các nước trên thế giới hiện nay đang tạo ra sự hài hòa hơn về việc sử dụng các nguồn lực của nhân loại so với tất cả đều giống nhau.
Việc bỏ (chuyển) Tết ta còn có trở ngại thứ 3, theo ông Du, đó là khó khả thi về khía cạnh văn hóa truyền thống. Những giá trị của các cộng đồng (đa phần là vô hình) là rất quan trọng. Chúng là những sợi dây tạo ra sự gắn kết của cộng đồng, tạo dựng niềm tin và vốn xã hội. “Những ngày nghỉ và lễ hội không đơn thuần là tự đặt ra mà nó còn có ý nghĩa văn hóa, tâm linh và niềm tin của các cộng đồng. Mọi người sẽ nghĩ thế nào nếu ai đó đưa ra đề xuất nhập các ngày lễ Phật Đản, Ramadan và Giáng sinh vào với nhau cả cho hiệu quả?”, ông Du đặt vấn đề.
Với 3 luận điểm đã nêu ra, ông Du nhận định, trong bối cảnh Việt Nam hiện tại, việc bỏ hay chuyển Tết còn khó hơn đội đá vá trời.
“Tóm lại, tôi cho rằng Tết là cần thiết ở Việt Nam và khó có thể bỏ” – quan điểm của TS. Huỳnh Thế Du.
Thực tế, không chỉ TS. Lê Hồng Giang hay TS. Huỳnh Thế Du, nhiều chuyên gia kinh tế cũng đã đưa ra nhiều phân tích về tác động của Tết và kỳ nghỉ Tết với nền kinh tế.
Thậm chí, một số ý kiến còn tính toán rằng nghỉ kết có thể làm GDP giảm từ 2 – 5%. Tuy nhiên, các con số này cũng mới chỉ là là ước lượng. Để người dân và các nhà hoạch định chính sách có thể thảo luận và cân nhắc đề xuất bỏ hay chuyển Tết thì cần một đánh giá có tính học thuật cao hơn./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận