Bộ Tài chính ứng xử thế nào khi nguồn thu thuế thu nhập cá nhân gia tăng?
Bất chấp khủng hoảng COVID-19, nguồn thu thuế thu nhập cá nhân vẫn liên tiếp gia tăng và Bộ Tài chính vẫn "sẽ tiếp tục nghiên cứu" trước đề xuất giảm mức thuế...
Trong bối cảnh thu nhập bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, cùng với các chi phí, giá cả liên tục tăng cao, thời gian gần đây đã có ý kiến đề cập đến tính hợp lý của thuế thu nhập cá nhân (TNCN) cũng như mức giảm trừ gia cảnh.
Theo đó, có ý kiến cho rằng mức giảm trừ gia cảnh nên được căn cứ theo mức lương tối thiểu vùng để mỗi năm khi tăng mức lương tối thiểu vùng thì mức giảm trừ cũng tự động tăng theo, thay vì cột cứng ở mức cố định như hiện nay khiến người lao động chịu nhiều thiệt thòi.
Cùng với đó, cần tăng mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc lên bằng 70% mức giảm trừ của người lao động, thay vì mức 4,4 triệu đồng/tháng đã quá lạc hậu trong bối cảnh hiện nay.
Ngày 4/4, Bộ Tài chính tiếp tục có thông tin chính thức trả lời những ý kiến trên cũng như các vấn đề liên quan.
KHÔNG CÓ THÔNG TIN GÌ MỚI...
Đầu tiên, Bộ Tài chính cho biết, theo quy định của Luật Thuế TNCN hiện hành, cá nhân được trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trừ đi mức giảm trừ gia cảnh, các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, các khoản phụ cấp, trợ cấp được trừ (nếu có)… số còn lại mới là thu nhập làm căn cứ tính thuế TNCN.
Đối với các cá nhân là người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nếu bị mất việc làm, không có thu nhập hoặc thu nhập chưa đến mức phải nộp thuế thì không phải nộp thuế. Các khoản trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm... cũng không tính vào thu nhập chịu thuế của cá nhân.
Đồng thời Bộ Tài chính dẫn lại việc ngày 02/6/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế TNCN. Theo đó, điều chỉnh nâng mức giảm trừ cho người nộp thuế từ 9 triệu đồng/tháng lên 11 triệu đồng/tháng, cho mỗi người phụ thuộc từ 3,6 triệu đồng/tháng lên 4,4 triệu đồng/tháng và áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2020.
Theo đó, với việc điều chỉnh nâng mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế thì người có thu nhập từ tiền lương, tiền công 17 triệu đồng/tháng (nếu có 1 người phụ thuộc) hay 22 triệu đồng/tháng (nếu có 2 người phụ thuộc) cũng chưa phải nộp thuế TNCN.
"Trường hợp cá nhân có thu nhập lớn hơn các mức nêu trên (17 triệu đồng/tháng, 22 triệu đồng/tháng) thì số thuế phải nộp cũng rất nhỏ so với thu nhập của cá nhân", Bộ Tài chính cho biết.
Bộ Tài chính lấy ví dụ, với một người phụ thuộc, cá nhân có thu nhập 40 triệu đồng/tháng thì số thuế thu nhập cá nhân phải nộp là 6,61%/thu nhập; thu nhập 60 triệu đồng/tháng thì thuế phải nộp là 11,86%/thu nhập; thu nhập 80 triệu đồng/tháng thì thuế phải nộp là 15,74%/thu nhập; thu nhập 100 triệu đồng/tháng thì thuế phải nộp là 18,66%/thu nhập.
Theo Bộ Tài chính, chỉ đối với cá nhân có thu nhập ở mức cao trên 100 triệu đồng thì số thuế phải nộp mới ở tỷ lệ cao hơn 20%/thu nhập. Cụ thể, cá nhân có thu nhập 110 triệu đồng/tháng thì số thuế phải nộp là 20,15%/thu nhập; thu nhập 150 triệu đồng/tháng thì số thuế phải nộp là 24,11%/thu nhập...
Trước đó, liên quan đến những vướng mắc cũng như thông tin trái chiều về thực hiện Luật thuế TNCN, Bộ Tài chính từng cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu để có điều chỉnh phù hợp khi sửa luật thuế này, tuy nhiên không khẳng định hay đưa ra lộ trình về việc trình Chính phủ để giảm thuế.
Có thể thấy đây cũng không phải là lần đầu tiên dư luận lên tiếng về sự bất hợp lý của sắc thuế TNCN. Đồng thời cũng không phải lần đầu tiên cơ quan liên quan có phản hồi về vấn đề này.
Vào tháng 8/2021, như đã thông tin, khi có dự thảo Nghị quyết về một số giải pháp thu ngân sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19, trước dư luận tố Bộ Tài chính đã "bỏ rơi" người làm công ăn lương do không có đề xuất giảm thuế TNCN cho đối tượng này, Tổng cục Thuế cũng đã có phản hồi chính thức.
Và phản hồi ở thời điểm đó của cơ quan này cũng không có khác biệt so với thông tin Bộ Tài chính vừa lên tiếng ngày 4/4.
THẤY GÌ TỪ ĐÓNG GÓP CỦA THUẾ TNCN VÀO NGÂN SÁCH?
Theo số liệu mới nhất từ Bộ Tài chính, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2022, số thu từ thuế TNCN đã ước đạt 50.700 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với cùng kỳ, hoàn thành gần một nửa kế hoạch của năm 2022.
Nhìn lại, dữ liệu thống kê, trong hơn chục năm qua, lượng thuế TNCN đóng góp vào ngân sách đã liên tục gia tăng và trở thành một khoản thu quan trọng trong cơ cấu.
Bộ Tài chính cũng từng đánh giá, số thu từ thuế TNCN đã không ngừng gia tăng trong các năm qua. Nếu như trước kia, cơ cấu thu ngân sách thuế TNCN chiếm tỷ trọng khá khiêm tốn thì nay sắc thuế này đã tăng lên tới mức thuộc nhóm có đóng góp khá.
Trong hơn 1 thập kỷ qua, nguồn thu này đã liên tục có mức tăng trưởng ấn tượng qua từng năm. Từ mức chỉ gần 5.180 tỷ năm 2006 đã tăng hơn 20 lần, lên 108.000 tỷ năm 2020; khoảng 123.000 tỷ đồng năm 2021 và đã đạt 50.700 tỷ đồng chỉ trong quý 1/2022.
Về cơ cấu, tỷ trọng đóng góp trong tổng thu ngân sách của thuế TNCN cũng đã tăng trên 4,5 lần trong hơn 1 thập kỷ qua. Từ 1,85% vào năm 2006 lên mức khoảng 8,5% theo số liệu ước tính của năm 2020.
Theo Tổng cục Thuế, Việt Nam hiện có khoảng 50 triệu người trong diện nộp thuế TNCN. Mức thuế TNCN tại Việt Nam hiện theo lũy tiến 7 bậc, thấp nhất là 5%, mức cao nhất là 35%.Trao đổi với báo chí, LS. Trương Thanh Đức cho rằng biểu thuế TNCN hiện nay nên giảm từ 7 bậc thuế xuống chỉ còn 3 bậc. Theo đó, bậc thấp (với người thu nhập dưới 30 triệu đồng), bậc trung bình (trên 30 - 100 triệu đồng) và bậc cao (trên 100 triệu đồng). Trong đó, bậc thấp chỉ thu thuế mức 5%, bậc trung bình 10%, bậc cao 20%.Đồng quan điểm, cùng với giảm số bậc chịu thuế, Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cũng đề xuất nên nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế lên 15 - 20 triệu đồng. |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận