Bộ Tài chính tính thu ngân sách nhà nước hơn 1,3 triệu tỷ đồng năm 2021
Dự toán thu cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021 là 1.343,3 nghìn tỷ đồng, tăng 1,5% so với ước thực hiện năm 2020, giảm 11,1% so với dự toán năm 2020. Tỷ lệ huy động vào NSNN khoảng 15,5% GDP điều chỉnh, trong đó từ thuế, phí khoảng 13% GDP .
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến đóng góp về “Báo cáo công khai dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 Chính phủ trình Quốc hội”.
Theo đó, mục tiêu NSNN năm 2021 là huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước để ổn định vĩ mô, thúc đẩy phục hồi kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; thực hiện cơ cấu lại NSNN gắn với việc sắp xếp tổ chức lại bộ máy, tinh giản biên chế, đổi mới khu vực sự nghiệp công lập; tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách, triệt để tiết kiệm chi NSNN.
Báo cáo nêu rõ, dự toán thu cân đối NSNN năm 2021 là 1.343,3 nghìn tỷ đồng, tăng 1,5% so với ước thực hiện năm 2020, giảm 11,1% so với dự toán năm 2020. Tỷ lệ huy động vào NSNN khoảng 15,5% GDP điều chỉnh, trong đó từ thuế, phí khoảng 13% GDP.
Dự toán thu nội địa là 1.133,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 84,4% tổng thu cân đối NSNN, đáp ứng yêu cầu tỷ trọng thu nội địa ngày càng cao trong cơ cấu thu ngân sách (dự toán năm 2020 là 83,6%; ước thực hiện là 84,3%).
Dự toán thu dầu thô là 23,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 1,7% tổng thu cân đối NSNN; trên cơ sở sản lượng khai thác khoảng 8 triệu tấn, giá dự toán 45 USD/thùng.
Dự toán thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu là178,5 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 13,3% tổng thu cân đối NSNN. Dự toán thu viện trợ là 8,13 nghìn tỷ đồng.
Dự kiến dự toán chi cân đối NSNN năm 2021 là 1.687 nghìn tỷ đồng, thấp hơn 60,1 nghìn tỷ đồng (-3,4%) so dự toán năm 2020. Dự kiến bố trí dự toán chi NSNN cho một số nhiệm vụ chủ yếu như chi đầu tư phát triển: 477,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 28,3% tổng chi NSNN (dự toán năm 2020 là 26,9%), tăng 6,7 nghìn tỷ đồng so dự toán năm 2020.
Chi trả nợ lãi là 110,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 6,5% tổng chi NSNN, giảm 8,1 nghìn tỷ đồng so với dự toán năm 2020.
Chi thường xuyên là 1.036,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 61,4% tổng chi NSNN, giảm khoảng 20 nghìn tỷ đồng (-1,9%) so với dự toán năm 2020. Đồng thời, chưa cân đối được nguồn để thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên 1,6 triệu đồng, cũng như điều chỉnh chuẩn nghèo cho giai đoạn tới.
Báo cáo cũng nêu rõ, trong bối cảnh thu NSNN chưa thể phục hồi, để có nguồn lực bố trí chi đầu tư phát triển, góp phần kích thích tăng trưởng kinh tế; tỷ lệ bội chi NSNN năm 2021 dự kiến khoảng 4% GDP điều chỉnh (tương ứng 343,67 nghìn tỷ đồng). Đến hết năm 2021, dự kiến dư nợ công khoảng 46,1%GDP điều chỉnh, dư nợ Chính phủ khoảng 41,9%GDP điều chỉnh.
Về thu chi NSNN giai đoạn 2021 - 2023, báo cáo cũng đặt ra các chỉ tiêu. Về thu NSNN phấn đấu khoảng 4,33 triệu tỷ đồng; tỷ lệ huy động thu vào NSNN bình quân 15,5%GDP điều chỉnh (từ thuế, phí 13%GDP). Tiếp tục cơ cấu lại thu NSNN, tăng tỷ trọng thu nội địa, dự kiến đến năm 2023 khoảng 85 - 86%.
Về chi NSNN khoảng 5,4 triệu tỷ đồng. Tỷ lệ bội chi NSNN bình quân giai đoạn 2021 - 2023 dự kiến khoảng 3,8% GDP điều chỉnh. Nợ công đến năm 2023 khoảng 48,1% GDP điều chỉnh, nợ Chính phủ khoảng 44,1%GDP điều chỉnh.
Bộ Tài chính cho biết, dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh, sức cầu tiêu dùng của xã hội, từ đó tác động đến số thu, chi và cân đối NSNN năm 2020.
Ước cả năm 2020 thu NSNN đạt 1.323,1 nghìn tỷ đồng, giảm 189,2 nghìn tỷ đồng (-12,5%) so dự toán, giảm 14,7% so thực hiện năm 2019; tỷ lệ huy động vào NSNN đạt 20,7% GDP, riêng huy động từ thuế, phí đạt 17,2% GDP.
Về chi NSNN, ước thực hiện cả năm 2020 đạt 1.686,2 nghìn tỷ đồng, giảm 60,89 nghìn tỷ đồng (-3,5%) so dự toán.
Do tác động của dịch bệnh Covid-19, thiên tai, việc triển khai các biện pháp thu - chi NSNN hỗ trợ nền kinh tế, nên đánh giá bội chi NSNN năm 2020 ước khoảng 319,46-357,96 nghìn tỷ đồng, bằng 4,99 - 5,59% GDP.
Đại diện Bộ Tài chính cho biết, hiện “Báo cáo công khai dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 Chính phủ trình Quốc hội” đang được đăng tải công khai trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Tài chính nhằm lấy ý kiến đóng góp của các tổ chức, cá nhân để đưa công tác xây dựng dự toán ngân sách nhà nước ngày càng minh bạch, hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và hướng tới các mục tiêu phục vụ xã hội, cộng đồng một cách tốt nhất.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận