Bộ Tài chính nói gì về minh bạch thu chi tiền công đức của 9.000 lễ hội, gần 56.000 di tích?
Việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích, hoạt động lễ hội còn nhiều bất cập, có xu hướng thương mại hoá và lợi dụng tổ chức lễ hội vì mục đích kinh tế. Vì vậy, với Thông tư 04 vừa ban hành, Bộ Tài chính kỳ vọng sẽ có thể công khai, minh bạch trong thu chi tài chính tổ chức của gần 9.000 lễ hội và tiền công đức của gần 60.000 di tích trên cả nước.
Bộ Tài chính vừa đã ban hành Thông tư số 04 hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội. Đây được coi là văn bản pháp lý quan trọng góp phần quản lý minh bạch tiền công đức, tài trợ nhưng vẫn không gây cản trở các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng.
Bà Vũ Thị Hải Yến - Phó Vụ trưởng Vụ Hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính - cho biết, theo thống kê, hiện cả nước có gần 9.000 lễ hội. Trong đó, có khoảng 7.000 lễ hội dân gian truyền thống, gần 1.400 lễ hội tôn giáo, hơn 400 lễ hội lịch sử, cách mạng. Ngoài ra, có gần 30 lễ hội du nhập từ nước ngoài.
Về di tích, cả nước có trên 10.000 di tích đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh, gần 4.000 di tích đã được xếp hạng di tích quốc gia, 123 di tích đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Đồng thời, có trên 40.000 di tích đã được kiểm kê theo quy định của Luật Di sản văn hóa. Tuy nhiên, từ lâu chưa có văn bản pháp luật điều chỉnh về quản lý, thu chi đối với lĩnh vực này mà mới chỉ dừng ở công văn hướng dẫn thực hiện, chưa có tác dụng chế tài hiệu quả.
Theo bà Yến, những năm qua, việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội còn nhiều bất cập, có xu hướng thương mại hoá và lợi dụng tổ chức lễ hội vì mục đích kinh tế. Còn xảy ra tranh chấp ở một số di tích giao cho đơn vị sự nghiệp công lập quản lý, sử dụng, nhất là Khu di tích lịch sử quốc gia, Khu di tích quốc gia đặc biệt.
“Thực tế, người dân nhu cầu rất lớn trong việc đóng góp cho hoạt động lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di tích. Việc ban hành thông tư nhằm tạo ra sự tin tưởng, minh bạch trong các hoạt động lễ hội. Để bảo đảm tính khả thi và phù hợp với thực tế tại địa phương và từng di tích, thông tư này chỉ quy định có tính nguyên tắc, còn mức trích cụ thể để các địa phương tự quyết định”, bà Yến cho biết.
Theo bà Yến, với di tích thu phí tham quan, nguồn thu từ hoạt động sử dụng và phát huy giá trị di sản văn hóa (thu phí tham quan) được thực hiện theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí. Mức thu phí tham quan di tích do cấp có thẩm quyền quy định. Số thu phí được sử dụng một phần nộp ngân sách nhà nước, phần còn lại được để lại cho đơn vị thu phí để trang trải các chi phí hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí. Với số thu phí nộp ngân sách thuộc nguồn thu của ngân sách nhà nước, được sử dụng cho các nhiệm vụ chi theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận