Bộ Tài chính được giao nhiều biên chế nhất khối Chính phủ
Biên chế công chức Bộ Tài chính là 63.494 người, nhiều nhất các đơn vị thuộc khối Chính phủ giai đoạn 2022-2026, theo quyết định do Phó thủ tướng Phạm Bình Minh ký ngày 18/10.
Theo quyết định, tổng biên chế công chức của cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng thành lập mà không phải đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; biên chế các hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương giai đoạn đến hết năm 2026 là 103.300 biên chế (không bao gồm Bộ Công an, Quốc phòng). So với năm 2022, con số này giảm hơn 4.200 người.
Sau Bộ Tài chính, đơn vị được giao biên chế nhiều tiếp theo là Bộ Tư Pháp với 9.000; Công Thương có 6.100; Kế hoạch và Đầu tư là 5.790; Ngân hàng Nhà nước với 4.900. Ban quản lý lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh ít nhất với 19 biên chế.
Dù có biên chế nhiều nhất khối Chính phủ nhưng so với năm 2022, số công chức thuộc Bộ Tài chính giảm hơn 3.300 người; Bộ Tư pháp giảm hơn 470 người.
Biên chế các hội quần chúng ở Trung ương là 686, trong đó Liên minh hợp tác xã Việt Nam nhiều nhất với 172; Hội nghệ sĩ múa Việt Nam, Tổng hội Y học việt Nam, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam, đều có số lượng ít nhất với 5 biên chế.
Trước đây, Thủ tướng phê duyệt biên chế công chức hưởng lương từ ngân sách của cơ quan hành chính nhà nước và các hội có tính chất đặc thù, trong đó có cơ quan của HĐND, UBND cấp tỉnh, cấp huyện theo từng năm.
Từ năm 2022, Bộ Chính trị quyết định tổng biên chế toàn hệ thống chính trị theo từng giai đoạn, trong đó phân chia rõ biên chế công chức thuộc các khối Quốc hội, Chính phủ, TAND tối cao, VKSND tối cao, Văn phòng Chủ tịch nước. Biên chế công chức ở các địa phương cũng được tách riêng.
Theo quyết định của Bộ Chính trị hồi tháng 7, tổng biên chế của toàn hệ thống chính trị giai đoạn 2022-2026 là 2,234 triệu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận