24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Trần Phong
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Bộ Tài chính đã đi đúng hướng khi cơ cấu lại ngân sách nhà nước

Cứ chi tiêu tiết kiệm, hiệu quả thế nào cũng có ngân sách để đầu tư.

Bộ Tài chính đã thành công khi nhiệm kỳ qua đã đi đúng hướng trong cơ cấu một bước ngân sách nhà nước, đồng thời tiếp tục quản lý chặt chẽ chi ngân sách trong thời gian tới, để cơ cấu lại ngân sách bền vững hơn.

Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Văn Hiến cho biết như vậy khi trả lời phỏng vấn của phóng viên TBTCVN.

PV: Là người có nhiều năm kinh nghiệm nghiên cứu các vấn đề thuộc lĩnh vực của ngành Tài chính, nếu nhìn nhận một cách khách quan, nhiều chiều, ông đánh giá như thế nào về kết quả thực hiện nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước (NSNN) nhiệm kỳ qua (2016 - 2020)?

TS. Nguyễn Văn Hiến: Có thể nói, nhiệm kỳ 2016 - 2020 chúng ta thực hiện nhiệm vụ tài chính – NSNN trong những hoàn cảnh rất đặc biệt và thành quả thu được cũng rất đặc biệt.
Bộ Tài chính đã đi đúng hướng khi cơ cấu lại ngân sách nhà nước
TS. Nguyễn Văn Hiến

Những năm đầu nhiệm kỳ, nền kinh tế bước vào giai đoạn hồi phục với chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và năng suất lao động của nền kinh tế tăng chậm. Trong các năm 2016, 2017 ngân sách trung ương (NSTW) vẫn còn bị thâm hụt, sang năm 2018 tình hình có khả quan hơn khi tổng thu NSNN đạt dự toán, nhưng NSTW vẫn tiếp tục hụt thu và một số địa phương thu nội địa không đạt dự toán. Phải đến năm 2019, tình hình thu NSNN có khả quan hơn (vượt dự toán 46 nghìn tỷ đồng, tương đương 3,3% so với dự toán); trong đó thu NSTW cũng đã vượt dự toán.

Tuy nhiên, đến năm 2020 nền kinh tế đã phải đối diện với muôn vàn khó khăn, khi dịch Covid-19 xảy ra và lan rộng đã ảnh hưởng nặng nề tới kinh tế thế giới và Việt Nam. Tăng trưởng kinh tế chậm lại, doanh nghiệp khó khăn đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn thu NSNN, do đó, tác động rất lớn tới việc thực hiện nhiệm vụ của ngành Tài chính. Song, với nỗ lực vượt bậc, kinh nghiệm trong điều hành, cộng với dư địa tài khóa tích lũy từ việc cơ cấu lại NSNN và nợ công trong giai đoạn 2016 - 2019, nên cân đối ngân sách năm 2020 kể cả ở cấp trung ương và cấp địa phương cơ bản được đảm bảo; góp phần hoàn thành cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và tài chính - NSNN năm 2020 và hoàn thành thắng lợi các mục tiêu tài chính - NSNN 5 năm 2016 - 2020.

Cả giai đoạn 2016 - 2020, ngành Tài chính đã đạt và vượt kế hoạch đề ra, với tổng thu NSNN bằng 100,4% kế hoạch. Đáng chú ý, kết quả trên càng có ý nghĩa hơn khi cơ cấu thu NSNN bền vững hơn, tỷ trọng thu nội địa tăng từ 68% bình quân giai đoạn 2011 - 2015 lên 85,5% năm 2020 (kế hoạch là 84 - 85%), tỷ trọng thu dầu thô và hoạt động xuất nhập khẩu giảm từ 30% bình quân giai đoạn 2011 - 2015 xuống còn khoảng 14,2% năm 2020.

PV: Như điều ông tâm đắc, đó là việc cơ cấu lại chi tiêu ngân sách tiết kiệm, hiệu quả có ý nghĩa hết sức quan trọng, ông có thể chia sẻ rõ hơn về điều này?

TS. Nguyễn Văn Hiến: Nếu nhìn một cách tổng thể, chúng ta có thể thấy, Bộ Tài chính thời gian qua đã ban hành đồng bộ, hiệu quả các chính sách tài chính, trong đó có chính sách thu – chi NSNN. Bộ Tài chính luôn là bộ ban hành văn bản quy phạm pháp luật với số lượng rất lớn trong số các bộ, ngành. Trong đó, đã hoàn thiện thể chế chính sách tài chính để quản lý chặt chẽ, hiệu quả NSNN.

Trong điều hành, Bộ Tài chính đã ban hành văn bản hướng dẫn các bộ, ngành và địa phương tổ chức triển khai thực hiện dự toán chi NSNN trong đó yêu cầu chặt chẽ về thời gian phân bổ, nội dung phân bổ và tổ chức thực hiện dự toán, đảm bảo phù hợp với thực tế, triệt để tiết kiệm và phát huy hiệu quả sử dụng kinh phí ngân sách.

Một ví dụ dễ thấy nhất, đó là trong năm 2020, trước tình hình phức tạp của dịch bệnh, cân đối NSNN khó khăn, Bộ Tài chính đã chủ động trình cấp thẩm quyền cho phép thực hiện những biện pháp, như: yêu cầu tiết kiệm 70% kinh phí hội nghị, công tác phí trong và ngoài nước và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2020; yêu cầu các địa phương chủ động điều hành ngân sách địa phương, trường hợp hụt thu thì phải chủ động sử dụng dự phòng ngân sách, quỹ dự trữ tài chính, tăng thu, tiết kiệm chi và các nguồn hợp pháp khác và cắt giảm các nhiệm vụ chi theo quy định của Luật NSNN.

Cũng theo báo cáo của Bộ Tài chính, số tiền tiết kiệm này khá lớn, trong năm 2020 chỉ riêng ngân sách Trung ương đã tiết kiệm, cắt giảm hơn 49 tỷ đồng và đã được Thủ tướng Chính phủ ghi nhận và khen ngợi. Tính chung trong 5 năm (2016-2020), dự toán chi thường xuyên cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã được xây dựng trên cơ sở yêu cầu sắp xếp lại tổ chức bộ máy, giảm biên chế... đã giảm chi được khoảng 27 - 28 nghìn tỷ đồng.

Nhờ chi tiêu tiết kiệm, hiệu quả, Nhà nước có thêm nguồn để dành cho chi đầu tư phát triển, chi cho an sinh xã hội và các nhiệm vụ cấp bách, phát sinh khác như chi các gói hỗ trợ an sinh xã hội do dịch bệnh Covid 19, chi hỗ trợ các địa phương bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ…

PV: Thành quả thực hiện nhiệm vụ tài chính - NSNN đạt được nhiệm kỳ qua, theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, nhà quản lý là khá ấn tượng, nhưng không thể “ngủ quên trên vòng nguyệt quế”, những thách thức trong thời gian tới cũng không nhỏ. Ông đánh giá về điều này như thế nào, thưa ông?

TS. Nguyễn Văn Hiến: Mặc dù những thành tích trong việc thực hiện nhiệm vụ tài chính - NSNN trong năm 2020 và cả nhiệm kỳ 2016 - 2020 vừa qua là khá ấn tượng, song trong những năm tới sẽ còn đối mặt với rất nhiều khó khăn vì các yếu tố môi trường bên ngoài còn đầy thách thức và khó lường: dịch covid 19 vẫn diễn biến phức tạp, suy giảm kinh tế toàn cầu đã hiện hữu rõ, nền kinh tế trong nước còn vô vàn khó khăn khi vẫn phải căng mình thực hiện mục tiêu kép do Chính phủ đề ra.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, ngành Tài chính đang đi đúng hướng khi đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp để hoàn thành các nhiệm vụ tài chính - NSNN đề ra.

Trong đó, một trong những nhóm giải pháp được đánh giá cao, đó là Bộ Tài chính tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế chính sách thu, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, minh bạch, công bằng; xem xét tiếp tục thực hiện các chính sách miễn, giảm, giãn về thuế, phí, lệ phí để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19. Đồng thời, Bộ Tài chính tăng cường công tác quản lý thu, chống thất thu, bảo đảm thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và thu khác vào ngân sách nhà nước; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, chuyển giá, trốn, lậu thuế, gian lận thuế, lợi dụng chính sách hoàn thuế.

Theo tôi, một trong những giải pháp quan trọng, cần tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm đó là quản lý chặt chẽ chi NSNN, để cơ cấu lại ngân sách bền vững hơn. Trong đó, phải quản lý chặt chẽ các khoản chi ngay từ khâu lập dự toán, đến tổ chức thực hiện. Triệt để tiết kiệm các khoản chi chưa thực sự cấp thiết; trong trường hợp số thu không đạt dự toán, thì phải giảm chi tương ứng, theo đúng quy định của Luật NSNN.

PV: Xin cảm ơn ông!

Đảm bảo an toàn nợ công

“Một kết quả nổi bật phải kể đến đó là Bộ Tài chính đã rất thành công trong cơ cấu lại chi ngân sách. Thu và chi ngân sách có thể ví như 2 mặt của một đồng xu, nếu như thu tốt nhưng chi không tiết kiệm, hiệu quả, thì kết quả thu cũng sẽ không còn ý nghĩa.

Trong đó, ngành Tài chính đã tham mưu Chính phủ thực hiện cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước (NSNN) theo hướng ưu tiên dành nguồn lực tăng chi đầu tư phát triển, giảm tỷ trọng chi thường

xuyên. Tỷ trọng chi đầu tư phát triển năm 2020 ước đạt trên 29% (mục tiêu là 25 - 26%), chi thường xuyên khoảng 63,1% tổng chi NSNN (mục tiêu là dưới 64%). Nhờ cơ cấu lại thu và chi hiệu quả, bội chi NSNN bình quân 5 năm giai đoạn 2016 - 2020 chỉ vào khoảng 3,6% GDP, đảm bảo mục tiêu không quá 3,9% GDP theo Nghị quyết 25 của Quốc hội. Nợ công cũng được đảm bảo an toàn. Đến cuối năm 2020, dư nợ công khoảng 55,8% GDP, nợ Chính phủ khoảng 49,6% GDP, giảm mạnh so với mức tương ứng là 63,7% và 52,7% năm 2016 (mức trần cho phép là 65% và 54%)”. Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Văn Hiến.

Link Nguồn
Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả