Bổ sung gói tín dụng khoảng 30.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội
Bộ Xây dựng kiến nghị Chính phủ bổ sung gói tín dụng khoảng 30.000 tỷ đồng theo hình thức tái cấp vốn cho chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất vay. Theo khảo sát, người lao động rất mong chờ gói tín dụng này.
Thiếu nhà ở xã hội (NƠXH) nói chung và nhà ở công nhân nói riêng đang lộ ra khoảng trống khi đại dịch Covid-19 lần thứ 4 hoành hành tại vành đai các khu công nghiệp phía Nam.
Lê Thị Mỹ quê ở Đô Lương, Nghệ An là một phần trong câu chuyện “di cư” của các công nhân nhà máy đã trở về làng quê của họ từ vành đai công nghiệp phía Nam, tâm chấn của đợt bùng phát dịch Covid-19 mạnh nhất của Việt Nam. Hàng triệu người khác cũng đã như thế, lần lượt trở về nhà khi các hạn chế về di chuyển kéo dài hàng tháng khiến người lao động phải sống trong những ngôi nhà chật chội thuê trong các ngõ xóm nghèo, tiền không, tiện ích không.
Trong khi có những khu vực thiếu nhà ở cho công nhân, nhưng có những nơi, đã từng là tâm điểm của dịch Covid-19 như Bắc Ninh, thì công nhân lại được đảm bảo chỗ ăn, ở làm việc “3 tại chỗ” hay thực hiện “2 cung đường 1 điểm đến” thành công. Đó là kết quả của sự nỗ lực rất lớn của Chính phủ, doanh nghiệp và địa phương đảm bảo an sinh cho người lao động.
Tổng công ty Viglacera-CTCP là đơn vị điển hình về phát triển bất động sản (BĐS) công nghiệp, chú trọng phát triển nhà cho công nhân.
Cùng với việc phát triển khu công nghiệp (KCN), song song đó Viglacera đã xây dựng nhà ở cho công nhân. Hiện. doanh nghiệp này sở hữu 11 KCN trên cả nước, thì có tới 6 khu nhà ở công nhân đã đi vào sử dụng như KCN Yên Phong, Yên Phong 2C, KCN Tiên Sơn (Bắc Ninh), KCN Phú Hà (Phú Thọ), KCN Hải Yên (Quảng Ninh), KCN Đồng Văn 4 (Hà Nam), đáp ứng được hàng trăm nghìn chỗ ở cho công nhân.
Thực tế, để có những khu nhà ở cho công nhân như thế không nhiều, vì theo số liệu của Bộ Xây dựng, đến nay trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 266 dự án nhà ở xã hội (NƠXH), trong đó đối với NƠXH dành cho công nhân KCN đã hoàn thành 121 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 54.000 căn hộ, tổng diện tích 2,7 triệu m2 (đáp ứng được 42% nhu cầu của công nhân). Hiện, các doanh nghiệp và địa phương đang tiếp tục triển khai 100 dự án với quy mô xây dựng khoảng 134.000 căn hộ, tổng diện tích 6,7 triệu m2.
Trở lại vấn đề của Viglacera, nhiều câu hỏi cũng đặt ra, trong khi các KCN của Viglacera gần phủ đầy nhà ở công nhân, thì tại sao một số doanh nghiệp phát triển BĐS KCN và NƠXH khác vẫn còn đang “bế tắc”, dẫn đến sự ra đi ồ ạt của công nhân trong đại dịch? Nói không quá, Viglacera là một đơn vị số 1 phát triển nhà ở công nhân, quan tâm đến sự phát triển chung của kinh tế, cũng như vấn đề an sinh xã hội. Vì thế, trong đại dịch hồi tháng 5-6/2021 ở Bắc Ninh, các doanh nghiệp vẫn đảm bảo được sản xuất, đảm bảo được đời sống cho công nhân.
Bộ Xây dựng đã đề xuất nhiều giải pháp như chủ đầu tư và các tỉnh thành khi lập, phê duyệt quy hoạch xây dựng KCN phải bố trí diện tích đất phù hợp trên địa bàn để xây dựng nhà công nhân; Kiến nghị sửa Luật Nhà ở 2014, trong đó đề cập đến cơ chế, chính sách về đất, lãi suất, diện tích sử dụng... về nhà ở công nhân tại các KCN.
Mới đây nhất, Bộ Xây dựng cũng đề nghị Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa danh mục phát triển NƠXH, trong đó có nhà ở công nhân KCN vào danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025.
Theo đó, Bộ Xây dựng kiến nghị bổ sung gói tín dụng khoảng 30.000 tỷ đồng theo hình thức tái cấp vốn cho chủ đầu tư NƠXH, nhà ở công nhân KCN, khu chế xuất vay. Việc này góp phần đảm bảo “mục tiêu kép”: bảo đảm an sinh xã hội – nhà ở cho các đối tượng yếu thế, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế bền vững, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp gắn với hỗ trợ phát triển thị trường nhà ở và BĐS.
Chia sẻ với Vnbusiness về đề xuất này, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nói, việc có vốn để giải quyết NƠXH rất tốt, nhưng để tính toán lâu dài thì phải giải quyết bằng thị trường chứ không phải ngân sách.
Theo ông Võ, chỉ có một số nước phát triển như Bắc Âu mới có đủ khả năng sử dụng ngân sách xây NƠXH nói chung, nhà ở cho công nhân nói riêng. Đối với Việt Nam, ngân sách quá hạn hẹp thì không thể bao cấp được mãi, mà bao cấp cũng chỉ giải quyết được trong phạm vi rất hạn hẹp, trong khi đó hàng triệu công nhân vẫn không có chỗ ở.
Nguyên Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường cho rằng, Nhà nước chỉ cần can thiệp vào để hạ giá đất như miễn tiền sử dụng đất cho doanh nghiệp xây dựng, ưu tiên tìm quỹ đất giá rẻ, thủ tục hành chính cho loại hình này phải nhanh gọn… Còn việc dành dành 20% quỹ đất từ dự án nhà ở thương mại cho NƠXH không khả thi, vì như vậy vô hình trung giá nhà thương mại bị đẩy lên, gánh phần chi phí cho NƠXH.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận