24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Văn Anh Tuấn
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Bổ sung chế tài để hạn chế lập “doanh nghiệp ma”

Trước thực trạng nhiều doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, Bộ Tài chính đề nghị cần bổ sung chế tài ràng buộc, yêu cầu các doanh nghiệp phải thực hiện các nghĩa vụ thuế còn nợ trước khi đăng ký pháp nhân mới.

Trao đổi với PV Lao Động, ông Nguyễn Đức Huy - Phó Chánh Văn phòng Tổng cục Thuế cho biết, ngoài cơ quan thuế rất cần sự vào cuộc của các cơ quan liên quan để xử lý triệt để tình trạng này.

Doanh nghiệp ảo, buôn lậu thật!

Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham gia ý kiến vào dự thảo Nghị định về đăng ký doanh nghiệp (DN). Theo bộ này, năm 2019, toàn quốc có hơn 77.000 DN chấm dứt hoạt động. Trong đó, số lượng DN không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký gần 50.000, chiếm tỉ trọng 64,61%.

Các DN này thường vi phạm không khai thuế, không quyết toán thuế, không quyết toán hóa đơn, còn nợ thuế, DN “ma” ra đời mua bán hóa đơn trục lợi tiền thuế; DN ảo nhưng buôn lậu thật. Đáng chú ý, theo Bộ Tài chính, sau khi cơ quan thuế ban hành thông báo DN không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, các DN này lại làm thủ tục thay đổi thông tin đăng ký DN tại cơ quan đăng ký kinh doanh, đăng ký tạm ngừng hoạt động; hoặc cá nhân là đại diện pháp luật của DN này tiếp tục thành lập DN mới. Dù có hậu kiểm nhưng khi phát hiện thì hậu quả đã xảy ra, không xử lý được.

Do đó, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư bổ sung cơ chế tại dự thảo nghị định này để cơ quan đăng ký kinh doanh có chế tài xử lý. Cụ thể, Bộ Tài chính đề nghị khi tiếp nhận và giải quyết hồ sơ đăng ký DN, thay đổi thông tin, tạm ngừng kinh doanh của DN, “cơ quan đăng ký kinh doanh căn cứ thông tin về tình trạng pháp lý của DN là không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký yêu cầu DN báo cáo và xử lý theo quy định của Luật DN”.

Thực tế, hiện nay, tỉ lệ DN không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký chiếm tỉ lệ cao và có xu hướng ngày càng tăng. Vì vậy, cần bổ sung chế tài ràng buộc, hạn chế “quyền” đối với DN đã bị cơ quan thuế phát hành thông báo về việc người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký phải thực hiện các nghĩa vụ thuế còn nợ trước khi thực hiện đăng ký, thông báo thay đổi nội dung đăng ký DN.

Trường hợp này cần có ý kiến của cơ quan thuế thì DN mới được đăng ký thay đổi thông tin. Bộ Tài chính cũng đề nghị bổ sung một số thông tin bắt buộc của người đại diện và địa chỉ thư điện tử để cơ quan thuế làm căn cứ gửi thông tin, tài liệu sau khi hoàn thành việc đăng ký DN. Theo đó, cần bổ sung địa chỉ liên lạc của người đại diện theo pháp luật, số điện thoại của người đăng ký đại diện theo pháp luật, địa chỉ email của DN, địa chỉ trụ sở chính đầy đủ các thông tin về số nhà, ngõ/hẻm, thôn/xóm/ấp/tổ; phường/xã; quận/huyện; tỉnh/thành phố.

Việc bổ sung thông tin trên để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của DN, tránh trường hợp cơ quan chức năng trong quá trình quản lý DN không liên lạc được do không tìm thấy trụ sở, và người đại diện theo pháp luật lại bị xác định người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký.

Giám sát chặt hồ sơ khai thuế

Ông Nguyễn Đức Huy – Phó Chánh văn phòng Tổng Cục thuế cho rằng, đối với đơn vị thuế thì thường xuyên rà soát tình hình hoạt động của doanh nghiệp thông qua việc giám sát hồ sơ khai thuế. Nếu các doanh nghiệp lớn thì theo dõi qua tháng, còn doanh nghiệp vừa thì theo quý.

Ngoài ra, trong quá trình làm hồ sơ thuế sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan đăng ký kinh doanh. Khi doanh nghiệp đăng ký xong nhưng không hoạt động thì gửi thông báo cho bên phía công an hay đơn vị đăng ký kinh doanh để xử lý các doanh nghiệp “ma”, “ảo”.

Cũng theo ông Huy, cần phải tăng cường thanh tra, kiểm tra tại trụ sở, địa bàn xem hoạt động có hiệu quả hay không, có lao động không… Ngoài ra, để kiểm soát được việc này còn có trách nhiệm của cơ quan khách như Quản lý thị trường, công an, chính quyền địa phương…

Theo luật sư Bùi Đình Ứng (đoàn luật sư Hà Nội) để ngăn chặn, đẩy lùi và chấm dứt hiện trạng doanh nghiệp "ma" cần phải có giải pháp đồng bộ từ cơ chế chính sách đến biện pháp quản lý.

Về cơ chế chính sách, theo luật sư Ứng phải đa dạng hoá các công cụ kiểm soát hoạt động giao dịch kinh doanh trên thị trường thông qua việc thanh toán bằng các loại thẻ tín dụng, thanh toán qua ngân hàng,... để kiểm soát chặt chẽ sự dịch chuyển và vận hành của các luồng tiền trong nền kinh tế. Làm cho hoá đơn chứng từ trở thành công cụ thứ yếu chỉ để ghi nhận hoạt động giao dịch kinh doanh và phục vụ cho việc hạch toán kế toán của doanh nghiệp.

Còn về biện pháp quản lý về phía cơ quan Kế hoạch - Đầu tư trước khi cấp đăng ký kinh doanh cần tiến hành xác minh nhân thân của chủ doanh nghiệp để tránh việc cấp nhầm đăng ký cho những người không có quyền thành lập doanh nghiệp.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả