24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Trần Bằng An
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu, lấy gì để bình ổn thị trường

Quỹ bình ổn xăng dầu đã có “tuổi đời” 15 năm. Đến thời điểm này, câu chuyện giữ hay bỏ quỹ lại tiếp tục được đưa ra bàn luận sôi nổi. Bên cạnh ý kiến đồng ý bỏ, lại có quan điểm cho rằng khi chưa xóa được thế độc quyền vẫn nên giữ để cân đối điều hành vĩ mô. Dưới đây là bài viết thể hiện góc nhìn của chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú - nguyên Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội.

Quá nhiều bất cập về Quỹ bình ổn giá xăng dầu

Quỹ bình ổn giá xăng dầu xuất hiện từ nhu cầu bình ổn giá xăng dầu ở Việt Nam, nhất là trong điều kiện chúng ta còn phụ thuộc khá nhiều vào thị trường xăng dầu thế giới.

Khách quan mà nói, trong thời gian thực hiện Quỹ bình ổn giá xăng dầu bằng tiền của người dân đóng góp - cũng góp một phần nhỏ vào việc bình ổn giá xăng dầu ở thị trường nội địa. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Quỹ bình ổn giá xăng dầu bộc lộ nhiều khiếm khuyết hơn là tác dụng bình ổn thị trường.

Những lúc giá xăng dầu thế giới tăng cao đột biến với biên độ lớn thì quỹ bị âm. Mặt khác, Quỹ bình ổn giá xăng dầu để tại các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, cho nên có nhiều thời điểm, quỹ đã bị doanh nghiệp lợi dụng, sử dụng sai mục đích, thậm chí vi phạm pháp luật.

Theo Thanh tra Chính phủ, có 3/7 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đã bị xử phạt từ 3 lần trở lên; có 3 thương nhân trích lập và sử dụng quỹ với khối lượng xăng dầu vượt so với khối lượng trên sổ sách dẫn đến trích lập quỹ sai hơn 4,7 tỉ đồng và chi sử dụng sai hơn 22,5 tỉ đồng.

Các hiện tượng khác như không kết chuyển về tài khoản quỹ mà để lại ở tài khoản thanh toán của doanh nghiệp diễn ra thường xuyên ở thời điểm trước kết luận thanh tra; có đến 7/15 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu sử dụng sai mục đích của quỹ.

Như chúng ta đã biết, Quỹ bình ổn giá xăng dầu, theo Quyết định thành lập - ghi rõ "có tác dụng trong thời điểm 2012-2016". Nhưng, từ đó đến nay, Quỹ bình ổn giá xăng dầu vẫn tồn tại, điều này không đúng các quy định của pháp luật hiện hành.

Quỹ còn thực hiện việc bù chéo giữa xăng và dầu ở một số giai đoạn nhất định. Điều đó là không thể chấp nhận.

Một ví dụ cụ thể về việc chi Quỹ bình ổn giá xăng dầu để giảm nhiệt giá xăng dầu, đó là trong quý 1.2024, có thời gian giá bán lẻ xăng dầu liên tục tăng, từ mức dưới 22.000 đồng lên mức trên 25.000 đồng/lít. Thời điểm này, Quỹ bình ổn giá xăng dầu còn rất lớn, gần 7.000 tỉ đồng, nhưng không chi sử dụng để bình ổn giá, kiềm chế đà tăng của giá xăng dầu.

Việc quỹ "bất động" trong thời gian dài (từ tháng 10.2023 đến nay) đã ảnh hưởng đến việc điều tiết thị trường xăng dầu, gây những khó khăn nhất định cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh (sử dụng nguyên liệu đầu vào là xăng dầu). Vậy, ai sẽ chịu trách nhiệm cho những tổn thất này do Quỹ bình ổn xăng dầu không được thực hiện theo đúng chức năng vốn có.

Bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu, lấy gì để bình ổn thị trường

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú - nguyên Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội. Ảnh: Phan Long

Phải có Quỹ bình ổn bằng hiện vật (xăng dầu) để thay thế

Từ những khiếm khuyết nêu ở trên về trích lập và sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu - cho ta thấy đã đến lúc phải bỏ quỹ này. Tuy nhiên, bài toán đặt ra là khi bỏ Quỹ bình ổn xăng dầu thì chúng ta điều tiết thị trường bằng gì?

Tôi cho rằng, khi bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu (tiền của dân) thì phải có Quỹ bình ổn bằng hiện vật (xăng dầu) để thay thế. Bởi, như tôi đã nói, hiện nay, thị trường xăng dầu của ta còn khá phụ thuộc vào thị trường xăng dầu thế giới, chỉ một biến động của thị trường xăng dầu thế giới cũng khiến thị trường trong nước chao đảo.

Do vậy, Quỹ bình ổn bằng hiện vật phải đủ lớn để dự trữ cho đất nước từ 3-6 tháng, có như vậy mới đủ sức bình ổn thị trường khi cần thiết. Quỹ này phải được hạch toán, luân chuyển, thấp mua vào, cao bán ra như một công ty quản lý vốn Nhà nước.

Thêm vào đó, cần tạo cơ chế cho các đơn vị đơn vị nhập khẩu, bán buôn, bán lẻ xăng dầu được tự chủ kinh doanh; xoá hiện tượng độc quyền, lợi ích nhóm, cơ chế xin cho, các chế độ báo cáo thỉnh thị, phức tạp, tốn thời gian và thời cơ của các doanh nghiệp.

Giá bán lẻ, bán buôn sẽ lên xuống theo tín hiệu của thị trường thế giới; chi phí kinh doanh từ mua vào đến bán ra của từng giọt xăng dầu sẽ được các doanh nghiệp tự chủ động tính toán cho mình, lời ăn lỗ chịu.

Xăng dầu chỉ nên để một Bộ chuyên ngành quản lý, đó là Bộ Công Thương. Bộ Công Thương không chỉ đạo trực tiếp kinh doanh mà chỉ quản lý chống buôn lậu, gian lận thương mai, hàng giả, trốn thuế. Điều này sẽ tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, công khai minh bạch trên thị trường xăng dầu nội địa, đem lại quyền lợi cho doanh nghiệp và người tiêu dùng xã hội khi có nhu cầu sử dụng.

Chúng ta tin tưởng rằng, với định hướng mới về thiết lập Quỹ bình ổn bằng hiện vật do Nhà nước đầu tư, cấp vốn và quản lý, thay thế Quỹ bình ổn giá xăng dầu đóng góp bằng tiền như trước đây - sẽ mang lạihình ảnh mới về kinh doanh và phục vụ của một mặt hàng thiết yếu quốc gia trong những năm tới.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả