menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Đỗ Mỹ Hà

Bộ Nông nghiệp báo cáo tình hình cung ứng thực phẩm cuối năm 2019 và đầu năm 2020

Để bù đắp nguồn cung thực phẩm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo phát triển chăn nuôi gia súc khác, gia cầm và thủy sản với tổng sản lượng tăng hơn 400.000 tấn so với năm 2018.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tại văn bản số 9380/VPCP-KTTH ngày 15/10/2019; văn bản số 399/TB-VPCP ngày 19/11/2019; văn bản số 11451/VPCP-KTTH ngày 17/12/2019 của Văn phòng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tình hình cung ứng thực phẩm cuối năm 2019 và đầu năm 2020.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hết năm 2019, dự báo hầu hết các đối tượng vật nuôi khác năm 2019 đều phát triển tốt; sản lượng thịt hơi các loại cả năm 2019 ước đạt khoảng 5 triệu tấn, giảm 6,2% so với năm 2018.

Cụ thể, so với năm 2018, đàn bò tăng 2,4% với sản lượng thịt 350 nghìn tấn, tăng 4,4%; sữa đạt khoảng 1,1 triệu tấn, tăng 10%; đàn gia cầm tăng 13,5%, sản lượng thịt ước đạt 1,26 triệu tấn, tăng 15%; sản lượng trứng ước đạt 14 tỷ quả, tăng 12%.

Riêng chăn nuôi lợn gặp nhiều khó khăn do bệnh dịch tả lợn châu Phi làm giảm đáng kể số đầu con và sản lượng so với 2018. Sản lượng thịt lợn cả năm 2019 ước đạt khoảng 3,3 triệu tấn, giảm 13,5% so với năm 2018 (bao gồm giảm khoảng 9% do thiệt hại bị bệnh dịch tả lợn châu Phi và gián tiếp do chưa tái đàn).

Các doanh nghiệp lớn có chuỗi sản xuất thịt lợn như các công ty CP, Masan, Mavin,… đã và đang mở rộng hàng trăm điểm bán thịt lợn chất lượng, an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm tại nhiều tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Ninh Bình, Hải Dương, Tp. Hồ Chí Minh… để phục vụ nhu cầu người tiêu dùng.

Về dự trữ các mặt hàng thiết yếu cho nhu cầu các tháng cuối năm, bao gồm cả thực phẩm của các địa phương trọng điểm: Thành phố Hà Nội (đã bố trí nguồn kinh phí 31.200 tỷ đồng) và Tp. Hồ Chí Minh (đã bố trí nguồn kinh phí 102.891 tỷ đồng) đang tổ chức triển khai kế hoạch dự trữ thực phẩm phục vụ nhu cầu các tháng cuối năm và phục vụ Tết Nguyên đán.

Nhiều địa phương khác cũng đã tổ chức dự trữ các nguồn thực phẩm cho nhu cầu cuối năm và Tết Nguyên đán như: tỉnh Bắc Giang đã tổ chức dự trữ 20.000 tấn thịt lợn; tỉnh Phú Thọ ước tính sản lượng thịt lợn đạt 10.000 tấn so với nhu cầu của địa phương là 7.000 tấn cho 3 tháng trước và sau Tết Nguyên đán.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến ngày 18/12, tổng số lợn tiêu hủy do bệnh dịch tả lợn châu Phi là 5.957.460 con với tổng trọng lượng 342.802 tấn, chiếm khoảng 9% tổng trọng lượng lợn của cả nước.

Để bù đắp nguồn cung thực phẩm khác, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo phát triển chăn nuôi gia súc khác, gia cầm và thủy sản với tổng sản lượng các loại thực phẩm tăng hơn 400.000 tấn so với năm 2018, một phần phục vụ cho tăng trưởng, một phần bù đắp thiếu hụt do bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Hiện nay, tổng đầu lợn theo báo cáo của các tỉnh còn khoảng 25 triệu con; trong đó đàn nái là 2,7 triệu con; đàn lợn giống cụ kỵ, ông bà còn 109.000 con. Cơ bản đáp ứng đủ cho nhu cầu nhân giống phục vụ tái đàn lợn. Nhiều địa phương đã chủ động chỉ đạo tái đàn có kết quả và đã có thịt lợn cung cấp cho thị trường. Mặt khác, người chăn nuôi đặc biệt quan tâm, biết cách áp dụng có hiệu quả các biện an toàn sinh học và vệ sinh phòng bệnh.

Các doanh nghiệp tập trung nhiều nguồn lực đầu tư giữ đàn lợn cụ kỵ, ông bà, hiện vẫn còn khoảng 109.000 con (90%) chưa bị dịch bệnh. Cùng với đó, cả nước đã có 860 vùng, cơ sở chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh và hàng chục doanh nghiệp chăn nuôi lớn bảo đảm an toàn sinh học nên lợn không mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Bộ Nông nghiệp báo cáo tình hình cung ứng thực phẩm cuối năm 2019 và đầu năm 2020
Các địa phương tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy sản xuất, đảm bảo an toàn dịch bệnh. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, Bộ không cấp định mức (quota) nhập khẩu thịt lợn, cũng như bất kỳ động vật, sản phẩm động vật; tất cả đều bảo đảm thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị Ban Chỉ đạo 389 các cấp chỉ đạo, tổ chức ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là lợn, sản phẩm lợn ra, vào Việt Nam.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị Bộ Tài chính chỉ đạo và hướng các địa phương hoàn thiện hồ sơ khẩn trương hỗ trợ cho người chăn nuôi, nhằm giảm thiểu khó khăn và có thêm nguồn lực để người chăn nuôi kịp thời khôi phục sản xuất.

Với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách tạo điều kiện thuân lợi để doanh nghiệp, người chăn nuôi được vay vốn đầu tư mở rộng, khôi phục sản xuất chăn nuôi, giết mổ và chế biến sản phẩm chăn nuôi; tiếp tục khoanh nợ, giãn nợ cho các chủ vật nuôi có gia súc, gia cầm buộc phải tiêu hủy vì dịch bệnh theo quy định.

Theo Tổng cục Thống kê nhận định nguồn cung thịt lợn thiếu hụt khoảng 200.000 tấn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo ngành công thương và các địa phương cần tập trung nguồn lực nhiều hơn cho bình ổn mặt hàng thịt lợn so với các nhóm thực phẩm khác trong dịp Tết Canh Tý tới đây; có kế hoạch cho nhập khẩu thịt lợn từ các quốc gia có hiệp định song phương về xuất, nhập khẩu thịt lợn để cân đối việc thiếu hụt thịt lợn trong nước và hài hòa lợi ích giữa các bên./.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại