menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Kiến Vũ

Bộ Kế hoạch & Đầu tư: Sức chống chịu của một bộ phận doanh nghiệp đã tới hạn

Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho rằng khả năng chống chịu của một bộ phận doanh nghiệp, nhất là quy mô vừa và nhỏ đã tới hạn (quá sức chịu đựng) trước những khó khăn kinh tế.

Nhận xét này được Bộ Kế hoạch & Đầu tư nêu tại báo cáo gửi tới phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, sáng 5/8.

"Khả năng chống chịu của một bộ phận doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa đã đến mức tới hạn", Bộ Kế hoạch & Đầu tư nhận xét, và đề nghị chính sách điều hành cần quyết liệt, chủ động, phối hợp nhịp nhàng để tạo tác động cộng hưởng, tranh thủ mọi cơ hội để phục hồi tăng trưởng.

Theo báo cáo của Bộ này, kinh tế xã hội tháng 7 và 7 tháng có dấu hiệu khởi sắc so với tháng trước. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát. Chỉ số sản xuất IIP ngành công nghiệp tăng 3,9% so với tháng 6. Số doanh nghiệp đăng ký lập mới và trở lại hoạt động là 20.800 đơn vị, tăng 34% so với cùng kỳ 2022.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 7 tháng tăng 3,12% so với cùng kỳ, tốc

độ tăng CPI tiếp tục xu hướng giảm. Mặt bằng lãi suất (huy động và cho vay) giảm 1% so với cuối 2022. Tính chung 7 tháng, xuất siêu ước đạt 16,5 tỷ USD, tăng 12 lần so với cùng kỳ 2022 (1,34 tỷ USD).

Tuy vậy, cơ quan ngành kế hoạch chỉ ra sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp vẫn gặp nhiều thách thức, nhất là thị trường, dòng tiền và thủ tục hành chính. Xuất khẩu 7 tháng giảm 10,6%, chủ yếu ở nhóm hàng chủ lực như điện thoại, điện tử, dệt may. Nhập khẩu tư liệu sản xuất giảm 17,3%.

Dư nợ tín dụng tăng 3,96% đến ngày 21/7, cho thấy tiếp cận vốn của doanh nghiệp vẫn khó khăn. Trái phiếu doanh nghiệp phát hành giảm 78% so cùng kỳ. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến hết tháng 5 là 3,65%, cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái và mục tiêu kiểm soát (3%). Bên cạnh đó, thủ tục hành chính một số lĩnh vực còn rườm rà gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.

Những thách thức này, theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư không thể chuyển biến nhanh trong ngắn hạn, phụ thuộc vào xu hướng chung toàn cầu. Điều này tạo rủi ro, sức ép lên điều hành tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn về ngân sách, đầu tư, tiêu dùng, lao động việc làm và an sinh xã hội.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhận xét, khó khăn nhiều hơn cơ hội trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp.

Trên thế giới, tăng trưởng thấp trong khi cầu tiêu dùng còn yếu, hàng rào bảo hộ gia tăng. Lạm phát trên thế giới có thể đã qua đỉnh nhưng vẫn neo ở mức cao, nhiều quốc gia tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt. Chẳng hạn, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm vào 26/7.

Lãnh đạo Chính phủ cũng chỉ ra thách thức mới về an ninh lương thực toàn cầu khi Ấn Độ, Nga và một số nước ngừng xuất khẩu gạo để bảo đảm an ninh lương thực trong nước, ảnh hưởng đến nguồn cung gạo thế giới. Nguồn cung dầu thô tiếp tục bị thu hẹp, đẩy giá dầu tăng cao nhất từ tháng 4.

Theo Thủ tướng, các nước trên thế giới vẫn đang giải các "bài toán khó" giữa thúc đẩy tăng trưởng và kiểm soát lạm phát; giữa đa phương hóa và cạnh tranh địa chiến lược, chủ nghĩa bảo hộ, sự phân tách, phân mảnh.

Trong khi đó, tình hình trong nước chịu tác động kép, phải chống chịu với sức ép từ cả bên trong và bên ngoài, nhiều vấn đề tồn tại, yếu kém kéo dài nhiều năm càng bộc lộ rõ hơn trong bối cảnh khó khăn.

Lãnh đạo Chính phủ đánh giá, các bộ ngành địa phương đã nỗ lực, triển khai nhiều giải pháp, nhưng vẫn còn tồn tại, vướng mắc trên các lĩnh vực. "Cần phát huy những việc đã làm tốt, nêu rõ việc chưa đạt yêu cầu và nhận diện tình hình hiện tại để có giải pháp căn cơ thời gian tới", Thủ tướng yêu cầu.

Bộ Kế hoạch & Đầu tư - cơ quan tham mưu của Chính phủ về điều hành vĩ mô - cho rằng các bộ ngành, địa phương cần rà soát, hoàn thiện cơ chế và cắt giảm hơn nữa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân.

Các đơn vị cũng cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, gắn với phân bổ nguồn lực và tăng kiểm tra, kiểm soát quyền lực.

Cập nhật chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, đến cuối tháng 7 đã giải ngân được 93.800 tỷ đồng, bằng khoảng 1/4 tổng gói 350.000 tỷ đồng.

Trong đó, 64% số đã giải ngân thuộc chính sách giảm thuế, phí, lệ phí; 20% thuộc 5 chính sách tín dụng cho vay ưu đãi qua Ngân hàng Chính sách xã hội (đạt gần 19.800 tỷ đồng). Còn lại thuộc các chương trình hỗ trợ lãi suất, tiền thuê nhà.

Về chi đầu tư phát triển, Thủ tướng đã giao kế hoạch chi tiết cho hơn 99% các nhiệm vụ, dự án sử dụng vốn công, tương đương 175.200 tỷ đồng. Đến cuối tháng 7, ước giải ngân kế hoạch vốn này là 30.260 tỷ đồng.

Anh Minh

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại