Bộ hãm phanh, mục tiêu tăng vốn và chính sách chia cổ tức
Nếu như những năm trước đây nhóm ngân hàng thương mại (NHTM) gốc quốc doanh thường phải chia cổ tức bằng tiền mặt theo yêu cầu của cổ đông là Nhà nước, trong khi nhóm NHTM tư nhân thường tận dụng cơ hội thị trường chứng khoán thuận lợi, cũng như hòa theo định hướng của cơ quan quản lý để chia cổ tức bằng cổ phiếu nhằm tăng vốn điều lệ, giờ đây dường như đang có sự đảo ngược…
“Bộ hãm phanh”
Cách đây năm năm, vốn điều lệ của nhóm NHTM gốc quốc doanh chiếm tỷ trọng 26% tổng vốn điều lệ của các tổ chức tín dụng, còn nhóm NHTM tư nhân là 46%. Đến nay, tỷ trọng vốn điều lệ của hai nhóm này tương ứng là 20% và 55%, cho thấy sự bứt phá của nhóm NHTM tư nhân. Cụ thể, vốn điều lệ của nhóm NHTM gốc quốc doanh đến hết quí 3-2023 là 190.479 tỉ đồng, chỉ tăng thêm 42.589 tỉ đồng, tương đương tăng 29% so với tháng 12-2018. Còn vốn điều lệ của nhóm NHTM tư nhân đạt 515.683 tỉ đồng, tăng 248.449 tỉ đồng, tương đương tốc độ tăng lên đến 93%.
Nhìn về xa hơn, thời điểm tháng 12-2013, vốn điều lệ của nhóm NHTM gốc quốc doanh chiếm tỷ trọng lên đến 30%. Tuy nhiên, trong 10 năm qua, vốn điều lệ của nhóm này chỉ tăng thêm 62.385 tỉ đồng, tương đương tăng 49%; trong khi nhóm NHTM tư nhân tăng đến 322.147 tỉ đồng (gấp hơn 5 lần nhóm NHTM gốc quốc doanh), tương đương tăng 166%.
So sánh như vậy để thấy rằng năng lực cạnh tranh của nhóm NHTM tư nhân đã gia tăng mạnh mẽ như thế nào trong những năm qua, nhờ vào bộ đệm vốn ngày càng dày hơn với tốc độ nhanh hơn, tạo điều kiện để tăng trưởng mạnh mẽ và đối phó với những rủi ro nếu chẳng may xảy ra. Dĩ nhiên vẫn còn đâu đó những trường hợp phát triển không bền vững, hoặc dòng tiền góp vốn tăng thêm chưa thật sự rõ ràng, đặc biệt là những ngân hàng chưa niêm yết.
Là cấu phần quan trọng trong vốn tự có để sử dụng tính toán hệ số an toàn vốn (CAR), tiếp đó hệ số CAR được xem là “bộ hãm phanh” khi phát triển tín dụng, theo đó tỷ lệ CAR càng thấp sẽ càng làm hạn chế mục tiêu tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng, nên việc tăng vốn điều lệ luôn là mục tiêu quan trọng, hàng đầu, mà tất cả ngân hàng hướng đến trong nhiều năm qua, như là cách để cải tiến, nâng cấp bộ hãm phanh liên tục lên mức tối ưu nhất có thể.
Tuy nhiên, việc tăng vốn điều lệ không phải là điều dễ dàng với các ngân hàng. Nếu như các ngân hàng nhỏ có những khó khăn riêng để đáp ứng yêu cầu tăng vốn, do cơ cấu cổ đông cô đặc, nguồn lực hạn chế, thì ngay cả những ngân hàng lớn như big 4 với cổ đông lớn là Nhà nước đứng phía sau cũng có những rào cản nhất định. Để đáp ứng yêu cầu thu ngân sách, những năm trước đây Bộ Tài chính thường yêu cầu các NHTM gốc quốc doanh phải chia cổ tức bằng tiền mặt.
Theo đó, nhóm NHTM tư nhân đã có cơ hội bứt phá mạnh mẽ về nguồn vốn tự có, đặc biệt là kể từ khi các ngân hàng ồ ạt niêm yết chính thức lên sàn chứng khoán giai đoạn 2017-2018 cho đến nay và tận dụng những diễn biến tốt của thị trường để lựa chọn các thời điểm tăng vốn phù hợp. Như số liệu cũng đã cho thấy, trong mức tăng 322.147 tỉ đồng vốn điều lệ của nhóm này gần 10 năm qua, riêng năm năm gần đây đã ghi nhận mức tăng 248.449 tỉ đồng, chiếm tỷ trọng hơn 77%.
Vì vậy, dễ hiểu vì sao hệ số CAR của nhóm NHTM tư nhân cao hơn nhiều so với quy định, trong khi nhóm NHTM gốc quốc doanh thường xuyên cận kề ngưỡng quy định. Cụ thể, tính đến ngày 30-9-2023, hệ số CAR của nhóm NHTM tư nhân tính theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN là 11,5%, còn của nhóm NHTM gốc quốc doanh là 9,5%. Chính vì lẽ đó, nhóm NHTM tư nhân cũng đã tăng được thị phần dư nợ tín dụng đáng kể trong nhiều năm trở lại đây.
Chính sách chia cổ tức đảo chiều
Như đã nói, nếu như những năm trước đây nhóm NHTM gốc quốc doanh thường phải chia cổ tức bằng tiền mặt theo yêu cầu của cổ đông là Nhà nước, trong khi nhóm NHTM tư nhân thường tận dụng cơ hội thị trường chứng khoán thuận lợi, cũng như hòa theo định hướng của cơ quan quản lý để chia cổ tức bằng cổ phiếu nhằm tăng vốn điều lệ, giờ đây dường như đang có sự đảo ngược.
Đơn cử như trong giai đoạn gần nhất 2020-2022, để đối phó với những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) luôn chủ trương và yêu cầu các ngân hàng không chi trả cổ tức bằng tiền mặt để dành nguồn lực giảm lãi suất cho vay. Do đó, hầu hết các ngân hàng phải chuyển sang chi trả cổ tức bằng cổ phiếu. Ngoại lệ duy nhất đối với việc trả cổ tức bằng tiền mặt là đối với các NHTM gốc quốc doanh (Vietcombank, BIDV, VietinBank) do yêu cầu từ Bộ Tài chính.
Tuy nhiên trong năm 2023, thị trường chứng kiến một loạt ngân hàng lên kế hoạch và hiện thực hóa chính sách chia cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt cho cổ đông, bên cạnh chia cổ tức bằng cổ phiếu ở một tỷ lệ nhất định. Có thể kể đến như ACB và HDBank đều đã chia cổ tức 10% bằng tiền mặt và 15% bằng cổ phiếu; VPBank đã chia cổ tức 10% bằng tiền mặt; VIB chia cổ tức 15% bằng tiền mặt và 20% bằng cổ phiếu; MBBank chia cổ tức 5% bằng tiền mặt và 15% bằng cổ phiếu; còn TPBank chia cổ tức lên đến 25% bằng tiền mặt.
Có một số lý do giải thích cho chính sách chia cổ tức bằng tiền mặt của các ngân hàng trong năm nay. Đầu tiên là việc cơ quan quản lý không còn thắt chặt cơ chế chia cổ tức bằng tiền mặt như giai đoạn trước, nên các ngân hàng có điều kiện chia sẻ lợi nhuận bằng tiền cho các cổ đông. Thứ hai là trong bối cảnh thị trường chứng khoán thời gian qua không mấy khả quan, cổ đông không mấy mặn mà với việc nhận cổ tức bằng cổ phiếu. Và thứ ba là trong bối cảnh nhiều ngân hàng đang thừa vốn, nên cũng giảm động lực phải giữ lại một nguồn lực vốn quá lớn.
Ở chiều ngược lại, nhóm NHTM gốc quốc doanh lại đẩy nhanh kế hoạch tăng vốn trong năm nay bằng chính sách chia cổ tức bằng cổ phiếu. Ngày 30-11-2023, đến lượt VietinBank chốt quyền chia cổ tức bằng cổ phiếu theo tỷ lệ hơn 11,7%, theo đó ngân hàng này sẽ phát hành thêm 564 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ 48.058 tỉ đồng lên 53.701 tỉ đồng. Đầu năm nay, VietinBank đã thông qua kế hoạch phát hành đến 1,2 tỉ cổ phiếu để chia cổ tức từ nguồn lợi nhuận giữ lại là 12.330 tỉ đồng.
Trước đó một ngày (ngày 29-11), BIDV cũng đã chốt quyền chia cổ tức bằng cổ phiếu theo tỷ lệ 12%, để tăng vốn điều lệ từ 50.585 tỉ đồng lên hơn 57.004 tỉ đồng. Hay như vào tháng 7 năm nay, Vietcombank cũng đã chính thức tăng vốn điều lệ lên 55.890 tỉ đồng, sau khi chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 18,1% từ nguồn lợi nhuận sau thuế và trừ các quỹ 2019, 2020. Dù vậy, đứng đầu về quy mô vốn điều lệ hiện nay vẫn đang là VPBank – một NHTM tư nhân với 67.434 tỉ đồng, ba vị trí tiếp theo mới là các NHTM gốc nhà nước VietinBank, BIDV và Vietcombank, còn Agribank đang xếp ở vị trí thứ 8.
Theo thống kê, đây là lần thứ hai nhóm NHTM gốc quốc doanh được tăng vốn điều lệ trong tám năm qua. Lần gần nhất nhóm này được chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn là năm 2021, các năm còn lại hầu hết chia cổ tức bằng tiền mặt. Về phía cơ quan quản lý, NHNN cũng cho rằng việc tăng vốn điều lệ cho nhóm NHTM gốc quốc doanh là cần thiết để đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn và có thêm dư địa cho vay.
Ngoài ra, nguồn thu ngân sách những năm qua duy trì xu hướng tăng trưởng tích cực, nên áp lực ngân sách hiện không còn quá lớn. Điều này cũng giúp các NHTM gốc quốc doanh không phải chịu áp lực duy trì chính sách chia cổ tức bằng tiền mặt liên tục. Bên cạnh đó, với nguy cơ nợ xấu đang tăng nhanh trở lại, tăng bộ đệm vốn nhanh hơn và dày hơn đang cấp thiết hơn bao giờ hết.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận